Hôm nay, Tân Lập đã có vóc dáng của một thị tứ. Đời sống người dân đã được nâng cao nhờ sản xuất kinh tế có hiệu quả.
Trường cấp 2 – 3 Tân Lập – Ảnh: XUÂN HUY |
Thôn Tân Lập (xã Ea Ly, Sông Hinh) được hình thành theo dự án kinh tế mới năm 1993. Giống như bao vùng đất mới khác, những ngày đầu Tân Lập đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chủ tịch xã Ea Ly Phan Văn Thắng, một trong những người đầu tiên đến vùng đất này, nhớ lại: “Ngày ấy, nơi đây chỉ là vùng đất hoang sơ, nhìn đâu cũng thấy rừng và đồi núi bao quanh. Những hộ dân đến sinh sống chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mùa mưa, việc đi lại của bà con rất gian nan. Chúng tôi phải lặn lội xuống tận Hai Riêng mua lương thực, thuốc men dự trữ để chống lại giá rét, bệnh tật giữa chốn rừng thiêng nước độc”.
Hôm nay, về lại Tân Lập, nhiều người rất ngạc nhiên khi chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của vùng đất này. Ngay cửa ngõ Tân Lập, nhà máy đá Granit Sông Hinh tấp nập xe ra vào. Ngôi trường bán trú cấp 2 -3 nằm khang trang trên ngọn đồi gần đó luôn nhộn nhịp bởi sự có mặt của những học sinh người dân tộc thiểu số nô nức đến trường. Với vẻ mặt phấn khởi, Ma Chung ở xã Ea Bia, khoe: “Tôi có hai đứa con đang học lớp 12 trường này. Không chỉ tôi mà rất nhiều người dân ở các vùng lân cận đều cảm thấy vui khi con mình được dạy dỗ nghiêm túc”.
Sự hiện diện của các tiểu thương từ Hai Riêng đến buôn bán cũng như kinh doanh các loại hình giải trí, làm cho cuộc sống Tân Lập trở nên nhộn nhịp và sinh động hẳn lên. Anh Nguyễn Văn Đông, chủ một quầy tạp hóa cho biết: “Khách hàng của tôi đa phần là bà con dân tộc thiểu số tại địa phương. Họ cần cái gì thì mình bán cái ấy. Những năm gần đây cây sắn, cây mía liên tục được mùa và được giá nên mức sống của người dân được nâng cao hơn trước kia rất nhiều. Họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để mua những đồ dùng đắt tiền, chứ không còn sống trong cảnh phải lo miếng cơm manh áo như trước kia nữa”. Ma Trim đến từ xã Ea Lâm, đang lỉnh kỉnh với 2 bình dầu to tướng trên chiếc xe máy dính đầy đất đỏ, cởi mở trò chuyện: “Hai bình dầu này là để ngày mai chạy máy cày. Trước kia, muốn mua phải xuống tận Hai Riêng, nhưng bây giờ thì chỉ mất vài phút chạy xe máy qua Tân Lập là có liền”.
Cơ ngơi của người đàn ông 40 tuổi Triệu Văn Lá (dân tộc Tày), khá khang trang và đủ các tiện nghi sinh hoạt. Có được thành quả như vậy là cả một quá trình gian khổ, chịu khó làm ăn của vợ chồng ông . Ông Lá nhớ lại : “Năm 1992, tôi cùng với gia đình từ Lạng Sơn vào Tân Lập lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng. Nhờ người quen giúp vốn, tôi mạnh dạn mở rộng đất canh tác trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi. Hiện với 8 ha mía và 2 ha mì cùng đàn heo gần 30 con, tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm”. Chỉ tay về hướng tây, nơi có rừng cao su đang phát triển xanh tốt chờ ngày lấy mủ, ông Lá bảo: “Đó là niềm hy vọng mới của tôi và bà con đấy!”.
Một điểm rất đặc biệt của Tân Lập là sự quần cư của gần 80% các hộ dân đến từ các tỉnh phía Bắc xa xôi như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Chủ tịch xã Phan Văn Thắng cho biết: “Bà con sống rất đoàn kết, ai cũng lo làm ăn để thoát nghèo. Cùng với bà con dân tộc bản địa, họ đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đất này”.
Trước sự thay da đổi thịt của Tân Lập, ông Đinh Ngọc Dạng, Trưởng Ban Quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Sông Hinh, không giấu được sự vui mừng: “Năm nay, khi chợ đầu mối nông sản Tân Lập hoàn thành thì vùng đất này sẽ là nơi giao thương của nông dân các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, góp phần đẩy mạnh sự phát triển không chỉ cho Ea Ly, mà cả nền kinh tế huyện Sông Hinh”.
NHẬT HUY