Ngày 11/1, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm một năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, Bộ Công Thương tổ chức “Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam sau khi gia nhập WTO”. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Theo nhận định chung, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các Bộ, ngành quản lý Nhà nước và các tầng lớp nhân dân có không ít băn khoăn, lo lắng và cả hoài nghi về khả năng nền kinh tế Việt Nam thích nghi với những thay đổi to lớn của môi trường kinh doanh cũng như năng lực đối phó với những thách thức nhiều chiều của hội nhập kinh tế quốc tế khi gia nhập WTO. Mặt khác, nhiều đối tác bên ngoài cũng chưa thật sự tin tưởng vào khả năng và quyết tâm của Việt Nam thực thi đầy đủ và nghiêm túc các cam kết hội nhập sâu rộng chưa từng có.
Những thành tựu Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế một năm qua đã xoá tan mọi lo lắng và hoài nghi đó. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định: “Sau một năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những chuyển biến rất tích cực, trong đó nổi bật nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu. Nhìn chung, các tác động của việc gia nhập WTO đối với Việt Nam là tích cực, qua đó góp phần giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, ổn định ở mức 8,5% năm 2007 - tốc độ cao kỷ lục đối với Việt Nam và thứ hai trên thế giới”.
Ông O.E.Birr – Phó Chủ tịch tập đoàn Metro thì khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã chứng minh được đường lối, chính sách kinh tế vững mạnh và đáng tin cậy. Tập đoàn Metro là công ty thương mại có tính quốc tế cao nhất trong lĩnh vực bán lẻ và bán sỉ, hoan nghênh Việt Nam gia nhập WTO và xem đây là bước tích cực quan trọng trên con đường tiếp tục phát triển kinh tế của Việt Nam”.
Đối với lĩnh vực ngân hàng- tài chính, một lĩnh vực khá nhạy cảm trong WTO, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phùng Khắc Kế đưa ra nhận xét: Năm 2007, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng của Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có những khởi sắc, tăng trưởng ổn định, tuân thủ các qui định của pháp luật Việt Nam. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam làm tốt vai trò là cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường và các doanh nghiệp Việt Nam. Các tổ chức này một mặt là những đối thủ cạnh tranh tiềm tang đối với các ngân hàng trong nước, mặt khác lại là kênh truyền dẫn vào Việt Nam những công nghệ ngân hàng hiện đại, những thông lệ tốt nhất và nguồn tài chính bổ sung cho thị trường tiềm năng của Việt Nam”.
Bên cạnh các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phát triển rất ngoạn mục, chiếm 56,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Về dịch vụ, chỉ nói riêng một ngành nhạy cảm là tài chính – ngân hàng với khả năng cạnh tranh còn chưa cao nhưng cũng đã có những bước đi lên rất ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng của các dòng vốn chu chuyển qua hệ thống ngân hàng năm qua đã đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Năm 2007, cũng là năm hoạt động rất hiệu quả của các ngân hàng nước ngoài và đặc biệt là khối các tổ chức tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam.
Từ đầu năm 2007, Việt Nam đã bắt đầu cắt giảm gần 2.000 dòng thuế theo cam kết gia nhập WTO, trong đó bao gồm các mặt hàng quan trọng như dệt may, hàng tiêu dùng, thiết bị xây dựng… Việt Nam cũng nỗ lực mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính và đẩy mạnh chống tham nhũng. Trên thực tế, trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam đã mở cửa thị trường nhanh hơn, rộng hơn so với cam kết, trước hết là vì lợi ích phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Việt Nam vẫn phải đối
mặt với nhiều thách thức như chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhập siêu lớn, chất lượng tăng trưởng của một số ngành hàng chưa bền vững, năng lực cạnh tranh ở các cấp độ còn thấp… Việc giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế để tăng trưởng và phát triển bền vững ngày càng trở thành niệm vụ quan trọng và cấp bách.
Còn ông Walter Blocker – Phó Chủ tịch Hội đồng thương mại Hoa Kỳ khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng: Thử thách quan trọng đối với Việt Nam trong 5-10 năm tới là việc thực thi Hiệp định tự do thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) và WTO. Việt Nam phải vượt qua một tầm nhận thức hay quan sát rộng lớn của quá trình chuyển tiếp thực hiện các cam kết, giữa một bên cải thiện mạnh mẽ luật pháp và một bên là thực tế xoay quanh cải cách hành chính, chống tham nhũng…
Theo VOV