Nếu may thì một ngày làm việc bình an qua đi để kiếm được vài chục ngàn. Nếu rủi thì gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, đôi khi phải đánh đổi bằng tính mạng. Đó là thực tế xót xa của hàng ngàn người lao động kiếm sống bằng các công việc khá nguy hiểm (trong chuyên đề này chúng tôi tạm gọi là lao động tự do) nhưng không được bảo đảm an toàn lao động.
Làm việc trên những công trường như thế này, nhiều người lao động luôn đối mặt với bất trắc – Ảnh: ĐỨC THÔNG |
Mưu sinh trong nguy hiểm
Với hàng ngàn người, để được việc làm, có nguồn thu nhập cho gia đình, họ sẵn sàng chấp nhận làm việc trong những điều kiện nhiều rủi ro, nguy hiểm. Những yêu cầu tối thiểu về an toàn lao động hầu như không được thực hiện.
BẤT TRẮC LUÔN RÌNH RẬP
Nhiều công trình xây dựng nhà cao bốn năm tầng nhưng chỉ bắc giàn giáo bằng gỗ rất chông chênh. Đến những công trường đang xây dựng, chúng tôi chứng kiến sự nguy hiểm của những người làm thợ nề (thợ xây). Tại một công trình xây dựng công sở Nhà nước ở TP Tuy Hòa, một giàn giáo gỗ tạm bợ đang được những người thợ nề lắp ráp để chuẩn bị xây dựng tầng thứ tư. Anh Phan Văn Quánh, người đang làm thuê cho một chủ thầu xây dựng công trình này, cho biết: “Hiện nay, ở Phú Yên ít có chủ thầu có giàn giáo bằng sắt lắp ghép mà chủ yếu là giàn giáo gỗ. Đa số giàn giáo làm bằng gỗ bạch đàn, vì thế nó cũng chỉ chịu đựng được vài công trình. Đôi khi chủ thầu lại tận dụng, cánh thợ chúng tôi vẫn biết nguy hiểm, nhưng khi lắp giàn giáo cố gắng cho nó liên kết thật chắc chắn”.
Lật lại sổ chi chép của chúng tôi, công trình chợ Tuy Hòa đã từng xảy ra sự cố sập giàn giáo trong lúc thi công. Một thợ nề bị rơi từ độ cao hơn 11m, nhưng rất may chỉ bị thương nhẹ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết giàn giáo này gỗ bị mục nhưng chịu sức nặng nhiều người thợ đứng trên đó, cộng với vật liệu xây dựng tập kết lên đã khiến giàn giáo không chịu nổi mới bị sập. Hay như vụ tai nạn lao động sập hầm rút làm ông Nguyễn Văn Nhân (ở thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa) tử vong. Trong lúc ông Nhân đào sâu xuống 2m thì bất ngờ sập cát, vùi chôn và chết trên đường cấp cứu.
Tại những mỏ đá ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), hàng ngày hàng chục người lầm lũi đục đẽo thủ công những tảng đá to hàng chục tấn. Nhiều người ngồi trên những tảng đá cheo leo có thể sập đổ bất cứ lúc nào, tính mạng họ có thể bị tước đi bất cứ lúc nào. Thực tế đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Anh Đức Vượng (26 tuổi, ở Hòa Xuân Tây) học chưa hết tiểu học, nhưng vì gia đình khó khăn phải nối nghiệp cha làm thợ chẻ đá. Anh Vượng làm thuê cho ông Lê Xuân Thu, chủ mỏ đá Hóc Dông (Hòa Xuân Tây), cho biết: “Chẻ đá là nghề cha truyền con nối, chỉ học kinh nghiệm thực tế hướng dẫn của người truyền nghề. Thế nhưng, thực tế từng mỏ đá thì khác nhau hoàn toàn, có mỏ đá nằm chồng nhau, liên kết rất chắc chắn, nhưng mỏ đá sau khi khai thác trở thành đá mồ côi rất dễ bị sập. Gặp những mỏ đá mồ côi, thợ chẻ đá chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính và cũng phải nói “hên xui may rủi” mà thôi”.
ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM AN TOÀN, BẢO HỘ LAO ĐỘNG
Hầu hết những vụ tai nạn lao động làm chết người, gây thương tật cho người lao động là do người lao động, chủ sử dụng lao động không quan tâm đến an toàn lao động. Ông Lê Xuân Thu, chủ mỏ đá Hóc Dông, phân trần: “Theo hợp đồng đã ký, thợ đá là người phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động. Đặc thù nghề này dựa vào kinh nghiệm là chính nên thợ chẻ đá dựa vào kinh nghiệm của mình để đảm bảo an toàn lao động”. Ông Thu cũng thừa nhận, hầu hết các mỏ đá đang khai thác hiện nay đều không trang bị bảo hộ lao động cho công nhân.
Theo anh Đào Xuân Quang, một thợ xây, đa số các chủ thầu xây dựng ít quan tâm đến việc trang bị bảo hộ lao động, một số ít có trang bị nhưng cũng chỉ “lấy có”. Anh Quang, cho biết: “Từ trước đến nay, tôi đi làm thuê phụ hồ nhiều công trình nhưng chưa thấy chủ thầu nào trang bị bảo hộ lao động. Chúng tôi vẫn biết việc trang bị bảo hộ lao động là trách nhiệm của chủ thầu. Tuy nhiên, bảo hộ lao động đó đều do công nhân chúng tôi tự sắm lấy, tự mình chịu trách nhiệm về bảo hộ lao động và an toàn lao động”.
Theo quy định của Luật Lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trang bị bảo hộ lao động, tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn lao động. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người sử dụng lao động khoán trắng cho người lao động. Luật Lao động cũng quy định, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm mua bảo hiểm cho người lao động. Thế nhưng, anh Quang bức xúc: “Chủ thầu ứng tiền mua bảo hiểm tai nạn lao động, sau đó trừ vào tiền công. Số tiền mua bảo hiểm không lớn nhưng chủ thầu lại “căn ke” với cánh công nhân chúng tôi”. Trong hợp đồng lao động giữa ông Lê Xuân Thu- chủ sử dụng lao động với anh Nguyễn Đức Vượng- người lao động ghi: “Bên A ứng trước các khoản bảo hiểm lao động tính trừ vào đợt thanh toán sổ”.
ĐỨC THÔNG
Làm việc trên cao, rủi ro luôn rình rập người lao động - Ảnh: ĐỨC THÔNG |
Hãy biết tự giữ gìn sự an toàn cho chính mình
Tình hình tai nạn lao động, nhất là đối với những người lao động tự do, đang ngày càng gia tăng, cả về số vụ, tính nghiêm trọng, mức độ thiệt hại. Những cái chết tức tưởi của những người lao động khốn khó xảy ra ngày càng nhiều hơn.
Chúng ta vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ sập mỏ đá Hóc Trùm (ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) đã cướp đi sinh mạng của ba con người- những trụ cột chính của ba gia đình nghèo khó. Vì kế sinh nhai, hàng ngày họ phải làm việc trong điều kiện hết sức nguy hiểm khi lúc nào những tảng đá hàng chục tấn cũng treo lơ lửng trên đầu. Làm việc hoàn toàn bằng thủ công nhưng không hề có một phương tiện bảo hộ lao động và hậu quả tất yếu đã xảy ra. Điều càng đau lòng hơn khi hầu như không một người nào chịu trách nhiệm trước cái chết của những con người xấu số đó. Thực tế, chủ mỏ đá này- người thuê lao động- đã không thực hiện các quy định về an toàn, bảo hộ lao động. Khi tai nạn chết người xảy ra, người thuê lao động nói rằng những người làm thuê phải tự lo về kỹ thuật, an toàn lao động! Hậu quả cuối cùng là những người vợ, đứa con (của những người đã chết oan uổng) càng lâm vào cảnh khốn cùng.
Hàng ngày có hàng ngàn người kiếm sống với những công việc nhiều rủi ro, nguy hiểm. Họ là những lao động tự do hoặc làm thuê nhận tiền công theo ngày. Đó là những người phụ hồ cho các công trình xây dựng hay những người đào giếng, đào cống, khuân vác nặng nhọc… Đối mặt với công việc có nhiều bất trắc nhưng hầu như họ ít quan tâm đến an toàn, bảo hộ lao động. Với những người làm thuê hưởng ngày công lao động, do tính chất thuê mướn theo ngày, họ không có khái niệm về hợp đồng lao động nên hầu như không có sự ràng buộc nào giữa người thuê lao động và người lao động. Do đó, những người thuê lao động cũng không quan tâm đến an toàn, bảo hộ lao động cho những người mà họ thuê mướn. Với người làm thuê, vì hoàn cảnh họ chấp nhận rủi ro, bất trắc để kiếm sống. Họ phó mặc hoàn toàn cho sự… may rủi. Vì thế, khi không may xảy ra tai nạn, không ai khác mà chính những người lao động này hoàn toàn gánh đủ hậu quả.
Ở lĩnh vực này, tất nhiên các cơ quan chức năng khó có thể can thiệp hết, càng không thể quản lý. Do đó, điều quan trọng nhất là mỗi người lao động hãy tự nâng cao ý thức về an toàn, bảo hộ lao động. Hãy biết tự giữ gìn sự an toàn cho chính mình. Vì mưu sinh nhưng hãy biết quý trọng tính mạng của chính mình. Tất nhiên, để bảo vệ sự an toàn lao động cho người dân, Nhà nước nên sớm có chế tài cụ thể trong lĩnh vực này.
TẤN LỘC
TỪ VỤ SẬP MỎ ĐÁ HÓC TRÙM: “Siết” chặt an toàn trong khai thác đá * Từ vụ tai nạn sập mỏ đá Hóc Trùm, Sở Lao động- thương binh xã hội Phú Yên có kế hoạch gì trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp khai thác đá?
Riêng đối với lao động tự do là thợ chẻ đá làm thuê tại các mỏ, việc quản lý rất khó, vì hiện chỉ mới có thanh tra lao động ở cấp tỉnh. Do vậy, các địa phương phải có trách nhiệm quản lý, kiểm tra đối với lực lượng lao động này, nhất là cấp xã phải quản lý chặt chẽ hơn. Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý an toàn lao động đối với lực lượng lao động tự do là phần lớn họ không nắm bắt được quy trình sản xuất an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật nên nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn. Hơn nữa, giữa chủ mỏ và thợ chẻ đá chỉ có giao kèo bằng cam kết tỉ lệ ăn chia sản phẩm, không có hợp đồng lao động theo quy định pháp luật nên khó xử lý. * Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong an toàn lao động như thế nào, thưa ông? - Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị bảo hộ lao động, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Người lao động phải có ý thức tuân thủ quy trình sản xuất trong an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn lao động cho chính bản thân mình. Thế nhưng, một số ngành nghề, công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao như thợ nề, thợ chẻ đá, thợ đào giếng… chỉ cần sơ suất về kỹ thuật, thiếu cẩn trọng, sẽ dẫn đến tai nạn lao động làm tử vong hoặc bị thương tích. Chính vì vậy, trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, trang bị bảo hộ lao động cũng can được người lao động quan tâm triệt để. MINH ĐỨC (thực hiện) | ||