Ngày 13/10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đánh giá và định hướng công tác quy hoạch nông, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi đến năm 2020.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch ngành nông nghiệp thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại như quy hoạch chưa được tiến hành đồng bộ ở các cấp, chưa tạo thành hệ thống khép kín trên phạm vi cả nước, nhiều quy hoạch chất lượng chưa cao cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển năng động và bền vững của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, thiếu sự kết hợp giữa quy hoạch với xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách, đầu tư, khoa học công nghệ, khuyến nông.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, ngành nông nghiệp cần phải xác định rõ từng lĩnh vực, ngành hàng, xác định yếu tố mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh để tập trung phát triển. Phó Thủ tướng nêu rõ, với chủ trương giảm diện tích đất nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Quốc hội đã thông qua đến năm 2010, quy hoạch về lúa gạo cần tập trung theo hướng đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng để đảm bảo tốt an ninh lương thực và xuất khẩu. Phải xác định cho được loại sản phẩm trồng trọt có khả năng cạnh tranh nhất ở từng vùng để định hướng đầu tư, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, ngắn hạn theo sự biến động của nhu cầu thị trường thế giới.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các giải pháp để ngành chăn nuôi và thủy sản xác định hướng phát triển vừa mang tính đột phá vừa bền vững. Trong lâm nghiệp, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần cân đối diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn với diện tích rừng sản xuất, mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân. Đối với diêm nghiệp, cần tập trung vào các đồng muối công nghiệp thay vì tình trạng sản xuất thủ công, manh mún như hiện nay.
Đề cập đến quy hoạch ngành nghề nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ chủ trương sẽ hỗ trợ mỗi tỉnh từ 6 đến 7 cụm công nghiệp nhỏ cấp huyện, trong đó tập trung vào các làng nghề, các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công mũi nhọn ở địa phương.