Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (RACCOS - thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam – VAAS) đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng cây sa nhân trên địa bàn huyện Sơn Hoà”. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 9-2004 đến tháng 9-2006. Đến nay, theo đánh giá bước đầu, nhiều nông dân đã thực hiện được mô hình trồng sa nhân có hiệu quả.
Hoa sa nhân - Ảnh: Ly Kha |
Đề tài được thực hiện trên tổng diện tích 3ha tại các xã trên cao nguyên Vân Hoà (Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định của huyện Sơn Hòa). Các mô hình được thực hiện gồm; trồng sa nhân dưới tán rừng keo lá tràm 3 năm tuổi; dưới tán cà phê giai đoạn kinh doanh; trồng dưới tán cây trong vườn nhà và trồng dưới tán rừng tự nhiên tái sinh nghèo kiệt. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc RACCOS – phụ trách nhóm thực hiện đề tài cho biết: Các mô hình được triển khai với các hộ nông dân tham gia trồng thử nghiệm đều có kết quả tốt. Tuy tại mỗi điểm, sự phát triển và sinh trưởng có sự chênh lệch, nhưng sa nhân đều phát triển và cho hoa, quả.
Sa nhân là một loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Đây là loại cây bụi, có tỉ lệ nhảy con theo đường dây rễ rất cao và là loại cây chuyên sống dưới các tán rừng hoặc vườn cây. Sa nhân là loại cây chịu hạn rất tốt, có khả năng chống xói mòn hiệu quả. Trước đây, trong các cánh rừng tự nhiên khu vực miền Trung nói chúng và các huyện miền núi Phú Yên nói riêng có rất nhiều loại cây này song hiện không còn nhiều như trước bởi sự thu hẹp diện tích và thành phần loài.
Ông Nguyễn Thái Học ở thôn Vạn Hoà xã Sơn Long tham gia thực hiện mô hình trồng sa nhân trong vườn nhàø cho biết: Sa nhân là loại cây dễ trồng, chịu hạn khá tốt. Theo kết quả bước đầu, nhóm nghiên cứu đã hạch toán được giá trị kinh tế của loại cây này. Từ 2 – 3 năm đầu, sa nhân cho quả bói. Từ 4 – 5 năm, sẽ cho thu hoạch ổn định từ 200 – 250 kg quả khô/ha/năm, chu kỳ thu hoạch của sa nhân từ 8 – 10 năm. Với giá trung bình trên thị trường hiện nay khoảng 70.000 đồng/kg quả khô. Như vậy, mỗi năm nông dân trồng cây sa nhân thu được 14 – 17,5 triệu đồng. Tuy nhiên, vì là cây dược liệu nên đòi hỏi khâu chăm sóc từ khi trồng đến khi thu hoạch khá kỹ, chi phí khoảng 30 triệu đồng/ha, giá trị thu được từ 8 – 10 năm. Bình quân lợi nhuận từ loại cây trồng này là từ 10 – 13,5 triệu đồng/ha/năm.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương cho hay: Trường hợp mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng keo lá tràm của hộ ông Lê Chí Thạch ở thôn Nghĩa Hoà xã Sơn Định, chỉ mới 9 tháng đã cho ra hoa và quả với tỉ lệ 43% chưa từng gặp tại khu vực miền Trung. Thông thường, tại các tỉnh khác, phải hơn 2 năm sa nhân mới ra hoa. Điều này cho thấy, sa nhân rất thích hợp với một số vùng của tỉnh Phú Yên và dự báo hiệu quả kinh tế sẽ rất cao.
Trung tâm Khuyến nông – lâm tỉnh Phú Yên đang xem xét đưa loại cây này vào danh mục phát triển các loại cây đặc sản dưới tán rừng theo chương trình quốc gia năm 2006. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng miền núi Phú Yên, khả năng phát triển diện tích trồng cây sa nhân là rất cao. Đây là một giải pháp nâng cao giá trị kinh tế vườn rừng, kinh tế trồng các loại cây công nghiệp trên địa bàn và cũng là giải pháp bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất hiệu quả.