Tiêu thụ nông sản là một trong những vấn đề còn nhiều tồn tại bức xúc của ngành nông nghiệp Phú Yên. Thực tế nông sản do nông dân làm ra chưa có sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả, bản thân nông dân chưa thể tự giải quyết mối tiêu thụ như thế nào để có giá cả được lợi nhất. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chưa thể chủ động được trong khâu thu mua nguyên liệu.
Nhiều nông sản của nông dân làm ra rất khó tiêu thụ - Ảnh: Dương Thanh Xuân
Lâu nay các doanh nghiệp và người sản xuất ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá trên địa bàn Phú Yên đã được thực hiện theo một số hình thức như: ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, khuyến nông và mua lại nông sản hàng hoá; trực tiếp tiêu thụ nông sản hàng hoá; bán vật tư mua lại nông sản hàng hoá. Một số nông sản được tiêu thụ qua hợp đồng như: mía đường khoảng 65% diện tích (20.154ha) được hai nhà máy đường Tuy Hoà và KCP Sơn Hoà tiêu thu; sắn mì khoảng 30% diện tích (5.649ha) được Nhà máy chế biến tinh bột sắn (Sông Hinh) tiêu thụ; bông vải khoảng 100% diện tích (533ha); thuốc lá khoảng 70% diện tích (513ha). Sản xuất và tiêu thụ qua hợp đồng mang lại kết quả như: diện tích các cây trồng ổn định, hầu hết năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, chất lượng nông sản được nâng cao, sản xuất nông sản được hướng theo thị trường; người sản xuất cơ bản tiêu thụ được nông sản cải thiện được đời sống, các doanh nghiệp cơ bản chủ động được nguyên liệu để chế biến và sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Tuy vậy hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế như: doanh nghiệp và người sản xuất chậm điều chỉnh giá, còn bị ràng buộc trong sự biến động thường xuyên của giá cả thị trường, một số trường hợp chưa thực hiện đầy đủ những cam kết trong hợp đồng. Mặt khác doanh nghiệp chưa thực sự hỗ trợ giá, bảo hiểm giá cho nông dân chưa mạnh dạn đầu tư trồng rãi vụ vì giá thành cao; kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp còn thụ động, không đủ tự tin ký hợp đồng dài hạn với nông dân.
Thông thường doanh nghiệp là chủ động tìm thị trường, thương thảo với nông dân bàn các biện pháp sản xuất, phân giải lợi ích và rủi ro. Nhà nước, nhà khoa học dựa trên hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa tạo mọi điều kiện về đất đai, đầu tư, tín dụng, kỹ thuật để khuyến khích cho nhà nông và doanh nghiệp phát triển. Mối quan hệ này giúp cho nông dân bán được sản phẩm làm ra, có tích lũy và có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, đồng thời giúp nông dân và doanh nghiệp cùng có lãi.
Nhà nước cần có các sự hỗ trợ trong thị trường xúc tiến thương mại, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, định hướng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, chính sách ưu đãi tín dụng, làm trọng tài giải quyết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nông; đồng thời có sự tham gia tích cực của đội ngũ khoa học kỹ thuật, lực lượng thông tin đại chúng và sự quan tâm đúng mực của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
ĐỨC TÍN