Trong số ba khu công nghiệp (KCN) tập trung của Phú Yên, KCN Đông bắc Sông Cầu thuộc loại “sinh sau, đẻ muộn”, hạ tầng kỹ thuật xây dựng chưa đồng bộ nhưng tỷ lệ thuê đất lại thuộc loại dẫn đầu. Điều này cho thấy hấp lực của KCN nơi cửa ngõ phía bắc của tỉnh.
KCN Đông Bắc Sông Cầu nằm trong hệ thống các KCN Phú Yên đã được tỉnh sớm quy hoạch và được Chính phủ cho phép triển khai xây dựng từ 5/2002. KCN này nằm trên địa bàn xã Xuân Hải có diện tích 315,8 ha, cùng khu dân cư rộng 138 ha. Trong giai đoạn 1 KCN Đông Bắc Sông Cầu rộng 105,8 ha được quy hoạch chi tiết, trong đó có 75,2 ha dành cho xây dựng các nhà máy và cơ sở sản xuất. So với các KCN Hoà Hiệp, An Phú, KCN Đông Bắc Sông Cầu có nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư. KCN nằm ngay trên Quốc lộ QL1D (đường Quy Nhơn - Sông Cầu), chỉ cách cảng Quy Nhơn 20 km, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá.
Đường Qui Nhơ - Sông Cầu ( quốc lộ 1D) một lợi thế về giao thông của khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu - Ảnh: Chí Thạnh
Hơn thế, KCN này nằm trong khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi theo danh mục C của Chính phủ. Đó là chưa kể những chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư của tỉnh như miễn tiền thuê đất từ 12 đến 15 năm, miễn phí sử dụng hạ tầng 5 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 7- 9 năm tiếp theo, hỗ trợ chi phí đào tạo lao động, kinh phí thực hiện các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và sản xuất kinh doanh, chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… Do vậy, mặc dù hạ tầng của KCN Đông bắc Sông Cầu đang trong giai đoạn thi công nhưng đã thu hút được 21 dự án với tổng vốn đăng ký 211 tỷ đồng và 0,4 triệu USD. Các dự án trên đã thuê hơn 65 ha đất, chiếm 80% diện tích đất cho thuê xây dựng nhà máy.
Tỷ lệ này cao hơn các KCN Hoà Hiệp và An Phú, đã cho thấy hấp lực từ KCN này. Hiện tại trong KCN có 5 dự án đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho hơn 100 lao động và 15 dự án khác đang triển khai xây dựng nhà máy. Điều đáng chú ý, phần lớn các dự án đầu tư vào KCN này đến từ các nhà đầu tư của tỉnh Bình Định. Trong khi chờ Khu kinh tế Nhơn Hội xây dựng, các nhà đầu tư đã tìm đến KCN Đông Bắc Sông Cầu. Thời cơ đón đầu của KCN này nên tận dụng bằng cách khẩn trương hoàn chỉnh mạng hạ tầng kỹ thuật để tăng hấp lực thu hút đầu tư.
Trong chương trình hợp tác giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định, vùng đông bắc Sông Cầu sẽ gắn kết với Quy Nhơn- Nhơn Hội mà trọng tâm là khai thác khu vực dọc theo tuyến Quốc lộ 1D của hai tỉnh để phát triển công nghiệp và du lịch biển. Đây là cơ hội thuận lợi cho Sông Cầu phát huy lợi thế, tiềm năng của khu vực phía bắc để vươn lên trở thành thị xã trước năm 2010.