Thứ Hai, 30/09/2024 02:33 SA
Phát triển các làng nghề ở Phú Yên:
Cần có những hạt nhân tâm huyết
Thứ Hai, 19/03/2007 16:43 CH

Phú Yên đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển các ngành nghề truyền thống và xây dựng các làng nghề. Tuy vậy, đến nay, cả tỉnh vẫn chưa có nơi nào thành làng nghề đủ tiêu chí.

 

070319-nghe.jpg

Rất nhiều vùng nông thôn ở Phú Yên được phổ biến rộng rãi nghề đan mây tre lá. Trong ảnh: Đan ghế mây tại HTX An Ninh Đông – huyện Tuy An – Ảnh: LY KHA

 

CHUYỆN CỦA HAI HẠT NHÂN

 

Kế hoạch thực hiện chương trình khuyến công 2007 của Phú Yên có kinh phí là 425 triệu đồng, hỗ trợ đào tạo nghề cho 200 lao động; xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, xúc tiến thương mại cho các ngành nghề truyền thống.

Phó giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên Tô Thị Hoà cho biết: “Nghề gốm truyền thống ở Hoà Vinh (huyện Đông Hoà) và đan đát Vinh Ba (xã Hoà Đồng huyện Tây Hoà) đã có được những hạt nhân làng nghề. Những nghề này cũng sẽ là hạt nhân cho những làng nghề truyền thống Phú Yên trong tương lai”. Điểm chung của những làng nghề này là có được con người đam mê.

 

Nghề đan tre tại thôn Vinh Ba (xã Hoà Đồng, huyện Tây Hoà) do chị Trần Thị Thắm đào tạo hiện có khoảng 100 người đang theo học. Sẵn có vốn nghề ban đầu, chị Thắm được Trung tâm Khuyến công đưa đi tham khảo, học nghề ở nhiều nơi. Bấy nhiêu chưa đủ, chị Thắm còn tự tìm đến một số làng nghề ở miền Nam để học, tích lũy thêm vốn nghề. Theo tiêu chí một làng nghề chí ít cũng phải mất 50 năm từ khi hình thành nghề và phát triển liên tục, mở rộng ra đại đa số dân cư của làng. Vậy nên việc chị Thắm nỗ lực tự học hỏi để mong vực dậy làng nghề đang đát là khá gian truân, nhưng cũng rất đáng trân trọng. Bây giờ, những sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như giỏ hoa, đồ dùng gia đình bằng cọng dừa, tre được xưởng sản xuất của chị Thắm làm ra so với thị trường chỉ như muối bỏ bể. Nhưng tin rằng mai này, khi nhiều người biết làm thì làng nghề sẽ hoạt động tốt hơn.

 

Chị Nguyễn Thị Chiên, ở xã Hoà Vinh, huyện Đông Hòa, 37 tuổi, 5 đứa con gái từ 3 đến 12 tuổi, chồng đi làm xa, nhưng vẫn đam mê gốm. Như chị Thắm, chị Chiên cũng tham gia khoá học đào tạo nghề gốm mỹ nghệ dài ngày ở Quảng Nam, rồi tiếp tục tự mày mò học hỏi để sau đó chị lập xưởng sản xuất nghề gốm. Chị may mắn hơn chị Thắm là được người làng nghề hướng dẫn hẳn hoi, có thêm sự giúp đỡ của địa phương, gia đình. Sự quyết tâm của chị Chiên đã được đền đáp. Gốm mỹ nghệ của chị làm ra bán khá đắt khách. Nhiều người nói vui: Chỉ cục đất sét không đáng giá, qua tay chị Chiên có thể bán hàng trăm nghìn đồng. Bây giờ, gốm mỹ nghệ của chị đã có nhiều doanh nghiệp nhận mua bán, bao tiêu sản phẩm. Riêng chị Chiên vừa là “nghệ nhân” vừa là chủ xưởng sản xuất, lại vừa là giảng viên của các lớp đào tạo nghề gốm.

 

Nghề truyền thống có đông nông dân tham gia nhất của Phú Yên hiện nay là đan mây tre lá. Hai đơn vị HTX Tân Hoà Bình (xã Hoà Bình 1, huyện Tây Hoà) và doanh nghiệp Minh Mỹ (Điểm  Công nghiệp Hoà An, huyện Phú Hoà) đã thu hút hàng chục nghìn lao động tại các địa phương, tạo thu nhập khá cho lao động nông thôn. Những xã như Hoà Bình 1, Hoà Thịnh, Hoà Tân Tây, Hoà An… đều đã dấy lên được phong trào làm nghề tiểu thủ công nghiệp.

 

“DÂN LÀNG NGHỀ LOAY HOAY VỚI NGHỀ TRUYỀN THỐNG”

 

Câu nói trên của bà Hoà tưởng chừng vô lý, ấy thế nhưng lại xác thực vô cùng. Đơn cử những làng nghề có sản phẩm được công nhận từ lâu đời như nước mắm Long Thuỷ (TP Tuy Hoà), Gành Đỏ (Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu) có sản phẩm được thị trường công nhận từ lâu. Sở Công nghiệp cùng người dân ở đây đã gửi hồ sơ cho Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu công nhận thương hiệu chung “Nước mắm Gành Đỏ” và “Nước mắm Long Thủy” nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Riêng dự án làng nghề nước mắm An Chấn (huyện Tuy An) đã được địa phương xây dựng năm 2004. Nguồn vốn được thực hiện theo cách Nhà nước và nhân dân cùng làm với 1 tỷ đồng, phần đóng góp của dân là 300 triệu đồng. Từ đó đến nay, dự án đã được ghi vốn trên 600 triệu đồng nhưng vẫn dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là địa phương và các ngành vẫn chưa chọn được địa điểm xây dựng khu trưng bày sản phẩm nước mắm để quảng bá.

 

 “Làng nghề chiếu cói Phú Tân xã An Cư (huyện Tuy An) đã làm được những sản phẩm mới tiêu thụ rộng trên thị trường. Sau khi đào tạo cho người dân ở đây, yêu cầu của đơn vị bao tiêu là phải đủ 1 container/tháng. Thế nhưng không có đơn vị nào đứng ra tổ chức thực hiện để đáp ứng được yêu cầu trên. Nghề làm mành gỗ mới được Trung tâm Khuyến công cùng xã Hoà Hội (huyện Phú Hoà) đào tạo cho nông dân được một đơn vị tỉnh Hà Tây hướng dẫn và bao tiêu sản phẩm. Dù nguyên liệu rẻ hơn, sản phẩm giá cao hơn Hà Tây nhưng nông dân vẫn kêu lỗ, không làm được” – Trưởng Phòng Kế hoạch, Sở Công nghiệp Phú Yên Lê Kim Chung cho biết.

 

Một thực trạng đáng buồn của nghề truyền thống là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa người dân, đơn vị sản xuất cùng mặt hàng tại địa phương với nhau. Cách cạnh tranh nội bộ  theo kiểu “mở đầu vô, bó đầu ra”, theo bà Tô Thị Hoà, là đã hạn chế rất nhiều sự phát triển của các ngành nghề truyền thống trong tỉnh.

 

Chỉ những doanh nghiệp mới chú ý làm thương hiệu, marketing, tìm kiếm thị trường…, còn các nghề truyền thống chủ yếu được xây dựng tại các HTX và người dân. Chưa có một tổ chức, HTX nào kết hợp được với nhau để sản xuất những mặt hàng truyền thống đủ chất và lượng cung cấp cho thị trường. Nguồn lực cả về vốn và con người tâm huyết để xây dựng nên những làng nghề hoạt động hiệu quả.

 

LY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek