Thứ Ba, 26/11/2024 22:38 CH
Màu xanh trên những trang trại
Thứ Bảy, 17/03/2007 09:59 SA

Các trang trại ở Phú Hòa đã liên kết hình thành những tổ hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển, tạo nên những vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá có giá trị. Nhờ đó, tiềm năng đất đai được khai thác ngày càng có hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm và hộ có thu nhập 50 triệu đồng/năm.

 

HIỆU QUẢ CỦA HỢP TÁC KINH TẾ TRANG TRẠI

 

070316-san-Son-Ha.jpg

Thu hoạch sắn ở các trang trại Hòa Hội (Phú Hòa). - Ảnh: N.T

Trở lại Sơn Ngọc (xã Hòa Quang Bắc, Phú Hòa) hôm nay, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất hẻo lánh này. Con đường mòn năm nào đã được mở rộng, xe tải dễ dàng đến tận nơi để “ăn hàng”. Bên trong những trang trại đã xuất hiện những ngôi nhà xây kiên cố, có điện lưới quốc gia kéo đến từng nhà, hình thành làng xóm đông vui. Đang vào mùa xuân nên các trang trại đều ngập tràn màu xanh. Bên những hàng cây ăn quả đang thay lộc đươm hoa, các mảnh vườn tốt tươi luống ớt, khổ qua, dưa leo, đậu các loại. Người tổ trưởng Huỳnh Văn Tánh bảo: Tính ra, diện tích trồng rau màu ngắn ngày “chạy chợ” nhằm “lấy ngắn nuôi dài” đó cũng đã đạt giá trị hơn 50 triệu đồng/ha. Trong tổng số 200 ha đất của trang trại Sơn Ngọc hiện có 65 ha trồng cây lâm nghiệp, 55 ha cây ăn quả, 42 ha trồng cây ngắn ngày, 18 ha ao nuôi cá, còn lại là diện tích trồng cỏ cho đàn bò hơn 200 con. Trang trại của tổ trưởng Huỳnh Văn Tánh được xem là điển hình làm kinh tế VACR trong vùng. Trên diện tích gần 10 ha được ông Tánh trồng 3 ha bạch đàn, 2 ha cây ăn quả gồm xoài, nhãn, mãng cầu, chanh… diện tích còn lại trồng cỏ nuôi bò và các cây ngắn ngày như bắp, thuốc lá hoặc rau, đậu theo từng mùa. Với trang trại đó, mỗi năm ông Tính có thu nhập đến 100 triệu đồng. Trong tổ hợp tác trang trại này còn nhiều hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/ha như Trương Quang Hưng, Trương Đình Phùng, Nguyễn Văn Quyển, Đặng Văn Tiên… Hiện tại ở Sơn Ngọc, thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo nữa, phần nói lên sức sống của vùng đất hẻo lánh này.

 

Một tổ hợp tác trang trại khác cũng được đánh giá thành công là Nhất Sơn Trang của 17 hộ dân ở xã miền núi Hoà Hội. Trên diện tích 70 ha đất khai hoang, các trang trại đã đưa vào trồng 40 ha mía cao sản, gần 25 ha cây ăn quả trong đó có 6 ha xoài, diện tích còn lại trồng tre lấy măng kết hợp với nuôi 60 con bò. Do sản xuất tập trung với sản lượng hàng hoá lớn nên việc tiêu thụ sản phẩm được tổ hợp tác ký hợp đồng mua bán ngay tại chỗ.

 

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của kinh tế hợp tác trang trại, ông Nguyễn Siêng, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Hoà cho rằng: Sự hình thành và phát triển loại hình kinh tế trang trại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế- xã hôïi của huyện. Tuy thành lập trên vùng đất khó canh tác, song các tổ hợp tác trang trại biết tạo nên sức mạnh tập thể khai thác tiềm năng đất đai, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung như mía, sắn, điều, cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu giấy… Nhiều tổ hợp tác đã xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các công ty chế biến, nhận vốn vay, giống cây trồng, hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Tính ra, bình quân mỗi trang trại có lợi nhuận từ 20- 50 triệu đồng/năm và thường xuyên tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập khoảng 700.000- 1.000.000 đồng/ tháng. Một ưu thế khác của tổ hợp tác là tạo nên ý thức cộng đồng trong việc góp sức phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ thành quả lao động chung.

 

ĐỂ HỢP TÁC KINH TẾ TRANG TRẠI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Sự hình thành tổ hợp tác trang trại là nhằm liên kết các trang trại trên cùng một địa bàn hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Đây là hướng đi mới tích cực song hầu hết các tổ hợp tác trang trại chưa có tư cách pháp nhân nên trong quan hệ hợp tác với các tổ chức kinh tế khác các chủ trang trại vẫn phải tự “bơi” là chính như tiếp cận với các tổ chức tín dụng có những cơ chế ràng buộc mà tổ hợp tác trang trại không thể đứng ra bảo lãnh tín chấp, trong khi đó nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất luôn là đòi hỏi bức xúc của các trang trại. Sản xuất của các trang trại trong thời gian qua còn mang tính tự phát theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chưa đủ sức đầu tư chiều sâu để tạo ra sản phẩm có khối lượng hàng hoá lớn. Do vậy, tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế trang trại, bên cạnh sớm hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận kinh tế trang trại để các chủ trang trại yên tâm mạnh dạn đầu tư phát triển, huyện Phú Hoà cần làm rõ các cây, con chủ lực có lợi thế cạnh tranh và phù hợp với điều kiện tự nhiên, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thành vùng chuyên canh theo quy hoạch chung. Nâng cao trình đôï quản lý, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đất canh tác cũng là yêu cầu cần được hỗ trợ đối với tổ hợp tác trang trại. Thực tế cho thấy, tổ hợp tác trang trại là cầu nối thích hợp để các cơ quan nhà nước chuyển giao có hiệu quả các mô hình sản xuất tiên tiến đến người nông dân. Các tổ hợp tác trang trại ở Phú Hoà đều thành lập ở vùng sâu, vùng xa nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ có ý nghĩa to lớn đối với việc thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá do vậy nhà nước cần ưu tiên bố trí các dự án như thuỷ lợi, giao thông, điện, thông tin… Điều này còn có tác động làm cho bộ mặt nông thôn chuyển biến theo hướng tích cực, phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek