Sau chuyến khảo sát sản phẩm du lịch tại Phú Yên 2 đêm, 3 ngày mới đây, đoàn Famtrip Hiệp hội du lịch Hà Nội đã có buổi làm việc với lãnh đạo ngành du lịch tỉnh và Hiệp hội du lịch Phú Yên. Họ đã chỉ ra những hạn chế của du lịch Phú Yên, đồng thời tư vấn mở ra hướng hợp tác cùng phát triển.
Đoàn Famtrip của Hiệp hội du lịch Hà Nội khảo sát tại điểm du lịch gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, Tuy An) - Ảnh: T.QUỚI
CHUỖI SẢN PHẨM CHUNG
Gần đây trong kinh doanh xuất hiện khái niệm “nhóm người mua”, “nhóm người bán”. Nôm na đó là sự liên kết giữa những người để mua được sản phẩm giá ưu đãi và các dịch vụ hậu mãi; nhóm người bán để cho ra những chuỗi sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hạ để kích cầu. Trong kinh doanh du lịch, khái niệm này hình thành khá sớm thông qua các diễn đàn. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty du lịch Red Tour, Trưởng nhóm liên minh kích cầu, cho biết: “Trong thời buổi cạnh tranh, liên kết là kế sách lâu dài để mỗi công ty tồn tại và phát triển. Liên minh kích cầu (bao gồm 23 công ty du lịch lữ hành ở Hà Nội và miền Bắc) ra đời có lý do như vậy. Nhiệm vụ của liên minh là tạo ra sản phẩm ưu việt nhất (chất lượng và giá cả dịch vụ) và kích cầu sản phẩm, ưu tiên bán hàng cho những sản phẩm chung của nhóm. Nguyên tắc hoạt động của liên minh là tất cả các thành viên đều “công khai, minh bạch” về chi phí lẫn lợi nhuận trong phân khúc sản phẩm của đơn vị mình”.
Với du lịch Phú Yên, các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này không nhiều nhưng giữa các doanh nghiệp lại chưa có sự liên kết, hợp tác để hỗ trợ nhau. Anh Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Tuy Hòa, nói: “Các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực nhưng chưa gặp nhau để cùng chia sẻ, tạo ra sản phẩm liên kết. Ngay cả việc vận động tham gia Hiệp hội du lịch để có sự hiểu biết giao lưu và tìm tiếng nói chung thì nhiều doanh nghiệp cũng thờ ơ, thậm chí không quan tâm. Hay như dịch vụ lưu trú, các khách sạn khi bán cho đơn vị lữ hành trong tỉnh thì đúng với giá niêm yết, trong khi bán cho khách ngoài tỉnh thì “tùy tình hình”. Điều này hết sức phi lý”.
Anh Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc Công ty du lịch Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (APT Travel - Hà Nội), hiến kế: “Hiệp hội du lịch Phú Yên chưa nhiều thành viên, đây là thời điểm tốt để Hiệp hội làm cầu nối liên kết giữa các đơn vị để đưa ra một sản phẩm chung có giá thành ưu đãi. Qua thực tế khảo sát sản phẩm du lịch ở Phú Yên, tôi nghĩ các bạn nên xây dựng một chuỗi sản phẩm du lịch (từ vận tải, ăn, ngủ, mua sắm, tổ chức tour…) Phú Yên cuối tuần”.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang Lân nói: Tiềm năng du lịch Phú Yên là rất lớn, vấn đề là chúng ta phải biến nó thành những sản phẩm, chuỗi sản phẩm hợp lý để du khách thấy hấp dẫn. Hiệp hội du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp thủ đô sẵn sàng hợp tác với Phú Yên để phát triển, mở rộng thị trường du lịch.
MÁY BAY VÀ KHÁCH SẠN VEN BIỂN
Đánh giá cao về tiềm năng; khẳng định khách du lịch miền Bắc, nhất là Hà Nội rất thích trải nghiệm ở Phú Yên nhưng các doanh nghiệp du lịch Hà Nội vẫn không thể tìm lời giải để đưa tour đến Tuy Hòa khi mà tuyến bay Tuy Hòa - Hà Nội quá hạn chế. Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Ao Vua, thẳng thắn góp ý: “Phú Yên chưa định hình được sản phẩm du lịch của mình. Ở giữa 2 thành phố du lịch lớn là Đà Nẵng và Nha Trang, điều này càng đòi hỏi Phú Yên phải tìm mọi cách bật dậy với sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh đó, đường đến Phú Yên quá khó, đường bộ thì xấu, đường hàng không thì lịch bay ít, không cố định, giá đắt, máy bay nhỏ (ATR 72) khiến du khách không lựa chọn”. Về định hướng phát triển sản phẩm du lịch, “Phú Yên nên nghĩ đến sản phẩm du lịch cộng đồng, một loại hình du lịch hiện đại và bền vững, trên cơ sở tranh thủ sự liên kết giữa 3 nhà là: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Một sản phẩm mà đầu tư có hiệu quả ngay đó là du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, bởi những bãi biển ở Phú Yên quá đẹp” - ông Thản nói thêm.
Trao đổi vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất cho biết, tỉnh đã nhiều lần làm việc với Việt Nam Airline đề nghị tăng tần suất tuyến Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa - Hà Nội và đổi máy bay loại lớn thay loại máy bay ART 72 như hiện nay. Nhưng số lượng khách nhiều thời điểm không đảm bảo công suất ghế nên cũng khó. Theo ông Võ Ngọc Kha, Phó giám đốc Sở GTVT, mới đây lãnh đạo hãng hàng không giá rẻ VietJet Air đã về Phú Yên làm việc, khảo sát tuyến bay Tuy Hòa, hy vọng họ sẽ sớm xúc tiến mở thêm tuyến bay và đầu tư máy bay loại lớn tại Cảng hàng không Tuy Hòa.
Bên cạnh hạn chế về máy bay, tuyến bay, các doanh nghiệp trong đoàn Famtrip cũng cho rằng Phú Yên có khá nhiều khách sạn nhưng ở dọc đường ven biển thì lại quá ít. Nhu cầu của khách hiện nay (trong nước và quốc tế) luôn đòi hỏi được nghỉ ở khách sạn ven biển để ngắm cảnh và tắm biển.
CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH PHÚ YÊN NGUYỄN THÀNH TÂM: Sớm xây dựng chuỗi sản phẩm chung và kiến nghị về máy bay
Trước mắt, Hiệp hội du lịch sẽ phác thảo chuỗi sản phẩm du lịch chung và tổ chức buổi gặp mặt một số doanh nghiệp thành viên có điều kiện tham gia để thảo luận và thống nhất các dịch vụ, giá cả, một số cam kết cho sản phẩm để giới thiệu đến các công ty chuyên bán tour ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, Hiệp hội du lịch sẽ tổ chức chuyến xúc tiến quảng bá tại Hà Nội trước Tết Nguyên đán để chuẩn bị cho mùa du lịch năm 2014 và dịp tết cổ truyền. Ở góc độ Hiệp hội, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng để sớm có biện pháp tháo gỡ những trở ngại về giao thông hàng không để du lịch Phú Yên phát triển.
TRẦN QUỚI