Thứ Ba, 26/11/2024 00:45 SA
Con đường trở thành nhà khoa học của một tu sĩ - doanh nhân
Thứ Sáu, 20/12/2013 18:00 CH

Hơn 40 năm lặng lẽ trên đường tu riêng, gần 10 năm làm giám đốc một công ty với điều lệ hết sức đặc biệt “38% nguồn lợi làm ra là để đầu tư cho từ thiện…”, gần 5 năm nghiên cứu, nhân giống thành công một loài sâm quý, thượng tọa - doanh nhân Thích Huệ Đăng trở thành nhà khoa học. Ông cũng là nhà khoa học đầu tiên và duy nhất trong giới tu sĩ Phật giáo được Cục Sở hữu trí tuệ trao bằng sáng chế độc quyền, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao “Kỷ lục Việt Nam về sở hữu trí tuệ năm 2013”.

 

Thuong-toa-Thich-Hue-Dang.jpg

Thượng tọa Thích Huệ Đăng trước cổng chùa, bên bốn câu thơ mà ông tâm đắc - Ảnh: NGỌC LAN

NHẬP THẾ ĐỂ GIÚP ĐỜI

 

Năm 1987, với chiếc túi vải trên vai, tu sĩ Thích Huệ Đăng lên Đà Lạt, tiếp tục tu tập bằng con đường riêng sau nhiều năm tầm sư học đạo ở chùa Long Thiền (Đồng Nai), núi Cấm (Châu Đốc, An Giang), núi La Bá (Đơn Dương, Lâm Đồng)… Với quan niệm không trông chờ vào sự lo liệu của người khác mà tự lo liệu cho bản thân mình, ngày ngày, sau thời gian chăm lo việc đạo, tu sĩ Thích Huệ Đăng làm người trồng hoa trên xứ ngàn hoa. Sau 5 năm, với số tiền dành dụm được, ông mua một miếng đất chẳng ai ngó ngàng đến ở gần bến xe Đà Lạt, cải tạo thành vườn trồng địa lan và hồng môn. Lúc bấy giờ, địa lan thường xuyên bị sâu bệnh, thị trường xuất khẩu ở Đông Âu cũng không còn nên người trồng hoa Đà Lạt chẳng mặn mà tha thiết với loài hoa quý tộc này.

 

Say mê vẻ đẹp của địa lan và quyết tâm vực dậy một trong những loài hoa có giá trị của xứ hoa Đà Lạt, thượng tọa Thích Huệ Đăng tìm tòi nghiên cứu cách “chữa bệnh” cho hoa. Trong thời gian về TP Hồ Chí Minh học khóa Giảng sư hoằng pháp (1994-1997), ông đăng ký học dự thính các khóa về phương pháp cấy mô hoa lan tại Trường đại học Nông Lâm. Nắm được kiến thức và phương pháp, ông áp dụng vào vườn hoa lan 5ha của mình. Không những thế, ông có sáng kiến sử dụng vỏ cà phê làm giá thể trồng hoa lan thay vì dùng cây dớn ở trong rừng như trước giờ những người trồng hoa vẫn làm.

 

Sau khi sang Ấn Độ du học và trở thàng giảng sư, năm 2001, thượng tọa Thích Huệ Đăng tiếp tục học khóa Cao cấp giảng sư. Mùa xuân năm đó, lần đầu tiên vị sư già cùng các đệ tử chở hoa lan về TP Hồ Chí Minh bán. Dạo chợ hoa tết, nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy một nhà sư bán hoa lan. Có người còn bảo: Đã đi tu mà còn buôn bán kinh doanh làm gì? Họ không hiểu rằng nhập thế chính là con đường tu riêng của Thích Huệ Đăng. Ông trồng hoa như một nông dân thực thụ và bán hoa, lấy tiền làm Phật sự, lo liệu cho bản thân mình, đồng thời nuôi giấc mơ về một trang trại hoa lan với công nghệ hiện đại.

 

Từ vườn địa lan đầu tiên, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thượng tọa Thích Huệ Đăng thuê 5ha đất tại Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm, thực hiện dự án trồng và giới thiệu hoa lan với số vốn đầu tư lên đến hơn 10 tỉ đồng. Điều đáng nói là số vốn ấy đều do ông làm ra từ hai bàn tay trắng, không phải vay ngân hàng đồng nào.

 

Năm 2004, thượng tọa Thích Huệ Đăng thành lập Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang. Trụ sở của công ty cũng chính là ngôi chùa Thanh Quang mà tu sĩ này gắn bó, ở phường 3, TP Đà Lạt. Cùng các cộng sự, vị tu sĩ già đã đưa địa lan đến xứ Phù Tang, trở lại thị trường quốc tế. Trang trại trồng hoa lan của ông tạo việc làm cho những người lao động trong vùng. Đặc biệt, 38% nguồn lợi làm ra được tu sĩ - doanh nhân dùng để đầu tư cho các hoạt động từ thiện, in sách phát cho mọi người. “Tôn chỉ” đó đã được xác định ngay trong điều lệ của Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang.

 

Chỉ 3 năm sau khi thành lập công ty, năm 2007, thượng tọa Thích Huệ Đăng - Giám đốc Công ty TNHH hoa lan Thanh Quang - được bình chọn là một trong 100 doanh nhân tiêu biểu trong cả nước.

 

Trang trại hoa của vị sư già tại Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm hiện có đến 100.000 chậu hoa lan. Tại đây, các công đoạn tưới nước, phun thuốc, bón phân… đều tự động hóa. Những ai từng đến đây đều không khỏi kinh ngạc trước những nỗ lực không mệt mỏi của vị sư già - người đã chọn con đường tu nhập thế để giúp đời nhưng chưa bao giờ xao nhãng việc đạo. Không chỉ là một tu sĩ - doanh nhân, thượng tọa Thích Huệ Đăng còn là một học giả. Ông chính là tác giả của 21 bộ Luận giảng và 16 bộ Khai Thi luận triết học Đại thừa Phật giáo, là giảng sư cao cấp ở Học viện Phật giáo Sóc Sơn (Hà Nội) và Học viện Phật giáo TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

NHÀ KHOA HỌC ĐẦU TIÊN CỦA GIÁO HỘI

 

Sau gần 5 năm miệt mài học hỏi ở ngoài nước, trong nước và thành công trong việc nhân bản vô tính sâm Ngọc Linh, ngày 9/12/2013, thượng tọa Thích Huệ Đăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) trao bằng sáng chế độc quyền với công trình “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô”. Vị sư già ở chùa Thanh Quang là nhà khoa học đầu tiên và duy nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công trình khoa học được trao bằng sáng chế độc quyền. Tại buổi lễ long trọng đó, hòa thượng Thích Pháp Chiếu, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng nói trong xúc động: “Lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể từ hôm nay sẽ ghi vào trang vàng của mình khi lần đầu tiên có một tu sĩ trở thành nhà khoa học”.

 

Cong-ty-Thanh-Quang.jpg

Lối vào Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang - Ảnh: NGỌC LAN

Từ một tu sĩ - doanh nhân trở thành nhà khoa học, thượng tọa Thích Huệ Đăng đã trải qua chặng đường đầy chông gai song cũng đầy hứng khởi. Mọi việc bắt đầu từ hơn 10 năm trước, khi có người biếu ông vài củ sâm Ngọc Linh và món quà quý này đã giúp ông phục hồi sức khỏe sau một thời gian mắc bệnh gan. Biết đây là loài sâm quý, xuất hiện ở độ cao 2.500m trên núi Ngọc Linh (Kon Tum) và dãy Ngọc Linh liên sơn ở Quảng Nam, thượng tọa Thích Huệ Đăng quyết đi tìm. Năm 2008, thầy trò Thích Huệ Đăng băng rừng lội suối lên núi Ngọc Linh để tìm “nhân sâm Việt Nam” mà đồng bào Xê Đăng ở Kon Tum gọi là cây thuốc dấu. Chuyến đi vô cùng gian nan, song cuối cùng vị sư già đã tìm thấy sâm Ngọc Linh. Ông phát nguyện: “Đưa sâm quý vào phòng thí nghiệm và nhân giống để tạo ra nguồn dược liệu dồi dào cho mọi người”. 10 cây sâm Ngọc Linh được nhà sư và các đệ tử đưa về Đà Lạt. Năm sau, thượng tọa Thích Huệ Đăng lại cùng đệ tử lặn lội ra Quảng Nam, trèo lên Ngọc Linh liên sơn và mang về 100 cây sâm Ngọc Linh.

 

Đã có sâm quý, nhưng làm sao mà nhân giống? Vị tu sĩ già lên đường sang Hàn Quốc - xứ sở của sâm - để tìm hiểu kỹ thuật nhân giống sâm. Sau 2 năm tìm tòi học hỏi tại Hàn Quốc và Việt Nam, nắm được phương pháp, nhà sư ở chùa Thanh Quang bỏ ra hơn 1 tỉ đồng xây dựng phòng thí nghiệm, phòng nuôi cấy mô trong khuôn viên chùa. Miệt mài làm việc cùng các trí thức - cộng sự, cuối cùng nhà sư đã thành công. Hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh ra đời trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp nhân bản vô tính, nhanh chóng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt trong niềm vui khôn xiết của vị sư già.

 

Tin đó lan nhanh và nhiều người đã gọi điện, tìm đến Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang để mua cây sâm Ngọc Linh, trong đó có một doanh nghiệp ở Kon Tum. Năm 2010, từ phòng thí nghiệm của chùa Thanh Quang, 4.000 cây sâm con được đưa về Kon Tum, trong khi một lượng cây sâm khác được đưa về Quảng Nam - hai “quê hương” của chúng. Thượng tọa Thích Huệ Đăng nói: “Tôi muốn ngày càng có nhiều người sở hữu những dược phẩm được bào chế từ sâm Ngọc Linh. Điều đó chỉ có được khi cây sâm Ngọc Linh trở nên phổ biến”.

 

Ròng rã nhiều năm trời với bao mồ hôi, công sức và trí tuệ, vị sư già ở chùa Thanh Quang đã thực hiện được ước nguyện của mình: Đưa cây sâm Ngọc Linh xuống núi và làm cho loài biệt dược quý hiếm này trở nên phổ biến bằng cách nhân giống chúng trong phòng thí nghiệm.

 

Có người hỏi thượng tọa Thích Huệ Đăng rằng ông đã bước vào đường tu từ lâu mà sao vẫn còn nặng nợ với việc đời? Vị sư già có đôi mắt sáng nói ngắn gọn: “Đời không Đạo lấy gì mà sửa. Đạo không Đời biết sửa với ai!”.

 

Ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của vị tu sĩ Phật giáo dấn thân vào khoa học, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao cho thượng tọa Thích Huệ Đăng “Kỷ lục Việt Nam về sở hữu trí tuệ năm 2013”.

 

*

 

Lần đầu tiên đến chùa Thanh Quang, nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi thấy quá nhiều khác biệt. Khoa học công nghệ hiện diện khắp ngôi chùa này, từ phòng nuôi cấy mô sáng choang ánh điện với hàng hàng lớp lớp lọ thủy tinh đựng những mầm xanh cho đến hệ thống điện mặt trời, từ trang trại hoa rộng lớn, ngát xanh đến những thiết bị đều tự động hóa…

 

Duy chỉ một thứ không thể tìm thấy ở ngôi chùa này, đó là… thùng tam bảo, bởi nhà sư trụ trì chùa Thanh Quang luôn tâm niệm: Tự lo liệu cho mình trên con đường hoằng pháp, thay vì trông chờ vào sự lo liệu của người khác. “Điều mà một tu sĩ trí tuệ tâm đắc nhất là đem lại lợi lạc cho cộng đồng” - thượng tọa Thích Huệ Đăng chia sẻ.

 

Quê ở Sài Gòn, mồ côi mẹ khi mới 9 tuổi, 3 năm sau thì mồ côi cha, thượng tọa Thích Huệ Đăng (tên ngoài đời là Nguyễn Văn Sáu) đã trải qua tuổi thơ đầy cơ cực trước khi đến với cửa Phật. Hơn 40 năm lặng lẽ trên đường tu riêng, nhà sư 73 tuổi này có nhiều đóng góp cho nền kinh tế và cao hơn cả là cho cộng đồng. Bằng trí tuệ, niềm say mê khoa học và cái tâm rất sáng, tu sĩ Thích Huệ Đăng đã nhập thế để giúp đời và tìm niềm vui trong hạnh phúc của cộng đồng.

 

“Đời không Đạo lấy gì mà sửa. Đạo không Đời biết sửa với ai!”.

 

Được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học - Công nghệ, thượng tọa Thích Huệ Đăng đang xúc tiến thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt. Theo các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh có khả năng kích thích hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào gan, kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào, tăng các tế bào mới… Thường thì sau 6 năm trồng và chăm sóc mới có thể thu hoạch sản phẩm của cây sâm quý này. Tuy nhiên nếu áp dụng công nghệ rễ sinh khối cây sâm Ngọc Linh, chưa đầy 5 tháng là có thể thu hoạch rễ của chúng. Với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây sâm Ngọc Linh, tu sĩ - nhà khoa học Thích Huệ Đăng cho thấy ông sẽ thực hiện đến cùng mong muốn tạo nguồn dược liệu dồi dào cho mọi người.

 

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek