Bao năm qua, những đứa trẻ con nhà nghèo ban ngày cắm mặt mưu sinh, ban đêm cặm cụi đến lớp học chữ và nhiều mảnh đời bất hạnh ở Phú Yên đã được chị cưu mang giúp đỡ. Kinh doanh có khi thuận lợi có lúc khó khăn, song chị chưa bao giờ thôi làm từ thiện và trân trọng xem đó là trách nhiệm của một người được sinh ra trong cuộc đời này. Chị là doanh nhân Võ Thị Hiệc - Tổng giám đốc DNTN Phù Đổng, người được trao huy chương “Vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam”.
Chị Võ Thị Hiệc. |
Đầu tư mấy chục tỉ đồng xây dựng hồ bơi, sân bóng, phòng vật lý trị liệu…, chị Hiệc đặt mong muốn tạo nơi luyện tập TDTT cho nhiều người, đặc biệt là trẻ em nghèo, khuyết tật lên trên những toan tính lợi nhuận.
LÀM TỪ THIỆN “CHA TRUYỀN CON NỐI”
Dù sức khỏe không được tốt nhưng sau cơn bão số 15 mới đây, chị Võ Thị Hiệc vẫn nhiệt tình đưa các sư cô ở Lâm Đồng đến chia sẻ và tặng quà cho các sư cô ở Tịnh xá Ngọc Thọ (TP Tuy Hòa) và một số nơi ở TX Sông Cầu. Trận bão lụt năm 2009 vừa dứt, chị Hiệc liền có mặt trong nhóm cứu trợ, hướng về các trường ở An Định, An Ninh Đông, An Ninh Tây (Tuy An). Trong chuyến đi này, tôi thật sự ấn tượng với người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, xốc vác. Dù các công trình của DNTN Phù Đổng vẫn còn ngổn ngang, hư hỏng nhưng chị vẫn hăm hở đi cứu trợ vì “phải kịp thời hỗ trợ sách vở để các cháu tiếp tục học tập”. Vẻ mặt cương nghị, nói năng rắn rỏi nhưng đôi mắt buồn lại hay ngấn lệ khi chị thăm hỏi các gia đình nghèo khó đang chới với vì thiên tai.
Những ai từng trải qua cơ cực mới hiểu rõ nỗi khổ thiếu áo thiếu cơm, nếu cuộc đời có may mắn lật sang trang thì họ dễ dàng cảm thông và giúp đỡ những người nghèo khổ. Nhưng chị Hiệc thì khác. Được sinh ra trong nhung lụa, gia đình có tiệm buôn lớn ở Tuy Hòa trước giải phóng, song chị vẫn cảm nhận được nỗi khổ của những người hàn vi. Đấy là do cha chị - một người đàn ông từ Quảng Bình vào Tuy Hòa sinh sống, luôn dạy con biết quan tâm, giúp đỡ người nghèo. “Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần mang gạo, quần áo… đến chùa cứu trợ những người tản cư, cha dắt chị em tôi đi cùng và nói: Các con thấy không, có rất nhiều người cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, cho nên các con đừng bao giờ chê cơm trắng. Hạt cơm là hạt ngọc của trời. Gặp người nghèo khổ, nếu mình giúp được gì thì hãy giúp cho họ” - chị Hiệc kể. Mẹ chị, một phụ nữ gốc Huế, con nhà dòng dõi, sùng đạo Phật, cũng rất hay giúp đỡ người nghèo.
Lời dạy của cha chị ghi khắc trong lòng. Sau chiến tranh, cuộc sống khó khăn. Chị Hiệc tốt nghiệp ngành Sư phạm nhưng không theo nghề dạy học mà lấy chồng rồi rẽ sang hướng khác. Năm 1980, chị vào bệnh viện sinh con đầu lòng, mang theo hai bộ quần áo dành cho trẻ sơ sinh, hai chiếc mũ và hai đôi tất xinh xinh được chị chăm chút từng đường thêu mũi chỉ. Thấy sản phụ nằm bên cạnh sao khổ quá, vượt cạn mà không có người thân, áo quần cho em bé cũng không, chị bèn san sẻ cho mẹ con chị ấy quần áo, mũ và tất. “Con người ta cũng như con mình. Con mình đầy đủ còn con người ta thiếu thốn, thấy tội lắm” - chị Hiệc nói.
Cô tiểu thư ngày nào bước vào đời trong vất vả. “Chồng làm trong ngành đường sắt ở Nha Trang, mỗi tháng về một lần, lương, gạo không đủ nuôi sống gia đình. Tôi phải chạy chợ, buôn bán lặt vặt ở chợ Tuy Hòa” - chị Hiệc nhớ lại. Có chút vốn, chị đi buôn chuyến ở TP Hồ Chí Minh. Ai đặt hàng gì chị mua nấy, từ những thứ vặt vãnh đến máy móc... Sau đó, vợ chồng chị mở hiệu buôn Hương Cây ở số 30B Huỳnh Thúc Kháng (Tuy Hòa), buôn bán máy nông - lâm - ngư. Công việc rất thuận lợi, có những lúc chị mải mê bán hàng đến mức không kịp ăn cơm. Nhà lại có xưởng cưa nên càng thêm bận rộn.
Nhưng chị Hiệc không phải là người chỉ biết chăm chăm kiếm tiền. Vừa buôn bán, chị vừa hỗ trợ các ngư dân, nông dân nghèo bằng cách cho họ mua nợ tới mùa trả dần. Trong số đó, không ít hộ ngư dân được chị khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí xóa nợ vì làm ăn thua lỗ. Bà chủ hiệu buôn Hương Cây tâm sự: “Mình có điều kiện thì giúp người nghèo khó để họ có việc làm, có thu nhập nuôi sống gia đình”.
Và hiệu buôn Hương Cây nổi tiếng không phải vì kinh doanh máy móc, mà chính vì bà chủ hiệu buôn thường xuyên đến với những người nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật. Nhiều người không nhớ tên khai sinh của chị Hiệc, chỉ gọi đơn giản là “chị Hương Cây”.
Năm 1989, tỉnh Phú Yên thành lập Trường Niềm Vui dành cho trẻ khuyết tật. Chị Hiệc là người tiên phong ủng hộ tiền và máy may. Sau đó, chị vẫn thường xuyên hỗ trợ học sinh ở đây nào vở bút trước ngày khai giảng, nào quà trong ngày lễ tết và tiền xe về nhà. Không chỉ một mình đóng góp, chị Hiệc còn vận động nhiều người ở TP Hồ Chí Minh tham gia. Đến khi Trung tâm Vòng Tay Ấm được thành lập, bà chủ hiệu buôn Hương Cây nhanh chóng có mặt, giúp đỡ những đứa trẻ vẫn ngày ngày cặm cụi đi bán vé số, đánh giày…, đêm đêm đến lớp học chữ bằng những phần quà thiết thực gồm tiền, sách vở, quần áo… Chị tổ chức nấu bữa cơm chiều tại nhà mình cho các em ăn lót lòng sau một ngày mưu sinh, trước khi bước vào lớp học và nhận đỡ đầu, hỗ trợ học phí cho một số em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Lục - Giám đốc Trung tâm Vòng Tay Ấm - cảm kích: “Những năm qua, chị Hương Cây có nhiều đóng góp cho Trung tâm Vòng Tay Ấm, giúp đỡ các cháu lang thang cơ nhỡ. Chị thường tặng sách vở, quần áo, tiền bạc và quà bánh cho các cháu trong những dịp lễ tết”.
Hàng năm, đến mùa mưa bão hay mùa hè, nhiều trẻ em trong tỉnh bị đuối nước. Mỗi lần hay tin, chị Hương Cây lại cùng những người trong nhóm từ thiện đến thăm, tặng quà động viên. Không trực tiếp hiến máu được, chị gửi tiền cho một số bệnh nhân nghèo mua máu, giúp họ qua cơn nguy kịch. Công việc buôn bán tất bật, không có thời giờ để nghỉ ngơi nhưng bà chủ tiệm buôn Hương Cây vẫn sắp xếp thời gian để làm từ thiện một cách âm thầm, lặng lẽ. Chị là một trong những người góp công vào sự ra đời của Bếp ăn Từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.
“Tôi nghĩ, con mình sinh ra lành lặn là cái phước của gia đình. Vì vậy, mình cũng nên đem lộc mà trời cho san sẻ với những người khác. Tôi vẫn thường dạy 3 đứa con rằng hễ gặp người nghèo khổ thì giúp đỡ họ” - chị Hiệc chia sẻ.
ĐẦU TƯ HÀNG CHỤC TỈ ĐỒNG XÂY CLB THỂ THAO
Rất thích thể thao và thường cùng con đi tắm biển, một lần, hai mẹ con chị Hiệc bị đuối nước, may mà có người cứu kịp thời. Sau sự cố đó, chị càng thấm thía nguy cơ trẻ em đuối nước và nỗi đau mất người thân do tai nạn thương tâm này tại một địa phương có biển, có nhiều sông suối, ao hồ như Phú Yên. Muốn không bị đuối nước thì phải tập bơi và biết bơi. Mà, cả tỉnh khi đó không có một cái hồ bơi nào. Chị Hiệc quyết tâm xây dựng.
Chị Hiệc tặng quà cho học sinh Trường tiểu học An Định (Tuy An) - Ảnh: MINH NGUYỆT
Năm 2005, được nhà nước giao 2ha đất gần biển Tuy Hòa, bà chủ hiệu buôn Hương Cây đầu tư 15 tỉ đồng tạo lập CLB TDTT Phù Đổng thuộc DNTN Phù Đổng; và hạng mục đầu tiên mà chị xây dựng là hồ bơi quy chuẩn 6 làn bơi, dài 50m, sau đó đến sân bóng chuyền, sân vận động, khu vật lý trị liệu… Nhiều người nói “bà Hương Cây buôn bán đã nhiều năm mà giờ vụng tính, đầu tư vô chỗ đó làm sao có lãi được!”. Chị biết chứ. Gia đình ai cũng phản đối. Nhưng mong muốn suốt 10 năm qua của chị là giúp trẻ em có nơi tập bơi, phòng tránh đuối nước, sau là góp phần phát triển phong trào TDTT ở Phú Yên. Chỉ cần thu đủ chi là được rồi.
Tính thì như vậy, nhưng khi bắt tay vào xây dựng lại phát sinh bao nhiêu thứ, và số tiền đầu tư cứ đội lên, đội lên. Chị Hiệc buộc lòng phải bán 2 ngôi nhà ở TP Hồ Chí Minh để “đắp” vào CLB này. Không ngăn được giấc mơ thể thao của vợ, chồng chị buồn, giận… Chị “trốn” xuống CLB còn đang dang dở, ăn ngủ tại nhà kho cho đến khi công trình hoàn thành.
Chị Hiệc cho biết: “Đầu tư một hồ để dạy bơi, thi đấu không hề đơn giản như hồ tắm thông thường. Chi phí xây dựng một hồ bơi đúng tiêu chuẩn quốc gia lên đến gần 2 tỉ đồng. Niềm vui của tôi là góp phần giúp cho trẻ chống đuối nước nên hồ vẫn cứ duy trì, hoạt động chủ yếu vào những tháng hè nhằm bù lại mùa mưa”.
Gọi là kinh doanh nhưng CLB TDTT Phù Đổng không đặt nặng vấn đề doanh thu mà cốt là vận động được càng nhiều học sinh đến bơi càng tốt. Các em khuyết tật, khó khăn được miễn học phí hoàn toàn. Cuối mỗi khóa học, CLB tổ chức cuộc thi bơi, vận động các nhà tài trợ ủng hộ tiền để làm phần thưởng động viên các em. Mỗi năm hồ bơi của CLB Phù Đổng dạy bơi cho hàng trăm học sinh, góp phần giúp các em tự phòng tránh đuối nước. Con trai Lê Võ Đông Nam của chị suýt bị đuối nước ngày trước, sau khi tốt nghiệp đại học TDTT trở về làm huấn luyện viên bơi cho các em nhỏ.
Mỗi khi ai đó hỏi đã đầu tư bao nhiêu tỉ vào CLB TDTT Phù Đổng, chị Hiệc cười: “Tôi không dám tính tổng chi phí, tính ra thì… đau đầu lắm! Nhiều người nói với số tiền, vàng đó, tôi đem gởi ngân hàng, lấy tiền lãi ăn không hết. Biết vậy, nhưng tôi muốn làm một cái gì đó lâu dài, có thể giúp ích cho nhiều người. CLB của tôi là nơi các em nhỏ tập bơi, chơi bóng…, có thể mang niềm vui đến cho nhiều người. Nếu tôi chỉ tính đến lợi nhuận thì đã không xây dựng CLB này”.
Năm 2007, hoạt động kinh doanh của DNTN Phù Đổng gặp nhiều khó khăn. Để có thêm nguồn thu trang trải các chi phí, bên cạnh việc xây nhà nghỉ cho vận động viên, chị Hiệc xin phép mở dịch vụ karaoke, giải khát trong khuôn viên CLB. Và để có vốn đầu tư, chị gõ cửa các ngân hàng. Câu trả lời là “không”, vì ai cũng biết kinh doanh thể thao ở Phú Yên sẽ như thế nào. Riêng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh Phú Yên khi ấy đồng ý cho chị Hiệc vay vốn, phần vì tin chị, phần vì ông ấy biết những việc làm của bà chủ hiệu buôn Hương Cây ngày trước.
Năm 2009, một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh trả 30 tỉ đồng để mua lại CLB TDTT Phù Đổng nhưng chị Hiệc không bán. Người phụ nữ lạ lùng này tâm sự: “Tôi đã đổ vào đây quá nhiều công sức. Tôi sẽ chỉ bán cho những người có tâm huyết giống như mình, dù chịu lỗ cũng được. Tôi muốn CLB luôn là nơi mà trẻ em khuyết tật, con nhà nghèo có thể đến đây học bơi, chơi bóng mà không tốn tiền”.
Ông Ngô Văn Định, Tổng thư ký Hội doanh nghiệp tỉnh Phú Yên nhận xét: “Chị Võ Thị Hiệc là người rất nhiệt tình, có trách nhiệm với việc đầu tư kinh doanh của mình. DNTN Phù Đổng là doanh nghiệp duy nhất ở Phú Yên kinh doanh lĩnh vực thể dục thể thao với các hoạt động mang tính xã hội. Là một doanh nhân coi trọng cái tâm nên những việc làm của chị Hiệc mang đậm tính nhân văn, giúp trẻ biết bơi và phòng tránh đuối nước”.
Trên giường bệnh, vẫn làm từ thiện Hơn một năm trước, chị Hiệc phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Trong thời gian điều trị tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, nghe tin có đoàn bác sĩ ra Phú Yên khám chữa bệnh, chị liền ủng hộ tiền để họ mua thuốc cấp phát cho các bệnh nhân nghèo. Việc làm của chị đã được UBND huyện Tây Hòa ghi nhận và tặng giấy khen “đã có nghĩa cử cao đẹp trong việc tài trợ khám chữa bệnh và phát thuốc cho người nghèo”. Mang trong mình căn bệnh quái ác nhưng chị Võ Thị Hiệc - Tổng giám đốc DNTN Phù Đổng vẫn tìm niềm vui trong những công việc giúp ích cộng đồng. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị bảo mình chẳng hối tiếc điều gì, kể cả việc “đổ” tiền tỉ vào CLB TDTT Phù Đổng. Người phụ nữ ở tuổi 54 này nói rất giản dị: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng. Phải để lại tiếng thơm”. |
MINH NGUYỆT