Do ảnh hưởng của cơn bão số 15 nên nhiều đồng ruộng, kênh mương trên địa bàn tỉnh bị bồi lấp, cuốn trôi. Vì vậy, việc nạo vét đất cát bồi lấp ruộng, be bờ giữ nước, khơi thông các kênh thoát nước để kịp thời sản xuất vụ đông xuân đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành Nông nghiệp và người dân, bởi lịch gieo sạ đã đến gần.
Nông dân huyện Phú Hòa cải tạo đất - Ảnh: H.NAM
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa, do ảnh hưởng của cơn bão số 15 đã làm cho 0,8ha ruộng bị bồi lấp, sạt lở và một số đoạn kênh mương thoát nước cũng bị lũ lụt bồi lấp, đá xây bị đổ ngã. Kênh mương bị bồi lấp đã làm cho gần 50ha ruộng trũng ở các phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông và xã Bình Kiến, Bình Ngọc bị ngập úng, rất khó khăn trong việc sản xuất vụ đông xuân 2013-2014. Trước thực trạng trên, UBND TP Tuy Hòa chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn nông dân thu dọn tàn dư thực vật trên đồng ruộng, cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp, xói lở; cày dầm, vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, lúa chét... nhằm tiêu diệt mầm bệnh để hạn chế đến mức thấp nhất sâu bệnh hại cho cây trồng. Ông Hồ Đức Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho hay: “Thành phố tập trung nạo vét, tu sửa kênh mương nội đồng bị sạt lở, bồi lấp do mưa lụt gây ra, đảm bảo phục vụ kịp thời cho sản xuất. Trong thời gian gieo sạ, khả năng lúa còn bị ảnh hưởng các đợt không khí lạnh, áp thấp nhiệt đới, vì vậy UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chỉ đạo các HTX hướng dẫn bà con nông dân kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại do ngập úng sau khi gieo sạ”.
Còn tại huyện Đồng Xuân, những ngày qua, người dân ở các xã Xuân Quang 3, Xuân Long và thị trấn La Hai tập trung cải tạo ruộng bị sạt lở, bồi lấp. Bà Nguyễn Thị Hương ở xã Xuân Quang 3 đang be bờ thửa ruộng 2,5 sào giãi bày: Do mương thủy lợi sạt lở, đất đá bị trôi làm bồi lấp ruộng nên tôi tranh thủ nạo vét, chất lên bờ. Khó khăn hiện nay là công lao động địa phương khan hiếm nên thuê người không ra, vì vậy tôi phải dốc sức làm nhiều ngày mới xong.
Thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, bão số 15 đã làm ngã đổ 3 trụ điện (1 trụ sắt, 2 trụ bê tông) nằm trên đường dây cấp điện cho Trạm bơm điện Long Thạch (xã Xuân Long); sạt lở 1.258m3 đất ruộng, làm hư hỏng 127m kênh mương bê tông. Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Lý Nguyên cho hay: Huyện chỉ đạo các địa phương khắc phục các hạng mục công trình thủy lợi hư hỏng, đồng thời vận động nhân dân cải tạo ruộng bồi lấp, kịp thời gieo sạ đúng lịch thời vụ. Bên cạnh đó, vận động nhân dân thu hoạch sắn, hoa màu bị ngập úng tránh thiệt hại về kinh tế.
Mưa bão cũng làm 321m3 đất ruộng bị sạt lở, cuốn trôi 47m kênh mương bê tông ở huyện Phú Hòa. Khó khăn hiện nay là vấn đề cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp do mưa lũ, trong khi lịch thời vụ đã đến gần. Ông Trần Văn Hảo ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa) cho biết: “Mương vỡ, đất cát đổ xuống ruộng, mấy ngày qua tôi và 2 nhân công cải tạo vẫn chưa xong”. Theo lịch thời vụ, bắt đầu gieo sạ từ ngày 20/12, vì vậy không riêng gì ông Hảo, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phú Hòa cũng đang tập trung cải tạo ruộng bị bồi lấp do mưa lũ, kịp thời gieo sạ theo lô, vùng để thuận lợi cho việc dẫn nước.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, sở đã chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân sử dụng giống đạt hiệu quả, giống kháng sâu rầy, không nên sử dụng giống bị nhiễm bệnh đạo ôn, rầy nâu để gieo sạ; tuyên truyền cho nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để bón ruộng kết hợp với việc sử dụng phân đơn như đạm, lân, kali thay cho các loại phân ngoại nhập như DAP, NPK để giảm chi phí sản xuất.
Sở NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu các địa phương tập trung tốt khâu làm đất, cải tạo vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ. Khuyến cáo sử dụng bộ giống lúa ML202, ML4-2, ML48, ML49, ML216... và một số giống bổ sung: ML68, ML4, ĐV108, PY1, PY2 để gieo sạ. Lượng giống gieo sạ từ 100 đến 120 kg/ha và 40 đến 50 kg/ha đối với lúa lai. |
LÊ TRÂM