Đây là vấn đề được bàn thảo tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức ngày 3/12, nhằm đem đến cho người dân cái nhìn tổng quan về thực trạng cũng như chính sách, các giải pháp của ngành Công nghiệp khai khoáng Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa: Internet |
Giải đáp về công tác lập quy hoạch khoáng sản bao gồm cả thăm dò, khai thác và sử dụng theo kiểu “3 trong 1” là rất rủi ro; thực tế công tác quy hoạch khoáng sản hiện nay còn yếu, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân khẳng định: Phần lớn các quy hoạch khoáng sản kể cả ở Trung ương lẫn địa phương chưa bảo đảm tính định hướng lâu dài. Việc bổ sung quy hoạch một cách thường xuyên cũng cần rà soát để rút kinh nghiệm, nhằm bảo đảm đúng quy định về bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đã được quy định tại Điều 14 Luật Khoáng sản. Thực tế công tác điều tra cơ bản vẫn là khâu yếu do ngân sách nhà nước cấp chỉ đáp ứng được 40%, nên chưa khẳng định cụ thể được trữ lượng của từng loại khoáng sản, chỉ mang tính dự báo là chính. Chưa kể việc quy hoạch còn chồng lấn, khiến công tác quản lý khai thác và chế biến khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn.
Nhằm khắc phục một trong những “lỗ hổng” trong hoạt động khai thác khoáng sản, đó là Nhà nước chỉ thu thuế của doanh nghiệp dựa trên sản lượng khai thác mà doanh nghiệp khai báo, Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Quân cho rằng thuế tài nguyên cần chuyển từ cách tính theo sản lượng khai thác, sang tính theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, tùy thuộc vào loại hình khoáng sản. Miễn giảm thuế đối với phần trữ lượng khai thác tăng thêm tùy theo từng trường hợp, để các doanh nghiệp tăng cường tận thu và tiết kiệm khoáng sản, vừa tránh được thất thu thuế.
Theo TTXVN