Thứ Bảy, 05/10/2024 18:20 CH
Cần đột phá để phát triển
Chủ Nhật, 20/10/2013 07:35 SA

Các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có bờ biển đẹp, bởi dãy Trường Sơn nhô ra biển tạo nhiều đầm, vịnh, bãi tắm cát trắng, nước trong, phong cảnh hữu tình, có thể xếp vào những điểm du lịch đẹp của thế giới. Những năm qua, các tỉnh miền Trung nói chung và 6 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã chú ý phát triển du lịch, coi đây là ngành quan trọng. Đã có những phát triển mang tính mở đầu, trở thành những điểm đến có sức hút với thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung khu vực này du lịch chưa phát triển đồng bộ, sự liên kết chưa cao. Nói cách khác, du lịch ở khu vực có tiềm năng to lớn này phát triển chưa đúng tầm.

 

bieu-dien3131020.jpg

Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách ở sân Tháp Nhạn góp phần làm sôi nổi không khí, thu hút du khách đến với Phú Yên - Ảnh: T.QUỚI

NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI

Nhiều vấn đề được đặt ra cho du lịch miền Trung, tựu trung lại có thể thấy rằng, trước nhất cần phải đổi mới và đột phá về quan niệm và tư duy. Phải coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, phải có tư duy và đồng thuận du lịch là ngành công nghiệp không khói, là ngành rất quan trọng liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, môi trường, văn hóa… Vì vậy phải yêu cầu có sự phát triển đồng bộ, phát triển du lịch sẽ làm cho người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, văn minh hơn, giàu có hơn. Trong đó yếu tố văn minh từ du lịch đến với người dân rất rõ và rất quan trọng. Cho nên phải coi phát triển du lịch là một ngành đưa xã hội tiến lên và có tác động đến các ngành khác. Bởi khi một cơ sở du lịch phát triển thì từ con cá, con tôm đến trái dừa, củ khoai, trái chuối đều có thể bán với giá cao, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Và khi một khu du lịch được xây dựng thì ở làng quê đó, người dân phải được nâng tầm văn hóa. Văn hóa trong nếp sống của mỗi gia đình tạo nên văn hóa làng và nó giúp du lịch phát triển. Cho nên yêu cầu phải có sự đồng bộ trong xã hội là như vậy.

Du lịch rất cần thiết có sự đồng thuận. Đồng thuận về tư duy, về sự cần thiết phải phát triển du lịch, trước nhất là của Trung ương, của Chính phủ giúp cho xây dựng hạ tầng, cơ chế và đặc biệt là tôn tạo các di tích. Chúng ta đừng nên mâu thuẫn giữa cái giàu và cái đẹp, đừng vì làm giàu mà phá mất cái đẹp, nói cách khác chúng ta hãy bảo tồn, tôn tạo các di tích, thắng cảnh, danh lam để làm đẹp lên và khai thác được cho du lịch. Tôi nghĩ vấn đề này Trung ương phải có quy hoạch, có kế hoạch để hỗ trợ. Ví dụ như ở Phú Yên có nhiều danh lam thắng cảnh như: Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan, Vũng Rô với di tích Tàu Không số, núi Đá Bia, Tháp Nhạn… Tuy nhiên, mấy chục năm rồi vẫn chỉ là di tích đơn điệu. Khách đến chỉ nhìn, chụp ảnh, khen đẹp rồi đi, chưa thu được nhiều tiền của du khách. Thế có nghĩa là có di tích nhưng chưa là sản phẩm du lịch. Không thể giao di tích cho doanh nghiệp mà Nhà nước phải đầu tư rồi giao khoán cho doanh nghiệp kinh doanh, vừa đảm bảo tính mỹ thuật của di tích quốc gia, vừa thu hồi được tiền khoán và thu được thuế.

Miền Trung với 1.200km bờ biển, đủ điều kiện hơn bất kỳ nơi nào khác để phát triển du lịch. Chúng tôi đã đến nhiều bãi tắm ở miền Nam nước Pháp từ Toulon đến Nice, có thể nói là khách rất đông, đặc kín cả bờ biển để phơi nắng và tắm bùn. Nhưng bãi của họ là sỏi đá nghiền nát, hoàn toàn không có một vốc cát nào (thậm chí tôi bơi ra xa lặn để tìm một nắm cát cũng không có). Còn hầu hết bãi tắm ở miền Trung, cát trắng, nước trong, nắng và gió nên hơn nơi nào hết, phát triển du lịch là rất tốt.

Đại sứ Nigiera có nói về vấn đề thời tiết, tôi cho đúng, thời tiết rất quan trọng. Nếu mùa đông, chúng ta đến các nước Bắc Âu, nước Nga, Đông Âu sẽ thấy cái nắng Việt Nam là giá trị vô cùng, cái nắng của châu Á là giá trị vô cùng. Có lần tôi nói đùa với các bạn quốc tế là chúng tôi có thể xuất khẩu cái nắng qua cho các bạn được, vì họ đến đây du lịch có nghĩa là chúng ta xuất khẩu nắng.

5 NHÓM VẤN ĐỀ CẦN ĐỘT PHÁ

Thứ nhất, ngoài cơ chế chính sách phù hợp như tôi đã nói ở trên thì phải có quy hoạch chuẩn, trước nhất là định hình các mô hình du lịch, trong đó có du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng... Nơi nào làm loại hình du lịch gì thì phải có quy hoạch cụ thể để không tùy tiện, nếu tùy tiện thì sẽ phá bỏ tất cả ý nghĩa này cho nên du lịch phải có quy hoạch định hình cho các vùng, các khu vực. Cũng từ quy hoạch định hình đó ta mới quyết định được vấn đề liên kết giữa tỉnh này với tỉnh kia, giữa vùng này với vùng kia, giữa điểm và tour...

Thứ hai, phát triển hạ tầng, hạ tầng rất cần thiết cho du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hàng không, đường sắt và đường bộ. Có sân bay tốt, có đường bay tốt thì phải có giá tốt, nếu giá đắt quá thì người dân sẽ không đi. Ngoài ra còn phải có hạ tầng về công nghệ thông tin tốt thì việc trao đổi, liên kết, đào tạo, quảng bá sẽ đi xa hơn, đi nhanh hơn.

Thứ ba, về vấn đề quảng bá. Nếu không quảng bá tốt thì sẽ không có thị trường tốt. Rất cần thiết có những quảng bá về sự kiện, quảng bá lễ hội, về di tích thắng cảnh, quảng bá về cơ sở du lịch, trong đó có cả quảng bá về thời tiết và ẩm thực. Tôi cho rằng muốn du lịch thành công phải có quảng bá và đặc biệt là báo chí. Báo chí chúng ta thường coi quảng bá du lịch như một dạng quảng cáo, điều đó chưa đủ. Vai trò của báo chí trong công tác du lịch là rất quan trọng. Tôi cho rằng báo chí phải thúc đẩy việc thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức ở các cấp về công tác du lịch và báo chí phải có chuyên mục về du lịch. Nó phải là nơi mời gọi, giới thiệu, giải đáp và giúp cho khách du lịch dễ dàng tiếp cận với yêu cầu của mỗi người.

Thứ tư, xây dựng những sản phẩm du lịch làm sao để miền Trung có những sản phẩm du lịch, khi người ta nghe đến là họ phải muốn đến. Thực tế chúng ta có rất nhiều sản phẩm, nhưng mới là “sản phẩm thô”. Rất cần đầu tư, tôn tạo xây dựng thành những điểm đến, những điểm tham quan hấp dẫn. Tôi muốn nói ví dụ như gành Đá Đĩa là một di tích thắng cảnh quốc gia, nhưng đến đó không có gì để ăn, để uống, để mua đem về làm kỷ niệm cũng không biết làm gì ngoài việc đứng nhìn gành đá. Chúng ta có 1.200km bờ biển, nhưng dịch vụ biển của chúng ta thì rất ít. Ở các nước khác, người ta đi câu cá, đi săn lặn, trượt nước, nhảy dù… Trên tất cả bờ biển có mặt nước biển và bãi tắm tốt là họ khai thác tối đa, trong khi đó chúng ta chưa khai thác được tiềm năng này. Cho nên rất cần thiết xây dựng để biển cho ta những sản phẩm du lịch độc đáo. Nói cách khác là phải đủ và đồng bộ dịch vụ.

Tôi đến đảo Lang Kawi của Malaysia chỉ có 45.000 dân nhưng mỗi năm có 5 triệu khách du lịch và có thể ở 5 ngày vẫn có điểm thăm, có dịch vụ thưởng thức, có sân bay quốc tế, có chính sách miễn thuế nên mỗi năm họ thu hàng tỉ đôla từ nguồn du lịch dịch vụ. Rõ ràng chúng ta phải xem lại mình và phải có biện pháp đột phá.

Thứ năm, giải pháp cuối cùng mà chúng tôi thấy rất cần thiết, đó là phải nâng cao nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Hiện nay ở các khách sạn, các khu du lịch cần những nhân viên chuyên nghiệp, trong đó ngoại ngữ rất cần thiết, đó là chìa khóa để mở cửa cho sự giao lưu với bên ngoài. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng khu vực miền Trung cũng phải nên có một trường đại học đào tạo về lĩnh vực du lịch để phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp ngành du lịch.

Những điều trên, có những việc Trung ương làm, có những việc địa phương làm, nhưng cái cuối cùng quan trọng nhất tôi nghĩ rằng phải có cơ chế đột phá và phải có đội ngũ con người. Đội ngũ đó từ các doanh nghiệp, từ các ban ngành của tỉnh và kể cả lãnh đạo tỉnh, Trung ương cũng phải chuyên nghiệp về du lịch thì mới thật sự khai phá, phát triển được ngành du lịch. Đội ngũ đó phải có những người có tâm và có tầm. Tâm ở đây là hiểu và yêu du lịch, thiết tha với phát triển du lịch. Tầm là phải đạt chuẩn quốc tế. Cái tầm ở đây là văn minh, hiện đại nhưng vẫn phải giữ bản sắc dân tộc, phải có trí tuệ về du lịch.

GS.TS TRÌNH QUANG PHÚ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Có thêm thu nhập từ nuôi trùn quế
Thứ Bảy, 19/10/2013 17:00 CH
Vườn cây thắm tình hữu nghị
Thứ Bảy, 19/10/2013 15:30 CH
Liệu chất lượng có tương xứng?
Thứ Bảy, 19/10/2013 15:00 CH
Không chủ quan, lơ là sau dịch
Thứ Bảy, 19/10/2013 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek