Thứ Ba, 26/11/2024 23:43 CH
Giải quyết chất thải trong chăn nuôi:
Có thêm thu nhập từ nuôi trùn quế
Thứ Bảy, 19/10/2013 17:00 CH

Hiện nay, ở nhiều xã của huyện Đông Hòa, bà con nông dân đầu tư nuôi trùn quế từ chất thải chăn nuôi. Việc nuôi trùn quế giúp người dân khép kín mô hình sản xuất, giải quyết chất thải trong chăn nuôi và tăng thêm thu nhập.

 

trun-que131019.jpg

Mô hình nuôi trùn quế tại hộ ông Quang - Ảnh: T.HƯƠNG

GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

 

Đông Hòa là huyện có nghề chăn nuôi khá phát triển, với các đối tượng nuôi chính là heo, bò và gia cầm… Nhiều năm nay, vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn được các cấp, các ngành và người chăn nuôi quan tâm. Tuy nhiên, do quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phát triển theo mô hình trang trại gia đình, nằm trong khu dân cư, nên khó tránh khỏi những tác động xấu đến môi trường.

 

Bà Trần Thị Nga ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Gia đình tôi nuôi 11 con heo nái để sản xuất giống nuôi thịt, vì vậy tổng đàn heo của gia đình luôn duy trì khoảng 100 con, lượng chất thải mỗi ngày khá lớn. Mặc dù gia đình đã xây hầm bioga để xử lý nhưng vẫn không giải quyết hết”. Theo bà Nga, hầm bioga chỉ có sức chứa được hơn 1 năm, sau đó lại bị đầy, gia đình bà phải hốt bã đem phơi khô, sau đó thuê xe chở đi đổ, vừa tốn kém lại gây ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh. Còn theo ông Trương Văn Quang ở thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc, đàn heo nhà ông có tới 70 con, chất thải nhiều nên hầm bioga không kham nổi, chất thải liên tục bị nhẫy lên không biết đổ đâu cho hết. Ông phải gọi xe bồn hút hầm cầu đến hút, năm nào cũng tốn hơn 2 triệu đồng để xử lý chất thải.

 

Trước thực trạng trên, năm 2010, Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa đã triển khai mô hình nuôi trùn quế từ chất thải chăn nuôi ở các hộ nông dân. Ông Trương Văn Quang, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Ban đầu chúng tôi chỉ biết nuôi trùn quế từ phân bò, sau khi nhận 50kg sinh khối trùn quế về nuôi, tôi thấy chúng dễ ăn lại dễ sinh sản nên thử cho ăn phân heo đã qua xử lý hầm bioga. Không ngờ chúng ăn mạnh, lại rất phát triển. Bao nhiêu chất thải đem nuôi trùn quế đều được xử lý gọn gàng, không còn chút mùi hôi, thật không giải pháp nào bằng”. Xuất phát điểm từ mô hình nuôi trùn bằng phân heo của nhà ông Quang, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tìm đến học hỏi. Bà Trần Thị Nga cho hay: “Từ khi chúng tôi học tập xây chuồng nuôi trùn quế đến giờ thì chẳng còn phải khổ sở tìm cách đổ chất thải đi đâu nữa. Bà con ai cũng vui mừng vì đã giải quyết được bài toán nan giải lâu nay”.

 

BIẾN KHÔNG THÀNH CÓ

 

Từ việc không biết xử lý thế nào cho hết lượng chất thải chăn nuôi, đến nay nhiều gia đình đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ thứ bỏ đi này. Ông Võ Hoài Văn, chủ một trại nuôi heo ở huyện Đông Hòa cho biết: “Ban đầu chúng tôi chỉ dẫn chất thải từ trại heo vào hầm bioga xử lý và lấy khí gas phục vụ sinh hoạt. Đến khi hầm bioga đầy, không còn sức chứa tôi đầu tư xây dãy chuồng nuôi trùn quế với diện tích khoảng 200m2 để giải quyết bã bioga. Không ngờ loại trùn quế này bán rất chạy trên thị trường, nhất là các trại nuôi tôm, chình giống ở địa phương. Hiện nhu cầu trùn quế rất mạnh, trại của tôi mỗi ngày thu hoạch được khoảng 10kg trùn, bán với giá 70.000 đồng/kg, bình quân mỗi tháng từ số chất thải chăn nuôi heo tôi thu được hơn 20 triệu đồng”. Còn ông Trương Văn Quang cho hay, ngoài việc thu hoạch được 70kg trùn mỗi tháng, cứ sau 2 tháng, ông còn bán 1 lứa phân vi sinh cho các nhà vườn trồng rau hoặc cây công nghiệp với giá 1.000 đồng/kg. Bình quân mỗi tháng gia đình tôi có thêm 5 triệu đồng. Theo ông Trương Quang Trung, một người chuyên thu mua trùn quế ở Đông Hòa, trùn quế là loại thực phẩm giàu đạm nên nhu cầu tiêu thụ rất mạnh. Hiện nay mỗi ngày ông thu mua được khoảng 30kg trùn quế nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

 

Vì nuôi trùn quế đơn giản, ít vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ mạnh nên hiện nay không chỉ những hộ chăn nuôi mới nuôi trùn mà nhiều hộ không chăn nuôi cũng tìm mua phân bò, phân heo về để nuôi trùn.

 

MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG HỘ

 

Không những góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho bà con chăn nuôi, nuôi trùn quế đã trở thành công đoạn cuối cùng giúp khép kín mô hình sản xuất nông hộ ở các vùng nông thôn, giúp bà con ổn định sản xuất và gắn bó bền chặt với nông nghiệp.

 

Bà Trần Thị Nga ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Hiệp Bắc cho biết: Từ khi đầu tư nuôi thêm trùn quế từ phân heo, gia đình bà còn đầu tư mua thêm 2 con bò, trồng gần 1 sào cỏ, thế là quy trình sản xuất khép kín hoàn toàn. Theo bà Nga, chất thải từ nuôi heo sẽ được dẫn vào hầm bioga để xử lý, lấy khí gas sử dụng; bã từ hầm bioga đem sang nuôi trùn quế, tăng thêm lợi nhuận; nước thải còn lại của bã bioga đem tưới cỏ, giúp cỏ phát triển rất tốt, chống được địa hình đất cát dễ bị rốc nước ở vùng này và cuối cùng cỏ sau thu hoạch đem nuôi bò. Từ mô hình sản xuất khép kín này, mỗi năm gia đình bà thu nhập được hơn 100 triệu đồng, ổn định cuộc sống.

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, trong mô hình sản xuất khép kín này, chất thải từ chăn nuôi đối tượng này chuyển thành nguyên liệu cung ứng sản xuất cho đối tượng khác, giúp giải quyết được bài toán chất thải, giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ những ưu thế trên, đây sẽ là một mô hình phát triển bền vững cho nghề chăn nuôi của địa phương.

 

TUYẾT HƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek