Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 45 công trình hồ chứa nước các loại, trong đó có 2 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ khoảng 706 triệu m3 nước và 43 hồ thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 66,5 triệu m3 nước. Phần lớn các công trình hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng sau năm 1980. Qua nhiều năm vận hành, khai thác, hiện một số hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp.
Kiểm tra an toàn đập tại công trình hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ - Ảnh: A.NGỌC
NHIỀU HỒ CHỨA XUỐNG CẤP, HƯ HỎNG
Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn, một số hồ chứa nước như Đồng Khôn, Hòn Dinh (Đông Hòa), Đồng Tròn (Tây Hòa), các hồ Trung Tâm, Suối Thị, Tân Lập (Sông Hinh) được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Trong năm 2009, Phú Yên được phân bổ kinh phí hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Bà Mẫu (Tuy An), các hồ Suối Bùn, Ba Võ (Sơn Hòa), hồ Hóc Răm (Tây Hòa) để tăng thêm khả năng đảm bảo an toàn hồ, nâng cao năng lực tưới của công trình. Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa tràn xả lũ hồ chứa nước Ea Din Thượng (Sông Hinh); Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam đã nâng cấp đường quản lý và xử lý mối đập đất hồ chứa nước Phú Xuân (Đồng Xuân), xây tường chắn sóng, sửa chữa mái hạ lưu đập đất, đường quản lý hồ chứa nước Hóc Răm (Tây Hòa). Các công trình sau khi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp đều bảo đảm an toàn, tích nước đạt dung tích thiết kế, chủ động công tác điều tiết nước trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và các hộ dân sống ở hạ lưu đập. Các hồ chứa nước Kỳ Châu (Đồng Xuân), La Bách (Sông Hinh) cũng được đầu tư xây dựng đưa vào vận hành, cùng một số hồ chứa nước đang xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm nay như hồ Buôn Đức (Sông Hinh), Suối Vực (Sơn Hòa).
Mặc dù hàng năm được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, tuy nhiên hiện nay một số công trình hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp cần được khắc phục trước mùa mưa bão năm nay. Theo Sở NN-PTNT, mái thượng lưu và hạ lưu đập đất, vật thoát nước hạ lưu, cống lấy nước, đường quản lý của hồ chứa nước Phú Xuân bị xuống cấp, vai hữu tràn xả lũ bị rò rỉ, hạ lưu tràn xả lũ bị xói lở. Đối với hồ chứa nước Đồng Tròn (Tuy An), sân thượng lưu tiếp giáp với cửa tràn bị lún từ 0,8-1m, vai hữu tràn xả lũ bị rò rỉ, thấm lậu, chưa có tràn sự cố, chưa có đường cứu hộ. Hồ chứa nước Đồng Khôn bị thấm nước chảy qua tường bên hữu tràn xả lũ làm nước tràn trên mái hạ lưu đập đất, thân đập phía hạ lưu hiện có 13 tổ mối, cửa cống lấy nước bị hư hỏng. Hồ Cây Da 1 (Sơn Hòa), đập đất bị xuống cấp, cống lấy nước bị hỏng, tràn xả lũ trên đất tự nhiên chưa được gia cố. Hồ Ea Lâm 1 (Sông Hinh), tràn đá xây bị hư hỏng, lòng hồ bị bồi lấp, đường quản lý, cứu hộ bị hư hỏng, xuống cấp. Mái thượng lưu đập đất hồ chứa nước Hóc Răm bị xuống cấp; mái thượng lưu hồ Suối Hiền (Tây Hòa) bị xói lở, hư hỏng…
Hồ chứa nước La Bách (Sông Hinh) được đưa vào kế hoạch kiểm định năm 2014 - Ảnh: A.NGỌC
CẦN ĐƯỢC NÂNG CẤP, SỬA CHỮA
Theo Sở NN-PTNT, bộ máy tổ chức quản lý về thủy lợi nói chung và hồ chứa nói riêng còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cấp huyện, xã. Phần lớn các hồ chứa nước nhỏ trên địa bàn tỉnh giao cho các địa phương quản lý, vận hành; nhưng năng lực, trình độ chuyên môn của nhân viên còn hạn chế, hầu hết chưa qua đào tạo. Công tác quản lý về kỹ thuật, kiểm tra, quan trắc, kiểm định đập của hồ chứa chưa được các chủ hồ thực hiện nghiêm túc, nhất là các hồ chứa nhỏ do xã quản lý do chưa có kinh phí để thực hiện. Công trình phục vụ khai thác hồ chứa chưa đảm bảo; số hồ chứa có đường quản lý tốt rất ít, xe cơ giới khó có thể tiếp cận để kiểm tra và ứng cứu khi hồ có sự cố xảy ra. Nhiều hồ chứa chưa có quy trình vận hành hoặc có nhưng không còn phù hợp, song chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời gây khó khăn khi xả lũ. Các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối lớn, mặc dù các đơn vị quản lý hồ đã có nhiều cố gắng, nhưng với tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, vào mùa mưa lượng mưa tập trung, độ dốc lưu vực và lòng sông lớn, lũ tập trung nhanh, các trạm quan trắc khí tượng thủy văn thưa… nên vận hành giảm lũ cho hạ du rất khó khăn.
Về công tác quản lý đảm bảo an toàn hồ chứa, hằng năm tỉnh đều chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa do đơn vị quản lý, đề xuất phương án sửa chữa các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ. Đồng thời rà soát nhân lực và các vật tư, thiết bị phục vụ công tác vận hành, bảo dưỡng và bảo vệ hồ theo quy định; đánh giá việc vận hành điều tiết hồ theo quy trình đã được phê duyệt, lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập… Ông Lê Chí Trọng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: “Trong năm 2012, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra đánh giá mức độ an toàn các hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, phần lớn các công trình hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng sau năm 1980, bằng nhiều nguồn vốn, do nhiều thành phần đầu tư và tham gia thi công nên mức độ hoàn chỉnh và chất lượng thi công của các hồ chứa nước khác nhau. Qua nhiều năm vận hành, khai thác một số hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều hồ chứa nước bị bồi lấp không còn sử dụng như hồ chứa nước Cò Hay (Sơn Hòa), hồ Hóc Bướm (Tuy An), hồ Ea Lâm 2 (Sông Hinh). Một số hồ chứa bị thu hẹp lòng hồ, dung tích trữ nước bị hạn chế không đảm bảo như thiết kế ban đầu; một số hồ chứa nước phục vụ dân sinh có bờ tràn được xây dựng trên nền đất hoặc đá tự nhiên, không có cống lấy nước như các hồ Sơn Tây Thượng, Sơn Tây Hạ, Trường Lạc, Lạc Phong (Tây Hòa), hồ Tân Lương (Sơn Hòa)… Năm 2013, đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra an toàn đối với 2 hồ chứa thủy lợi Buôn Đức và Hòn Dinh và yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo tình hình 2 hồ đập mới đưa vào sử dụng là hồ La Bách và Kỳ Châu”.
Ông Lê Chí Trọng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục bố trí kinh phí cho Phú Yên để triển khai thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, nhằm phát huy hiệu quả công trình, đảm bảo công trình đầu mối của các hồ chứa nước và vùng hạ lưu. Hiện Phú Yên có 22 công trình, hồ chứa cần sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn công trình đầu mối các hồ chứa nước này, đề nghị Trung ương bố trí kinh phí với số tiền hơn 56,8 tỉ đồng. Để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cho cán bộ quản lý, đề nghị Bộ NN-PTNT tổ chức các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ cho cán bộ quản lý hồ chứa…”.
ANH NGỌC