“Trà Kê giờ phát triển nhộn nhịp lắm” - anh Thuật, cán bộ văn hóa xã Cà Lúi (Sơn Hòa), người vẫn hàng tuần đi làm ngang qua ngã ba Trà Kê (xã Sơn Hội), hồ hởi nói với tôi qua điện thoại. Theo lời giới thiệu của anh, tôi quyết định về Sơn Hội để mục sở thị cái sự “nhộn nhịp lắm” và bức tranh nông thôn mới ở đây.
Ngục Trà Kê ở thôn Tân Hội do Pháp xây dựng năm 1940, dưới tên gọi Trại an trí Trà Kê. Đây là nơi giam giữ và bắt lao động khổ sai đối với các chiến sĩ cộng sản và một số tội danh khác mà Pháp cho là nguy hiểm. Ngục Trà Kê tồn tại trong 5 năm, giải tán vào tháng 3/1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Trong thời gian 5 năm đó, ngục Trà Kê trải qua sự cai quản khắc nghiệt của 3 tên đồn trưởng là Sampave, Renun và Bazia. Những chiến sĩ cách mạng bị giam ở ngục Trà Kê như Hà Huy Giáp, Bùi Công Trừng, Nguyễn Hưng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Hài, Phan Sung, Huỳnh Lắm, Trần Chí Hiền, Trần Đình Tri, Lưu Quý Kỳ… sau này trở thành hạt nhân gây dựng các phong trào cách mạng trong cả nước nói chung và Sơn Hòa, Phú Yên nói riêng, góp phần vào thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Những ngày tháng Tám lịch sử, tôi trở lại Trà Kê, một trong những vùng căn cứ địa cách mạng của huyện Sơn Hòa cùng địa danh ngục Trà Kê nổi tiếng với nhiều tâm trạng, bồi hồi xúc động, háo hức tìm hiểu về bức tranh đổi mới trên quê hương cách mạng.
Ngục Trà Kê giờ đây chỉ còn là phế tích. Chứng tích tội ác của thực dân Pháp, cũng là trường học của những chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm bảo tồn, tôn tạo trở thành một địa chỉ để giáo dục truyền thống, là điểm du lịch lịch sử về cội nguồn.
Trên vùng đất khắc nghiệt, căn cứ địa kháng chiến năm xưa qua bàn tay lao động của con người nơi đây đang xây dựng nên một bức tranh nông thôn mới xanh tươi, trù phú.
Con đường từ ngã ba Cây Me (xã Suối Bạc) đi Sơn Hội chừng 15km thuộc trục dọc miền Tây nay đã được nhựa hóa, xe chạy bon bon khiến người đi có cảm giác như khoảng cách được kéo lại gần hơn.
Trưa đứng bóng. Khu vực ngã ba Trà Kê vẫn rất nhộn nhịp. Các cửa hàng trong chợ, tiệm cơm bình dân hoạt động cứ như đang ở gần khu vực trường đại học dưới phố… Ghé vào quán cơm bình dân cách chợ chừng 100m, tôi và anh bạn đồng hành vừa gọi cơm thì đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phạm Anh Tân cũng vừa tới. Anh Tân là cán bộ huyện luân chuyển về đây làm Bí thư Đảng ủy xã đã được hơn một năm. Và cũng từ đó, anh trở thành khách hàng thân thiết của quán cơm này.
Sau bữa cơm bụi, chúng tôi dạo một vòng chợ Trà Kê. Lạ thật, cảm giác như mình đang lạc vào chợ vùng biên. Không khí khá nhộn nhịp kẻ mua, người bán. Hàng hóa cũng phong phú, từ mớ rau, con cá đến các hàng hóa điện tử hiện đại. Hình như chợ ở đây không có khái niệm buổi trưa, thậm chí từ trưa đến chiều còn đông khách hơn buổi sáng. Mí Bưng ở xã Phước Tân và một số người khách đang săm soi ở cửa hàng điện thoại, điện tử phấn khởi cho biết: “Mới bán mía, mình muốn mua cho con gái cái điện thoại và sắm dàn karaoke để hát cho vui. Bây giờ muốn mua hàng hóa không cần đến thị trấn hay xuống tận TP Tuy Hòa, vì đến Trà Kê cái gì cũng có”. Phía cuối chợ là khu hàng tươi sống và ăn uống cũng khá nhộn nhịp. Một chị chủ hàng bún cho biết: “Khách khá đông, nhất là những ngày mùa người làm thuê các nơi về đây rồi tỏa đi các xã. Ở khu vực này chẳng khác dưới thị trấn đâu, mua gì cũng có”. Anh Nguyễn Văn Tư ở Tuy An, chạy xe tải ở khu vực này cho hay: “Ban đêm ở đây như phố vậy, đèn sáng trưng. Quán xá các loại, hoạt động rất xôm tụ chứ không buồn như trước đây”.
Chợ Trà Kê được đầu tư nâng cấp năm 2012 với kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình 134 và 135. Quy mô hai dãy lều với 52 sạp hàng tiêu chuẩn. Từ khi đưa vào sử dụng, đến nay sạp hàng đã lắp đầy 100%. Chị Châu Thị Nhàn bán hàng tạp hóa, cho biết: “Tôi đăng ký vào sạp chợ từ tháng Chạp năm ngoái. Trước đây, tôi bán ở nhà nên khách hàng chỉ quanh xóm. Khi vào chợ tình hình buôn bán khá hơn nhiều”. Những dãy nhà gần chợ, các chủ hộ mở ra kinh doanh thuốc tân dược, đại lý thuốc trừ sâu, tạp hóa…
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội Phạm Anh Tân phấn khởi cho biết: “Bây giờ có được bộ mặt thế này cả chính quyền và người dân đều vui. Trước đây, thuyết phục đầu tư xây dựng chợ cũng ngại, vì đã có nhiều chợ miền núi đầu tư tiền tỉ nhưng không phát huy tác dụng”.
NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN
Cái nắng mùa hè ở đây gay gắt cho đến tận chiều muộn. Thời điểm này những năm trước là mùa thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đến các khe suối cũng khô. Điều đó nay đã không còn ở xã miền núi Sơn Hội. Đi vào trong các thôn, không còn cảnh phụ nữ, trẻ em với can nhựa trên tay chực chờ đến lượt ở các giếng nước công cộng hay gùi nước về từ khe suối. Thay vào đó, trẻ em tắm táp, phụ nữ giặt giũ ở ngay vòi nước được kéo về tận nhà mình.
Công trình nước sạch thanh niên ở thôn Tân Hòa được thanh niên tình nguyện Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên phối hợp với Huyện đoàn Sơn Hòa cùng vận động các nhà tài trợ xây dựng từ cuối năm 2010. Công trình cung cấp đủ nước xài… thoải mái cho 53 hộ trong thôn. Ông La Lan Biên, một bệnh binh thời kháng chiến chống Mỹ ở thôn Tân Hòa phấn khởi nói: “Công trình nước sạch của thanh niên giúp bà con mấy năm nay không phải đi xa, chờ chực lấy nước như trước đây. Bây giờ cần nước lúc nào lấy lúc đó, trẻ con tắm thoải mái”. Lê Mo Loan, Trưởng thôn Tân Tiến thì cho biết: “Hồi trước, cả thôn mình chỉ có 6 cái giếng đào, trong đó cá nhân có 4 cái, nhà nước đào 2 cái nhưng mùa khô là thiếu nước, người dân phải chờ chực cả ngày lẫn đêm để lấy nước. Từ năm 2011, công trình nước sạch về buôn của thanh niên tình nguyện đã kéo đường ống, xây thêm bể chứa cung cấp nước sạch từ trên nguồn cho cả thôn”. Ma Ngợi, một già làng thôn Tân Tiến năm nay đã 80 tuổi cho biết thêm: “Trước đây để đào được cái giếng có nước cho dân làng xài phải tốn kém dữ lắm, đào xuống cả chục mét mà vẫn không thấy nước. Bây giờ có công trình nước sạch của Nhà nước, của thanh niên tình nguyện bà con trong làng không lo thiếu nước vào mùa khô”.
Các thôn còn lại ở xã Sơn Hội là Tân Hội, Tân Thành, Tân Lương cũng đã có nước sạch để sinh hoạt được đầu tư từ chương trình của Nhà nước.
ĐƯỜNG BÊ TÔNG XÓM
Năm 2012 từ nguồn vốn chương trình 134 và 135 và nguồn dự án hạ tầng giao thông nông thôn (hơn 3 tỉ đồng) xã đã nâng cấp tuyến giao thông từ UBND xã đến Trường THCS La Văn Cầu, hai tuyến đường thôn Tân Lương và Tân Thành với chiều dài 1.500m. Ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn Tân Lương phấn khởi nói: “Bây giờ đến mùa mưa lũ, trẻ nhỏ đi học không còn lo lắng chuyện đường trơn trượt. Xe máy thồ hàng cũng giảm nguy cơ té ngã. Mùa nắng thì không còn bụi nữa. Mừng lắm”.
Chuyện hiến đất để xây dựng, mở rộng đường nông thôn được nhân dân trong xã nhiệt tình ủng hộ để con đường đi qua. Ông Trần Minh Tư, Bí thư Chi bộ thôn Tân Hội cho biết: “Thật ra, không ai là không tiếc phần đất, cây trái mình bị mất, nhưng với ý nghĩa lớn hơn là con đường cho tất cả người dân trong thôn cùng đi nên bà con đã hiểu và đóng góp vì lợi ích chung, lâu dài”. Bà Nguyễn Thị Vi, một trong những hộ hiến đất chia sẻ: “Việc mở rộng và bê tông hóa tuyến đường trong thôn là nguyện vọng của nhân dân từ lâu. Thế nên sau khi được cán bộ xã, thôn vận động, gia đình tôi đã chặt bỏ vườn chuối, cây ăn quả để hiến đất làm đường”. Còn ông Lê Xuân Ngợi nói ngắn gọn: “Mình chịu thiệt một chút nhưng con cháu mình, cả làng có đường đi quang đãng cũng là niềm vui”. Không chỉ hiến đất, hoa màu tất cả hộ dân sẵn sàng góp công, góp của để xây dựng đường.
Năm 2013, kế hoạch của xã Sơn Hội là bê tông 5 tuyến đường nội thôn với tổng chiều dài 1.000m. Trong đó thôn Tân Hội có 3 tuyến, thôn Tân Lương 2 tuyến.
Đến nay cả 3 tuyến đường ở thôn Tân Hội đã hoàn tất. Trong đó tuyến từ ĐH59 đi buôn Ma Nga do chính bà con trong buôn và thanh niên tình nguyện Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa lên thiết kế rồi tổ chức thi công, giám sát… Nhiều người có tuổi như Ma Nga, Oi Nhi, Oi Được cũng tham gia làm gương cho lũ trẻ hăng hái hơn. Ma Nga phấn khởi cho biết: “Bà con mình còn khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, sinh viên giúp sức nên bà con ai cũng rất phấn khởi tham gia góp công, làm đường mình đi mà”.
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội, Phạm Anh Tân nói: “Rất mừng vì chủ trương làm đường bê tông nông thôn được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn, từ đó huy động mọi người dân cùng chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.
Phó ban Chỉ đạo Nông thôn mới huyện Sơn Hòa, Đào Duy Linh:
Sơn Hội đang từng ngày thay da đổi thịt, đời sống bà con nơi đây đang ngày một nâng cao. Tuy không phải là xã điểm thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn huyện, nhưng đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sơn Hội rất quyết tâm trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, Sơn Hội được chọn là một trong các xã điểm của huyện thực hiện chương trình bê tông đường giao thông nông thôn và đã làm khá tốt, nhất là trong việc vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất và góp công làm đường.
Sơn Hội đã đạt được 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (Tiêu chí: quy hoạch, điện, bưu điện, chợ nông thôn, văn hóa, an ninh trật tự xã hội).
TRẦN QUỚI