Trước khi huyện Đông Hòa được thành lập, xã Hòa Hiệp Trung đã có những bước phát triển đáng kể, dần hình thành một đô thị mới trên vùng cát ven biển phía nam Phú Yên. Những năm gần đây UBND huyện Đông Hòa đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho đô thị mới này trở thành thị trấn với thế mạnh về công nghiệp, thủy sản, thương mại và dịch vụ du lịch.
Một góc khu vực trung tâm thị trấn Hòa Hiệp Trung - Ảnh: N.TRƯỜNG
DIỆN MẠO MỚI CỦA LÀNG CÁT
Anh Nguyễn Ngọc Tài, quê ở Hòa Hiệp Trung đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cứ sau một thời gian đi xa trở về, tôi lại thấy quê hương đổi mới với đường sá rộng rãi, khang trang. Quả thật, Hòa Hiệp Trung giờ đây đã đổi khác nhiều lắm, sầm uất hơn xưa rất nhiều”.
Thật vậy, làng cát ven biển bị chiến tranh tàn phá nặng nề này đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành xóm làng đông đúc, trù phú. Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung Trần Phú Sơn cho biết: Tuy tỉ lệ tăng dân số trong 3 năm trở lại đây được khống chế ở mức 1,01%, nhưng dân số cơ học ở Hòa Hiệp Trung có chiều hướng tăng nhanh. Hiện nay, thị trấn có hơn 23.600 người, mật độ dân số khu vực nội thị là 8.180 người/km2, cao gấp 4 lần tiêu chuẩn đô thị loại V. Hòa Hiệp Trung không những là địa phương có dân số lớn nhất huyện mà còn có mật độ dân số cao nhất huyện. Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung cho biết thêm, trong những năm qua, kinh tế của Hòa Hiệp Trung có sự tăng tốc với mức tăng trưởng bình quân 16,3%/năm, trong năm 2012, nguồn thu ngân sách địa phương do xã thực hiện đạt hơn 3,8 tỉ đồng, dẫn đầu huyện Đông Hòa. Cơ cấu kinh tế của thị trấn cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu trước đây, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương, thì nay thương mại - dịch vụ giữ vị trí chủ đạo với mức tăng bình quân 19%/năm. Theo đó, cơ cấu lao động hoạt động phi nông nghiệp cũng tăng dần, đang chiếm hơn 67% số lao động của địa phương.
Hiện chợ Phú Hiệp của thị trấn Hòa Hiệp Trung là chợ lớn nhất của huyện Đông Hòa có quy mô 150 sạp kinh doanh cố định. Quanh khu vực chợ còn có cả trăm hộ kinh doanh cá thể. Chợ này không chỉ phục vụ cho nhân dân thị trấn mà còn cho các xã lân cận như Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và cả Hòa Vinh nữa.
ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Bên cạnh tuyến đường sắt bắc - nam chạy ngang qua với chiều dài khoảng 3,6km cùng ga Phú Hiệp, Hòa Hiệp Trung có hệ thống giao thông đường bộ kết nối với nhiều trung tâm đô thị khác. Tuyến quốc lộ 29 qua Hòa Hiệp Trung nối với trung tâm huyện Đông Hòa đến huyện Tây Hòa, Sông Hinh và các tỉnh Tây Nguyên và tuyến giao thông ven biển (từ cầu Hùng Vương, TP Tuy Hòa đến cảng Vũng Rô) đang được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa. Đây là hai tuyến giao thông đối ngoại chiến lược có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Trên cơ sở trung tâm hành chính hiện tại, Hòa Hiệp Trung sẽ tập trung phát triển đô thị từ trục đường quốc lộ 29 (trung tâm xã) hướng về phía đông bắc giáp đường Hùng Vương, phát triển một số khu dân cư đô thị tập trung phục vụ cho KCN Hòa Hiệp. Không gian đô thị cũng sẽ được mở rộng về phía tây nam quốc lộ 29. Với nền kinh tế tập trung theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các cụm thương mại được bố trí dọc theo đường Hùng Vương cùng các khu nhà ở cao cấp dành cho các chuyên gia làm việc trong các khu công nghiệp cũng như Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung Trần Phú Sơn, trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng các công trình hành chính hiện có, hệ thống kết cấu hạ tầng của đô thị Hòa Hiệp Trung sẽ được xây dựng hài hòa với kiến trúc quy hoạch chung gồm các khu như khu hành chính, trung tâm thương mại - du lịch, trung tâm văn hóa thể thao, trung tâm y tế và giáo dục. Về hệ thống giao thông, thị trấn đã đề nghị các cơ quan có liên quan triển khai dự án xây dựng mới nhà ga đường sắt Hòa Hiệp Trung, xây dựng đường gom dân sinh và lắp đặt hàng rào bảo vệ hiện đại, bảo đảm mỹ quan cũng như an toàn tại các điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ. Đồng thời, trên địa bàn sẽ xây dựng bến xe ô tô gần khu vực ga đường sắt và một số bãi đỗ xe trong khu vực trung tâm đô thị. Bên cạnh đó, một bến cảng phục vụ đánh bắt hải sản cũng sẽ được xây dựng. Địa phương cũng sẽ tập trung đầu tư cho nghề đánh bắt hải sản, một trong những thế mạnh của Hòa Hiệp Trung; đồng thời chú trọng phát triển làng nghề chiếu cói truyền thống Phú Hòa như tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đối với các khu dân cư, Hòa Hiệp Trung sẽ nâng cấp, cải tạo các khu vực đô thị hiện hữu với kiến trúc nhà ở cao từ 2 đến 3 tầng, mặt tiền kiến trúc hiện đại theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Song song đó, đô thị Hòa Hiệp Trung cũng đầu tư xây dựng các khu đô thị mở rộng như khu dân cư phục vụ Khu công nghiệp Hòa Hiệp, khu dân cư kết hợp dịch vụ thương mại, khu dân cư kết hợp dịch vụ du lịch, khu tái định cư làng cá Hòa Phú… cùng với một số dự án theo chương trình nông thôn mới được thực hiện phù hợp với chức năng đô thị. Ngoài ra, hệ thống điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường cũng được thiết kế xây dựng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội hướng đến một đô thị Hòa Hiệp Trung phát triển bền vững.
ÔNG LƯƠNG BÁ MƯƠI, NGUYÊN BÍ THƯ ĐẢNG ỦY XÃ HÒA HIỆP TRUNG: Hòa Hiệp Trung có sự thay đổi lớn lắm
So với trước năm 1992, khi tôi còn làm Bí thư Đảng ủy xã, Hòa Hiệp Trung hôm nay có sự phát triển vượt bậc, gấp nhiều lần. Bộ mặt thị trấn khang trang, nhà kiên cố cao tầng ngày càng nhiều không chỉ ở khu vực trung tâm mà cả ở những làng biển. Nếu trước đây, hầu hết người dân sống trên vùng đất cát này vất vả lo cái ăn, cái mặc hàng ngày, thì nay không những có cuộc sống sung túc, có “của ăn của để” và đặc biệt quan tâm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Tính ra, cứ 2 nhà thì có 1 người đã có trình độ đại học, cao đẳng. Sự thay đổi đó lớn lắm. Chính những con người này đem về địa phương những cái mới, góp phần “làm mới” quê hương.
Hiện nay, Hòa Hiệp Trung có nhiều thuận lợi để tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, thương mại. Với lợi thế, có bờ biển dài 3,5km, gần khu công nghiệp và có nghề khai thác hải sản lâu đời với sản lượng hơn 4.500 tấn/năm, cần thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực dịch vụ du lịch, cơ khí, chế biến thủy sản xuất khẩu tại chỗ. Vì phần lớn hải sản đánh bắt của địa phương hiện nay đều đưa đi tiêu thụ nơi khác. Như ngay cả con cá cơm đánh bắt ở địa phương cũng rất lớn nhưng đưa vào chế biến nước mắm tại chỗ cũng rất ít.
BÀ NGUYỄN THỊ HỒNG, TIỂU THƯƠNG CHỢ PHÚ HIỆP: Hy vọng chợ Phú Hiệp sẽ được nâng cấp khang trang
Được tin Hòa Hiệp Trung trở thành thị trấn, tiểu thương buôn bán ở chợ Phú Hiệp này đều rất phấn khởi. Tôi buôn bán ở chợ Phú Hiệp đã gần 20 năm nay, thấy Hòa Hiệp Trung ngày càng sầm uất hơn, chợ cũng đông đảo người mua kẻ bán không thiếu mặt hàng nào, hoạt động nhộn nhịp cả ngày. Chợ này không chỉ phục vụ cho Hòa Hiệp Trung mà còn ở các xã lân cận như Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Vinh…
Hiện nay, hoạt động của chợ như quá tải, nhiều người tự ý cơi nới, che chắn tạm bợ vừa mất mỹ quan, vừa dễ gây cháy nổ. Đường vào chợ hiện cũng đang xuống cấp, mưa xuống là phát sinh lầy lội. Khi Hòa Hiệp Trung lên thị trấn, tiểu thương trong chợ, ai cũng cho rằng tình hình buôn bán sẽ còn khá hơn nữa vì nghĩ rằng, thị trấn Hòa Hiệp Trung sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Do vậy, bà con tiểu thương mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp chợ Phú Hiệp cũng như các công trình hạ tầng khác để xứng tầm của một đô thị. Tiểu thương cũng mong Nhà nước sẽ có những chính sách ưu đãi hơn nữa để người dân có điều kiện thuận lợi buôn bán.
NHƯ THANH