Cùng với niềm vui cùng lúc 2 xã Hòa Vinh và Hòa Hiệp Trung được Chính phủ công nhận là thị trấn, nhân dân và cán bộ huyện Đông Hòa còn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, ghi nhận thành tích xuất sắc của huyện trong giai đoạn 2008-2012. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Tài, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa đã trả lời phỏng vấn báo Phú Yên cuối tháng xung quanh việc phát triển của huyện.
- Xin chúc mừng bước phát triển mới của Đông Hòa. Trước tiên, đề nghị đồng chí điểm lại những thành tựu nổi bật trong quá trình thành lập và phát triển của huyện, nhất là giai đoạn 2008-2012?
- Như đồng chí đã biết, Đông Hòa được thành lập theo Nghị định 62/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ trên cơ sở 10 xã phía đông của huyện Tuy Hòa (cũ). Từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của cấp trên, cán bộ và nhân dân huyện ra sức khắc phục khó khăn, chung tay đưa huyện nhà phát triển về mọi mặt. Sự phát triển của Đông Hòa thể hiện qua những mặt như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm tăng đều; năm 2012 trong khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, GDP của huyện vẫn tăng trưởng mạnh, đạt 18,15%; GDP bình quân đầu người đã vượt 25 triệu đồng, hơn mức với bình quân chung của tỉnh (23,2 triệu đồng). Đáng mừng hơn, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp và thương mại – dịch vụ; riêng ngành thương mại - dịch vụ trong 5 năm qua đã tăng hơn 2 lần. Kinh tế phát triển mạnh đã tạo điều kiện huy động vào ngân sách địa phương hằng năm đều vượt kế hoạch. Nếu năm 2008, thu ngân sách địa phương trên địa bàn huyện mới được 15,5 tỉ đồng, thì năm vừa qua đạt xấp xỉ 45 tỉ đồng; nhờ đó đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên của bộ máy quản lý nhà nước, có đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa xã hội của huyện cũng không ngừng khởi sắc. 100% xã, thị trấn được công nhận và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Trên địa bàn huyện có 1 trường THPT, 5 trường THCS và 10 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” phát triển mạnh; đến cuối năm 2012, toàn huyện có 2/10 xã văn hóa, 33/50 thôn văn hóa, 46/55 cơ quan văn hóa, 85% gia đình văn hóa. Phong trào “Xóa đói, giảm nghèo” được toàn xã hội quan tâm, hiện còn 10,5% so với tổng số hộ của huyện.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt của huyện Đông Hòa, đặc biệt là khu vực trung tâm huyện lỵ có sự thay đổi sâu sắc. Hòa Vinh đã vươn lên mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường một bước đáng kể. Từ năm 2009, Hòa Vinh được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại V từ năm 2009 và đang phát triển mạnh trở thành đô thị trung tâm tổng hợp, trị trấn huyện lỵ của Đông Hòa. Và mới đây, cùng với Hòa Hiệp Trung, Hòa Vinh được Chính phủ công nhận là thị trấn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã trong huyện đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Trong năm nay, các xã đăng ký bê tông hóa giao thông nông thôn hơn 34km, bước đầu đã thực hiện hơn 10km.
Một tuyến giao thông khu vực trung tâm thị trấn Hòa Vinh đang được hoàn thiện - Ảnh: M.ANH
- Đồng chí vừa đề cập đến Hòa Vinh và Hòa Hiệp Trung trở thành thị trấn, điều này có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của Đông Hòa?
- Trước hết phải khẳng định rằng, Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung là những xã đi lên xuất phát từ sản xuất nông nghiệp để trở thành thị trấn là nỗ lực rất lớn của chính quyền và nhân dân địa phương trong quá trình thực hiện đô thị hóa nông thôn. Việc thành lập các thị trấn này phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, quy hoạch định hướng xây dựng phát triển các thị trấn mới Hòa Vinh và Hòa Hiệp Trung. Các thị trấn này hình thành có tác động lan tỏa trong phát triển khu vực phía nam Phú Yên nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Đông Hòa và vùng phụ cận dọc theo hành lang QL 1, QL 29, tăng cường phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay của Phú Yên.
Các thị trấn Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung ra đời còn có ý nghĩa động viên rất lớn đối với nhân dân, cán bộ huyện Đông Hòa để tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa, công nghiệp, hiện đại hóa, tiến tới hình thành thị xã công nghiệp Đông Hòa vào năm 2020 mà Hòa Vinh và Hòa Hiệp Trung là những nhân tố thúc đẩy các xã còn lại của huyện đi lên.
- Để mục tiêu trở thành thị xã công nghiệp sớm thành hiện thực, đang đặt ra vấn đề gì cho huyện Đông Hòa, thưa đồng chí?
- Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Hòa đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 8/2012 nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, xây dựng huyện Đông Hòa trở thành thị xã công nghiệp, là trung tâm giao thương quốc tế, cảng biển lớn của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Đông Hòa nằm trong vùng kinh tế Nam Phú Yên được quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp có hạ tầng hiện đại làm động lực phát triển cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông bắc Camphuchia, Thái Lan. Hiện tại, trong vùng có nhiều dự án lớn được đầu tư, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Vũng Rô chuẩn bị khởi công xây dựng ở xã Hòa Tâm là lợi thế rất lớn cho Đông Hòa.
Mặt khác, Đông Hòa còn có những tiềm năng to lớn với bờ biển từ Hòa Hiệp Bắc đến Vũng Rô có các bãi biển đẹp hoang sơ như Bãi Tiên, Bãi Môn, Hòn Nưa, và các di tích lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng như ngọn hải đăng Mũi Điện, Đá Bia, Đập Hàn, Vũng Rô, Biển Hồ… tạo nên một quần thể cảnh quan tự nhiên đặc trưng, thiên nhiên hùng vĩ; cùng với hệ thống sông Đà Rằng, Bàn Thạch là vùng sông nước, cửa biển đa dạng sinh học rất thuận lợi để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, trong khu vực còn có điều kiện phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa chất lượng cao, xây dựng các vùng chuyên trồng rau sạch, hoa cây cảnh, khai thác các sông hồ để nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản biển phục vụ sinh hoạt và du lịch.
Vấn đề đặt ra cho Đông Hòa là phải nắm bắt thời cơ, huy động được các nguồn lực, kể cả bên ngoài để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, huyện phối hợp với các ngành của tỉnh, Trung ương, các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Hầm đường bộ đèo Cả, quốc lộ 1, quốc lộ 29 qua địa bàn huyện, cảng cá Phú Lạc, khu hành chính mới Hòa Tâm, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các thị trấn Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã trong huyện… Mặt khác, huyện khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, thương mại - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển đó.
Chúng tôi cũng nhận thức rằng sự phát triển của Đông Hòa cũng là sự phát triển của tỉnh, nên rất cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của tỉnh để Đông Hòa sớm hoàn thành mục tiêu thị xã công nghiệp, góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của Phú Yên.
Đến năm 2020, kinh tế Đông Hòa chiếm 38,6% nền kinh tế tỉnh; GDP bình quân đầu người đạt 8.059 USD, gấp 2,7 lần so với trung bình chung cả tỉnh; trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông - lâm - thủy sản chiếm 3,89%, công nghiệp - xây dựng chiếm 70,88% và dịch vụ chiếm 25,13% tỉ trọng GDP của huyện; tỉ lệ thu ngân sách địa phương trên GDP đạt 18%; cơ bản không còn hộ nghèo…
(Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020)