Thứ Ba, 01/10/2024 14:12 CH
Khắc phục ngay khuyết tật hệ thống giáo dục
Thứ Năm, 16/11/2006 10:37 SA

Trong hoàn cảnh quản lý yếu kém kéo dài hàng chục năm mà giáo dục còn được thế này là nhờ phẩm chất cao quý của các thầy cô giáo và nhiều người trong số họ thật sự là những anh hùng

061116-tanghoaco.jpg

Tặng hoa để tỏ lòng tri ân thầy cô. Ảnh: Q. A

Sự sa sút đạo đức của một bộ phận giáo chức là một thực tế ai cũng thấy, ai cũng bất bình, song ít ai chịu khó phân tích khách quan để thấy đúng nguyên nhân.

NGHỊCH LÝ LƯƠNG/THU NHẬP

Bảo rằng do đạo đức sút kém của giáo viên thì chỉ đúng một phần. Ở đây cần phân tích vấn đề theo quan điểm khoa học hệ thống. Khi số hư hỏng trong một hệ thống vượt xa mức bình thường như trong giáo dục hiện nay, thì không thể chỉ có vấn đề phẩm chất một số cá nhân nào đó mà phải xem lại sự quản lý của cả hệ thống. Tức là phải xét đến năng lực cơ quan điều hành (chương trình, thi cử, thi đua chạy theo thành tích ảo, v.v... có gì chưa ổn), và quan trọng hơn nữa là sự bất cập của cơ chế quản lý. Từ hàng chục năm nay, sự bất cập ấy bộc lộ đầy đủ trong cái nghịch lý lương/thu nhập mà ai cũng biết, ai cũng kêu, nhưng không mấy người hiểu hết tính chất nguy hiểm của nó: Lương thấp nhưng hầu như ai cũng có mức sống cao hơn lương gấp nhiều lần, có gì bất bình thường ở đây?

LÀM NHỮNG VIỆC HẠ THẤP MÌNH

Chính phủ và Quốc hội cần thấy rõ quy luật vận hành của cái nghịch lý quái ác đó. Nếu S là tổng thu nhập trong một năm của toàn bộ công chức trong biên chế một ngành như giáo dục, thì S=A+B, trong đó A là quỹ lương chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, vào khoảng 1/4 đến 1/5 của S, còn lại B là phần ngoài lương thì chiếm đến 3/4 hay 4/5 của S. Phần A là phụ thì được phân phối gần như đồng đều, ít chú ý đến năng suất, trình độ nghiệp vụ, còn phần B là chính, lớn hơn A gấp 4-5 lần, thì phân phối tùy tiện, thiếu minh bạch, không kiểm toán, chủ yếu dưới hình thức bổng lộc theo chức vụ, và ban phát, giành giật nhau theo cơ chế thị trường hoang dã.

Của đáng tội, rốt cuộc hầu như ai trong bộ máy hành chính cũng có mức sống chẳng đến nỗi nào, nhưng cái giá phải trả đối với số đông giáo chức là lao động (chứ không phải ăn trộm, xin thưa rõ) cực kỳ nhọc nhằn để làm những việc hạ thấp mình, không còn hơi sức, tâm trí làm tốt nhiệm vụ chính là cái nhiệm vụ được trả lương. Còn có sự lãng phí nào đáng sợ cho một đất nước hơn cách trả lương “độc đáo” này?

THAY THI ĐUA BẰNG HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG VĂN MINH

Đương nhiên, giải tỏa cái nghịch lý lương (xóa hoặc giảm thiểu B để cho S=A, chứ không phải tăng A) chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ để xóa bỏ tiêu cực. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho tiêu cực phát triển trong giáo dục là cơ chế khen thưởng lỗi thời dựa vào thi đua, cơ chế này khuyến khích chạy theo thành tích ảo, chuộng hư danh, và đạo đức giả. Giáo viên bị buộc hay bị thôi thúc làm nhiều việc hình thức, nhiêu khê, biến việc dạy học trở nên nặng nề, nhàm chán. Với nhiều áp lực đủ loại như thế, người thầy làm sao có thể dạy tốt được? Vì những lý do trên, đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT hãy dũng cảm bỏ thi đua, thay bằng những hình thức kiểm tra, khen thưởng văn minh và hiệu quả hơn.

BỎ THI TÚ TÀI

Sau cùng, chống tiêu cực trong thi cử là hết sức cần thiết. Song đi đôi với việc chống gian lận thi cử, cũng nên cải cách ngay thi cử trong năm tới. Đồng thời, cần nhìn trước để ngăn ngừa hậu quả phụ (side effect) có thể gây bất ổn trong xã hội. Nhiều khả năng có thể xảy ra như sau: Nếu vẫn thi tú tài như mọi năm nhưng thi thật sự nghiêm túc thì có lẽ tỉ lệ thí sinh đỗ không quá 50% - 60%, nghĩa là có thể đến cả nửa triệu người hay hơn hỏng thi.

Những thanh niên này sẽ bị ném ra đời, không việc làm, không nghề nghiệp, sẽ là những bất ổn cho xã hội. Hơn nữa, việc có một tỉ lệ lớn học sinh lên đến lớp 12 mà còn quá kém, đó chủ yếu là lỗi của nhà trường, của hệ thống giáo dục không nghiêm túc, không nên bắt học sinh và phụ huynh phải trả giá quá đắt cho sai lầm của nhà trường. Nên chăng bỏ hẳn kỳ thi tú tài như nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện.

Trong khi chưa bỏ thi, có thể tổ chức thi nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, để cho phần lớn học sinh đều qua được. Thà chấp nhận tạm thời hạ thấp tiêu chuẩn trình độ tú tài rồi chấn chỉnh để nâng cao một cách trung thực, còn hơn cố giữ tiêu chuẩn nhưng gây bất ổn trong xã hội, rồi lại rơi vào cảnh gian lận thi cử như thường thấy mấy năm qua. Theo tôi, đó là thái độ thực tế và trung thực để chống tiêu cực có kết quả.

GS HOÀNG TỤY (NLĐ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek