Người dân nơi đây có đến 85% dân sống bằng nghề biển, kinh tế còn khó khăn song họ đồng tâm xây trường cho con cháu...
Lớp mẫu giáo ở khu phố 6, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) được xây dựng từ khi mới giải phóng nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Lớp chẳng ra lớp, trường chẳng ra trường, vì thế trẻ em 5 tuổi đều ở nhà. Năm 2004, sau nhiều lần đắn đo, Trưởng ban nhân dân khu phố 6 Nguyễn Thế Đọc tổ chức họp dân, huy động kinh phí xây dựng lại điểm trường mẫu giáo này. Lúc đầu, có không ít người quan niệm “chuyện học hành của bọn trẻ cứ để Nhà nước lo” nên không chịu đóng góp. Nhưng bằng sự giải thích thấu tình đạt lý của những người biết quan tâm đến giáo dục, họ dần thay đổi quan niệm. Với hơn 180 triệu đồng huy động được, bà con trong khu phố bắt tay vào việc xây trường.
Điểm trường nhà trẻ – mẫu giáo khóm 6 do 100% vón dân đóng góp – Ảnh: THÚY HẰNG
Nhìn 2 phòng học khang trang của điểm trường mầm non khu phố 6, ít ai nghĩ rằng, đó là kết quả của phong trào xã hội hóa giáo dục. Bởi lâu nay, ở vùng biển, việc huy động trẻ ra lớp đã khó, việc thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh còn khó hơn. Từ khi điểm trường được xây dựng bằng sự đóng góp của chính mình, người dân ý thức hơn trong việc cho trẻ ra lớp mẫu giáo. Cô giáo Nguyễn Thị Xanh dạy lớp nhà trẻ, cho biết: “Trước đây, chỉ có các gia đình khá giả mới gởi trẻ 3 – 5 tuổi vào các lớp tư thục, do học phí cao. Còn trẻ nhà nghèo thì bị “nhốt” ở nhà. Từ ngày có trường mới, trẻ 5 tuổi được ra lớp mẫu giáo, trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ cũng được trường thu nhận”.
Khóm 6 có 221 cháu trong độ tuổi 3 – 5. Lứa tuổi mẫu giáo, học phí 10.000đồng/cháu/tháng, lứa tuổi nhà trẻ 77.000 đồng/cháu/tháng, rất thấp so với mức thu của các lớp mầm non tư thục hiện nay. Bà con trong khu phố ai nấy đều phấn khởi. Một người dân ở khu phố nói: “Chúng tôi dân tuy nghèo nhưng nếu chính quyền vạch cho thấy cái lợi chính đáng để đầu tư thì chúng tôi sẵn sàng đóng góp ngay”.
Không chỉ đóng góp xây dựng trường mầm non, bà con ở khóm 6 còn tham gia đóng góp nâng cấp cơ sở vật chất Trường Tiểu học số 3 Phú Lâm đóng trên địa bàn. Ông Đinh Tia, Phó ban nhân dân khu phố 6, bộc bạch: “Chúng tôi không áp đặt mức đóng góp, chỉ kêu gọi người nào khá thì góp nhiều, không có tiền thì góp ngày công. Tất cả những gì vận động được, chúng tôi đều đầu tư vào những hạng mục cần thiết nhất trong dạy và học”. Sân Trường Tiểu học số 3 Phú Lâm được trải bê tông sạch sẽ, không còn cảnh mùa mưa ngập nước như trước. Ông Trần Trọng Thậm, Hiệu trưởng nhà trường, vui vẻ nói: “Niềm vui lớn của thầy và trò chúng tôi là có được sân trường mới và càng vui hơn vì đây là do nhân dân đóng góp, trong đó, có bà con khu phố 6 còn lắm khó khăn”.
Việc góp công góp của xây dựng trường mà bà con vùng biển này đang làm cho thấy những nỗ lực, quyết tâm không ngừng của các cấp lãnh đạo, đoàn thể, nhân dân địa phương trong phong trào xã hội hóa giáo dục. Và điều quan trọng hơn cả là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc đầu tư cho giáo dục đã được đánh thức…
MẠNH THÚY