Thật thú vị và rất cám ơn nhà giáo Đoàn Ngọc Thành, người con Phú Yên xa quê hương nhưng vẫn trăn trở về sự nghiệp giáo dục ở quê nhà, đã cho tôi một cảm giác ấm áp trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam với bài viết đầy tâm huyết “Dạy học - "Nghiệp hay đạo"?” trên PYO ngày 4/11/2006.
Nghề dạy học là Nghề – Nghiệp – Đạo không thể tách rời - Ảnh: D.T.X
Nhan đề: Nghề dạy học: “Nghiệp” hay “đạo”? của Đoàn Ngọc Thành (ĐNT) thật khéo “sinh sự” (từ “ sinh sự “ hiểu theo nghĩa của cụ Nguyễn Tuân là biết đặt vấn đề ); Vì vậy mà người viết bài này có đôi điều cần chia sẻ.
Về cơ bản, tôi thống nhất với ĐNT rằng “ Dạy học chính là đạo”. Nhưng nếu chỉ đề cập đến “Đạo” mà thiếu “Nghề” và “Nghiệp”, thì theo thiển ý của người viết bài này, e rằng còn khiếm khuyết trong nội hàm của công việc thụ nhân.
Theo PGS TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (ĐH Quốc gia Hà Nội), “Nghề” dạy học là thuộc tính chuyên nghiệp của người giáo viên; còn “ Nghiệp” dạy học là lý tưởng sư phạm của người giáo viên.
Phàm ở trong xã hội nghề nào cũng quý, nhưng “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Bởi vậy , rất chia sẻ cái sự coi khinh của ĐNT đối với những kẻ đã từng là “giọt nước trong lành, tinh khiết” mà biến chất thành “nước cống rãnh” lẩn núp trong đội ngũ nhà giáo nước ta hiện nay. Hạng ấy thì sao gọi là có Đạo được?
“Nghiệp” là cái duyên nợ từ kiếp trước, theo quan niệm của đạo Phật trong cái nghĩa “nghiệp duyên”; nhưng “ Nghiệp “ đâu phải chỉ là nghiệp chướng như ĐNT lo âu, trách cứ; “Nghiệp dạy học” là “Hồng nghiệp” đấy, nếu hiểu theo nghĩa cách tân một chút của PGS Mỹ Lộc. Không ít người trên thế giới này, bước vào nghề dạy học với một “nghiệp lực” mạnh mẽ, vì những con người ấy có lý tưởng sư phạm. Và chính cái lý tưởng sư phạm mà họ “ngộ” được, đã trở thành động cơ hành nghiệp một cách chân chính. Họ là những lương sư làm nên hưng quốc; đấy không phải là nghiệp duyên là gì?
Tôi đồng cảm và chia sẻ với ĐNT ở chỗ : “Nghiệp lực” của đội ngũ thầy giáo ta hiện nay xem ra còn “non” lắm. Không còn câu cửa miệng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, nhưng thử tính xem có được mấy học trò Trường chuyên Lương Văn Chánh Phú Yên thi vào trường cao đẳng, đại học sư phạm? Không có trò giỏi chịu tu theo cái “ nghiệp” làm thầy, thì làm sao có thầy giáo có “nghiệp lực” dồi dào được! Giáo dục nước nhà có phần đi xuống , xét trên bình diện rộng, cũng có phần nguyên nhân ở chỗ ấy.
Vậy cho nên vấn đề đặt ra là, làm thế nào để “Nghề “ và “Nghiệp” dạy học giữ được sự tôn vinh mãi mãi? Câu trả lời quyết liệt là phải cần có “Đạo”! Vâng , “Đạo” chính là đưa đường, là chỉ lối, nhưng Đạo ở đây còn có nghĩa là đạo đức. Bác Hồ cũng đã dạy chúng ta rồi : “ Chính trị là đức, chuyên môn là tài, có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào? đức phải có trước tài.”
Chung quy lại, người viết xin có đôi lời tâm sự để gởi người xa quê nặng lòng với cố hương trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam rằng, nghề dạy học là Nghề- Nghiệp - Đạo không thể tách rời vậy.
LƯƠNG HƯNG