Thứ Năm, 10/10/2024 03:22 SA
Những định hướng đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử
Thứ Tư, 18/01/2012 14:00 CH

Việc dạy học lịch sử trong thời gian qua ở các trường trung học đã có nhiều thay đổi quan trọng về nội dung, phương pháp dạy học, song hiệu quả chưa cao. Để nâng cao chất lượng dạy - học bộ môn này trong thời gian đến, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà quản lý giáo dục, giáo viên cần nhận thức đúng hơn về vai trò của bộ môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông.

 

nhom-120118.jpg

Học nhóm - một phương pháp học tập giúp học sinh khắc sâu kiến thức - Ảnh: T.HẰNG

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai, khóa VIII đã khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện tư duy sáng tạo của học sinh. Từng bước áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học, bảo đảm điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh”. Xuất phát từ nội dung trên, việc dạy học lịch sử trong thời gian qua ở các trường trung học đã có nhiều thay đổi quan trọng về nội dung, phương pháp dạy học, song hiệu quả chưa cao, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đào tạo thế hệ trẻ trong tình hình mới. Nguyên nhân của thực trạng trên là tổng hợp của nhiều yếu tố, đó là chúng ta chưa đặt đúng vị trí, chức năng của môn Lịch sử trong hệ thống các môn học ở phổ thông, khiến học sinh có xu hướng coi nhẹ môn học này. Theo Bộ GD-ĐT để nâng cao chất lượng dạy - học bộ môn Lịch sử ở trường trung học trong thời gian đến, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên cần nhận thức đúng hơn về vai trò của bộ môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông.

 

Về phương pháp dạy học, các trường cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của bộ môn Lịch sử trong việc cung cấp kiến thức, giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc, giáo dục tư tưởng đạo đức học sinh. Qua đó, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn cho học sinh. Sử dụng có hiệu quả phương pháp dạy học truyền thống kết hợp với phương pháp hiện đại, bởi vì khác với các môn học khác, lời nói của giáo viên trong giảng dạy đóng vai trò chủ đạo. Những phương pháp sử dụng thường mang lại hiệu quả nhất là tường thuật, miêu tả, kể chuyện, giải thích…

 

Đổi mới, cải tiến phương pháp dạy học là việc làm thường xuyên liên tục, trong đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của giáo viên. Việc cung cấp kiến thức cho học sinh cần xác định mức độ kiến thức sao cho phù hợp với mục tiêu, khả năng nhận thức của học sinh. Tổ chức có hiệu quả hoạt động nhóm: không nhất thiết tiết học nào cũng sử dụng hoạt động này. Tùy theo yêu cầu, nội dung của bài học, giáo viên tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài ở nhà theo nhóm, sau đó vào tiết học, giáo viên mời đại diện từng nhóm trình bày kết quả tìm hiểu và cho nhóm khác nhận xét, bổ sung, qua đó hoàn thiện nội dung bài học và sẽ giảm tối đa hoạt động của giáo viên. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, giáo viên tăng cường sử dụng hệ thống câu hỏi để phát huy tính tích cực của học sinh. Cần tránh tình trạng giáo viên chưa giảng, chưa trình bày sự việc hoặc học sinh chưa được tìm hiểu bài học mà đã đặt câu hỏi cho học sinh.

 

Đặc điểm của bộ môn Lịch sử là kiến thức không lặp lại, nghĩa là trong một cấp học, học sinh chỉ được học kiến thức đó một lần duy nhất, những bài sau không lặp lại nữa. Điều này gây khó khăn trong việc ghi nhớ, do đó trong dạy - học lịch sử, giáo viên cố gắng đưa hình ảnh, biểu đồ, bản đồ động, đoạn phim… nhằm giúp học sinh khắc sâu kiến thức. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin phải hài hòa với việc ghi chép của học sinh và phù hợp với thời lượng của tiết học để tránh tình trạng giáo viên “cháy” giáo án, học sinh phải nhìn - chép.

 

Ngoài ra, để có sự đồng bộ trong đổi mới phương pháp dạy - học, ban giám hiệu các trường cần chỉ đạo tăng cường giờ thăm lớp trong tổ chuyên môn, dành nhiều thời gian để hội ý, trao đổi, rút kinh nghiệm qua tiết dạy; thiết kế những chuyên đề hội thảo trong tổ về phương pháp giảng dạy, những nội dung khó trong chương trình; đa dạng hóa nội dung, hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn, cần kết hợp việc dự giờ, rút kinh nghiệm với việc thảo luận, trao đổi về những nội dung, phương pháp dạy học cụ thể mà giáo viên đang còn vướng mắc nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Kiểm tra, đánh giá cũng là một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học. Vậy nên cán bộ quản lý, giáo viên cần tăng cường kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT. Hình thức kiểm tra nên có sự kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan. Bên cạnh thực hiện đánh giá các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng đã được xác định trong chương trình, giáo viên cũng nên chú ý đến các loại hình đánh giá điều chỉnh phù hợp với bộ môn Lịch sử; thiết kế đề kiểm tra sao cho hạn chế được việc học sinh ghi nhớ máy móc, không nắm vững kiến thức, kỹ năng môn học. Câu hỏi kiểm tra nên có những vấn đề mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng, tổng hợp kiến thức, kỹ năng và những kiến thức đã học.

 

Năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường chỉ đạo tổ bộ môn tiếp tục tư vấn cho giáo viên về kỹ năng xây dựng ma trận đề, ra đề; xây dựng hệ thống ngân hàng đề kiểm tra môn Lịch sử biên soạn theo ma trận để làm tư liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập.

 

LÊ DUY NHẤT

(Sở GD-ĐT Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những thủ khoa luôn hướng về quê hương
Thứ Năm, 26/01/2012 13:00 CH
Con đường du học
Thứ Tư, 25/01/2012 07:00 SA
Khổ vì…quy chế mới
Thứ Tư, 18/01/2012 08:15 SA
Nhiều chủ trương, chính sách mới
Chủ Nhật, 15/01/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek