Phát triển đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao vừa là nhu cầu cấp thiết, vừa là một giải pháp chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Phú Yên trong thời kỳ hội nhập.
Sinh viên Trường đại học Phú Yên trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: T.HẰNG |
ĐÀO TẠO THẠC SĨ TẠI “SÂN NHÀ”
Cuối tháng 11/2011, Trường đại học Khoa học Huế phối hợp với Trường đại học Phú Yên khai giảng lớp cao học Khoa học máy tính khóa 2011-2013 với sự tham gia của 20 học viên Phú Yên. Đây là khóa đào tạo cao học đầu tiên được Trường đại học Khoa học Huế mở tại Phú Yên. Được học cao học ngay tại “sân nhà” nên các thạc sĩ tương lai rất phấn khởi. Dương Chí Tâm, một cán bộ công tác tại Sở GD-ĐT Phú Yên, thổ lộ: “Được nâng cao trình độ chuyên môn ngay tại địa phương là thuận lợi lớn đối với người học. Đây còn mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh”. Tại lễ khai giảng lớp cao học này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất nhấn mạnh: UBND tỉnh Phú Yên luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Vì vậy, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai các chính sách đào tạo và thu hút nguồn lực con người. UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của Trường đại học Phú Yên trong việc xác định lộ trình phát triển của một trường đại học đa ngành, đa cấp và bước đầu vươn lên phối hợp đào tạo sau đại học. Đó là hướng đi đúng, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ và nhân dân Phú Yên giao phó. Từ năm 2011- 2015, tỉnh Phú Yên sẽ thu hút 300 tiến sĩ, thạc sĩ. Những học viên có thành tích cao trong học tập, UBND tỉnh sẽ xem xét bổ sung nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015.
Theo Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên Trần Văn Chương, tháng 3/2012, nhà trường tiếp tục phối hợp với Đại học Huế đào tạo cao học các ngành: Khoa học máy tính, Triết học, Sinh học, Quản trị kinh doanh, Toán, Văn, Lịch sử, Hóa học, Quản lý giáo dục, Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non.
Một thuận lợi lớn nữa trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Phú Yên đó là Trường cao đẳng Xây dựng số 3 vừa được nâng cấp lên đại học. Hiệu trưởng Trần Xuân Thực cho biết: “Trường đại học Xây dựng Miền Trung có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành xây dựng và các ngành kinh tế khác phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong năm 2012, trường tuyển sinh đào tạo đại học các ngành Kiến trúc, Kỹ thuật xây dựng, Kinh tế xây dựng với chỉ tiêu tuyển sinh 700 đến 800 sinh viên”.
TÌM HƯỚNG ĐI CHUNG CHO CUNG - CẦU
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Phú Yên 2011 - 2020 xác định một trong các khâu đột phá là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phú Yên là tỉnh khá thuận lợi trong thực hiện chiến lược này vì hiện nay trên địa bàn tỉnh có đến 6 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung trong một giờ học - Ảnh: T.HẰNG |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất nói: “Phát triển nguồn nhân lực không đơn giản chỉ là đào tạo nghề nghiệp mà còn là nền móng để giải quyết triệt để đói nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định chính trị xã hội… Chiến lược phát triển nguồn nhân lực thời kỳ 2011-2020 đòi hỏi sự đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo nhu cầu xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tiến sĩ Trần Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho rằng, để đào tạo tốt nguồn nhân lực, nhà trường quy hoạch, quản lý và mở ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế, đồng thời định hướng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực. Việc làm này nhằm tránh tình trạng chạy theo thị hiếu thí sinh hơn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Nếu không kịp thời điều chỉnh, cán cân cung - cầu nguồn nhân lực ngày càng mất cân đối, ảnh hưởng đến sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội.
Thạc sĩ Trần Văn Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho rằng, bên cạnh việc mở rộng ngành, nghề đào tạo, nhà trường sẽ tập trung đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo để sau khi tốt nghiệp, sinh viên trở thành người lao động vừa có “tâm” vừa có “tầm”.
Các chuyên gia giáo dục nhận định, vấn đề cốt yếu trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Các trường đại học, cao đẳng cần xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo, trình độ đào tạo; đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy để sinh viên có thể đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp. Tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp, thông qua việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác. Có như thế cung và cầu nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tìm được hướng đi chung.
THÚY HẰNG