Giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, bậc học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, giai đoạn chuẩn bị cho trẻ những tiền đề quan trọng trước khi bước vào giáo dục nhà trường. Trong những năm qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển GD-ĐT, trong đó có GDMN nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học này.
Học sinh Trường mầm non Ong Vàng nghe cô giáo kể chuyện- Ảnh: T.HẰNG |
NHIỀU CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Các văn kiện của Đảng đều nhấn mạnh đến nhiệm vụ chăm lo phát triển GDMN. Trong kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người 2003-2015, Chính phủ nêu mục tiêu: đảm bảo tất cả trẻ em đều hoàn thành một năm giáo dục tiền học đường có chất lượng để chuẩn bị đi học tiểu học; Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006-2015 Chính phủ cũng nêu rõ: Nhà nước có trách nhiệm quản lý, tăng cường đầu tư cho GDMN, hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhà giáo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phát triển GDMN... Tuy nhiên, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GDMN trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu mong đợi. Đánh giá một cách công bằng, GDMN còn nhiều thua thiệt so với các bậc học khác. Từ việc đầu tư cơ sở vật chất đến việc thực hiện chế độ hỗ trợ giáo viên và trẻ mầm non còn tồn tại những bất cập và để kéo dài trong nhiều năm.
Tháng 2/2010, Chính phủ phê duyệt đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, một lần nữa đã khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng GDMN nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, chuẩn bị cho mọi trẻ em ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em ở vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có kỹ năng, thể chất và trí tuệ sẵn sàng vào lớp 1. Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ “phổ cập là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020…” Mục tiêu cụ thể là “năm 2015, huy động 80% trẻ từ 3-5 tuổi vào học mẫu giáo; phấn đấu cả nước hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi”. Cùng với việc hàng loạt chính sách hỗ trợ giáo viên, hỗ trợ trẻ em mầm non được ăn trưa, hỗ trợ trẻ học bán trú ban hành trong năm 2011 (kể cả công lập và ngoài công lập) đã khẳng định GDMN đang được quan tâm đúng mức (các Quyết định số 45 và 60 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 29 của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch số 65 của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư…)
Thực hiện đề án của Chính phủ, HĐND tỉnh Phú Yên đã ban hành Nghị quyết 25 ngày 25/9/2011 về phổ cập GDMN 5 tuổi giai đoạn 2011-2015. Nội dung Nghị quyết nêu rõ: Phú Yên cần tập trung củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, đảm bảo đến năm 2015 có 95% số trẻ em 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng; đến năm 2015 có 100% trẻ được học chương trình GDMN mới; 100% giáo viên dạy trẻ 5 tuổi đạt chuẩn nghề nghiệp; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non 5 tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các địa phương khó khăn làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ GDMN. Phấn đấu hết năm 2013, TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa và Tây Hòa hoàn thành phổ cập; năm 2015 toàn tỉnh phải hoàn thành phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi.
HUY ĐỘNG CẢ CỘNG ĐỒNG
Để hoàn thành nhiệm vụ phổ cập GDMN đúng tiến độ, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp cần nhanh chóng kiện toàn, tiến hành khảo sát, điều tra số lượng trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn và các nhu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất; xây dựng kế hoạch để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và kinh phí tổ chức thực hiện. Tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng xã hội về mục đích, ý nghĩa của phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Tập trung việc huy động trẻ 5 tuổi, đồng thời nâng cao tỉ lệ trẻ 3-4 tuổi và trẻ nhà trẻ ra lớp. Triển khai và thực hiện có hiệu quả việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy - học. Xây dựng kế hoạch bổ sung đội ngũ, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng sư phạm cho giáo viên để thực hiện có chất lượng chương trình GDMN mới. Đầu tư kinh phí kịp thời để xây dựng đầy đủ phòng học cùng trang thiết bị phục vụ dạy - học.
Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm, chăm lo và ưu tiên đầu tư nguồn lực phát triển GDMN đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phú Hòa, Tây Hòa là những địa phương thực hiện khá tốt. Cùng với việc chuyển đổi 87 trường mầm non bán công, dân lập sang công lập, GDMN Phú Yên như được tiếp thêm luồng gió mới. Các trường mầm non tư thục: Ong Vàng, Baby, Tinh Hoa, Bích Du, Tình Thương, Khai Sáng (TP Tuy Hoà), Tuổi Thơ, Hoa Mai (TX Sông Cầu) và Bông Sen (Phú Hòa) từng bước được đầu tư cơ sở vật chất và góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng GDMN. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt còn nhiều. Để thực hiện nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, toàn tỉnh cần phải đầu tư xây mới 397 phòng học, bổ sung đồ chơi, thiết bị phần mềm ứng dụng CNTT; cải thiện chất lượng nuôi dạy trẻ ở vùng nông thôn và vùng khó khăn; giúp giáo viên tiếp cận với chương trình GDMN mới; tăng tỉ lệ trẻ trong các độ tuổi ra lớp (hiện nay, nhà trẻ mới chỉ đạt hơn 10%, mẫu giáo đạt 58%, thấp xa so với bình quân chung cả nước); tăng số trẻ được ăn tại trường (mới chỉ đạt 21%); trẻ được học 2 buổi/ngày đạt 42%; số trường đạt chuẩn quốc gia còn khiêm tốn (7,6%); nhóm, lớp và trường mầm non tư thục phát triển chưa nhiều (toàn tỉnh chỉ có 9 trường và một số nhóm, lớp mầm non tư thục).
Để chủ trương của Đảng thực sự trở thành máu thịt của cuộc sống, với vai trò tham mưu của ngành GD-ĐT, sự quyết tâm của các cấp, các ngành; sự chung tay góp sức của cộng đồng có hỗ trợ của Nhà nước, quan điểm xã hội hóa giáo dục là mọi người làm giáo dục để giáo dục phục vụ cho mọi người, hy vọng GDMN tỉnh Phú Yên sẽ phát triển và hoàn thành nhiệm vụ phổ cập đúng tiến độ.
TRẦN KHẮC LỄ
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên