Thứ Tư, 27/11/2024 07:32 SA
Suy ngẫm từ một phương pháp dạy học của cổ nhân
Thứ Ba, 24/10/2006 07:39 SA

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội bàn rất nhiều về chất lượng giáo dục trong thời gian qua và đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Trong đó, phương pháp giảng dạy là một trong những giải pháp không thể thiếu được.

 

061024-co-giao.jpgLâu nay chúng ta nặng về phương pháp diễn giảng, đành rằng đây là một phương pháp cần thiết. Có điều, chúng ta quá lạm dụng nó nên nhiều khi trở thành thầy nói trò ghi, thậm chí có lúc như thầy đọc trò chép. Học trò hầu như bị thụ động và ít khi phát huy được tính chủ động sáng tạo của mình. Các nhà quản lý giáo dục đang bàn nhiều, mong làm sao để phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh. Cũng có những tiết dạy mẫu để rút kinh nghiệm học tập, nhưng hầu như các tiết đó đều được “chạy dây” thử rồi, ít nhất cũng được thầy cô căn dặn câu hỏi trước cho một số học sinh khá giỏi chuẩn bị. Còn việc giơ tay thì “vô tư”, hầu như là 100%. Đó là một số tiết mẫu. Người viết bài này không còn là thầy giáo nữa nhưng qua các thầy cô và qua học sinh, có thể biết ít nhiều việc học và dạy của thầy trò hiện nay.

 

Bây giờ, bàn về phương pháp giảng dạy, người viết bài này không dám, e rằng quá lỗi thời rồi, không hợp xu thế thời đại. Do vậy, người viết xin giới thiệu cách dạy của một nhà giáo cổ nhân vĩ đại mà người viết tâm đắc để các bạn tham khảo...

 

Đó là cách dạy của Xôcrát, nhà giáo, nhà triết học cổ đại Hy Lạp. Xôcrát (469-339) sống và giảng dạy ở A-ten. Ông có nhiều học trò như Pla-tôn, Ơcơlít… Trong giảng dạy, ông đặt những câu hỏi phong phú, mở cửa cho sự suy nghĩ, giúp học trò thoát khỏi trì trệ và tìm ra lời giải bất ngờ, khiến các môn sinh của ông không khỏi ngạc nhiên trước trữ lượng thông tin của những vỉa trí tuệ được khai thác bất ngờ.

 

Phương pháp giáo dục của Xôcrát đến nay vẫn được coi là tiến bộ, có cơ sở khoa học. Đó là phương pháp dựa trên đối thoại cởi mở và dân chủ giữa thầy và trò ở tư thế những đối tác bình đẳng và trong thuật ngữ thời đó, người ta gọi là phép đỡ đẻ tư duy.

 

Ông cho rằng: “Ông thầy giỏi ít dạy dỗ mà tạo điều kiện cho trò tự làm thầy. Người học trò xuất sắc là người cả gan suy nghĩ khác và dám tranh luận với thầy. Quan hệ thầy trò không phải quan hệ một chiều, mà là quan hệ hai chiều. Trò hèn, kéo thầy hèn theo…”.

 

Xôcrát ít khi dạy ở giảng đường uy nghiêm. Ông tập hợp học trò có lúc ở một vườn cây, có lúc ở một bờ suối. Tại đó, thầy trò Xôcrát trao đổi, trò chuyện với nhau về những nguyên lý sâu xa của cuộc đời một cách hết sức thân mật và thú vị. Do vậy, lớp học của ông lúc nào cũng đông và không ít các ông đồ ở Hy Lạp lúc bấy giờ thèm thuồng và ganh ghét. Các ông đồ này không những xuyên tạc, bôi nhọ ông ở học thuật, mà gắn kết với xã hội, chính trị và tâm linh. Bọn họ cắt đầu, cắt đuôi, bóp méo những lời của Xôcrát. Họ vu cho ông là báng bổ thánh thần, làm bại hoại tuổi trẻ và thuần phong mỹ tục của ông cha. Tòa án Hy Lạp xét xử và tuyên án tử hình, nhưng vì ưu ái trí thức, nên ông được chết toàn thây với một chén độc dược.

 

Xôcrát đi xa chúng ta hơn 2.400 năm, nhưng lời dạy của ông về giáo dục, tôi cho còn sống mãi.

 

TRẦN KHẮC LUYỆN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek