Thứ Tư, 27/11/2024 09:32 SA
Nói không với tiêu cực: Những băn khoăn!
Thứ Bảy, 21/10/2006 10:09 SA

Cuộc phát động của ngành giáo dục: “Nói không với tiêu cực” và “chống bệnh thành tích”, nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận xã hội cũng như trong toàn thể giáo chức. Ai cũng mong muốn nền giáo dục nước nhà thật sự là một nền giáo dục “sạch” để có thể tiến đến một nền giáo dục tốt. Song, làm thế nào để sứ mệnh làm sạch nền giáo dục thật sự thành công và phát huy hiệu quả trong từng cơ chế hoạt động của ngành?

 

061021-camket.jpg

Lãnh đạo các Sở GD-ĐT ký cam kết “Nói không với tiêu cực” và “Chống bệnh thành tích” – Ảnh: SGGP

Một nền giáo dục sạch! Đó là mong ước của toàn xã hội và sau bao năm, tiếng kêu này đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng đáp ứng. Đây là tín hiệu mừng cho nền giáo dục nước nhà. Song, gần 3 tháng phát động phong trào “nói không”, nhìn “cái cách” mà ngành giáo dục “phát” và “động”, nhiều giáo chức không khỏi e ngại cho hiệu quả thật sự của chủ trương này. 

 

CHỐNG TIÊU CỰC - BAO GIỜ XONG!? 

 

Trong cuộc họp báo ngày 3-10, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố: “Chống tiêu cực xong, sẽ đề nghị tăng lương cho giáo viên!” (VNN). Điều này đã gây bất ngờ cho dư luận xã hội. Bởi chống tiêu cực không đơn giản.

 

Nhìn lại 16 vụ việc tiêu cực được phanh phui trong thời gian qua, người ta tự hỏi: có vụ việc nào đã đi được đến tận ngọn ngành nguyên nhân của nó để rút kinh nghiệm cho toàn ngành? Hay, ngành GD mới dừng ở chỗ: đương sự nào bị “lộ” tới đâu thì “trảm” tới đó? Rõ ràng, cách làm hiện nay đang thể hiện điều này!

 

Hiện nay, chống tiêu cực được xoáy sâu vào nội dung “làm trong sạch các kỳ thi”. Đây cũng là điều mong mỏi của xã hội. Và, trong nhiều năm qua, với tỷ lệ tốt nghiệp khoảng 90%, dư luận nói chung đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính chân thực của tỷ lệ này, qua nhiều hiện tượng tiêu cực trong tổ chức thi.

 

Điều lạ là, dư luận có thể nói theo cảm tính mà họ nhận biết; song, về phía cơ quan GD với đầy đủ nhân tài, vật lực và quyền hành, lại chưa hề có một cuộc nghiên cứu nào về thực trạng thi cử này, hoặc ít ra cũng biết được trong tỷ lệ 90% có khoảng bao nhiêu % là ảo! Đến khi cuộc chống tiêu cực nổ ra, từ lãnh đạo bộ trở xuống viên chức GD các cấp đều “ăn theo” cảm tính của dân.

Nhưng cụ thể chống tiêu cực trong GD, trong thi cử bằng cách nào? Cái gốc của tiêu cực ở đâu? Cơ chế nào để tiêu cực nảy nở? Và, tỷ lệ tiêu cực trong thi cử chiếm bao nhiêu %? Không thấy ai đề cập đến một cách cụ thể!? Chỉ còn 6 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông lại diễn ra. Sẽ có hai tình huống xảy ra:

 

Một là, nếu tỷ lệ tốt nghiệp vẫn giữ mức khoảng 90%, sẽ có ít nhất hai câu hỏi được đặt ra: Nếu tỷ lệ 90% (bằng các năm trước) là thực chất, tức là chính cán bộ GD đã “ăn theo” cảm tính của dư luận để “vu oan giá họa” cho chính ngành mình!? Còn, nếu cho rằng tỷ lệ 90% này tiếp tục là tỷ lệ ảo thì, xem như cách mà ngành GD chống tiêu cực như hiện nay là thất bại!

 

Hai là, nếu tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn, còn 60% - 70%, thì số học sinh rớt lại sẽ học ở đâu, khi chúng ta còn rất khó khăn về trường sở như hiện nay.

 

Hay, chúng ta cho các em tự ở nhà ôn tập, năm sau thi lại. Nếu thực hiện kiểu này e rằng thất nhân tâm. Vì vốn đã không đạt chuẩn tốt nghiệp thì các em phải được dạy dỗ lại. Chuyện này đã chưa hề được các nhà lãnh đạo GD các cấp bàn bạc.

 

Và, chính vì thiếu cơ sở khoa học để xác định mức độ ảo là bao nhiêu, thì ngay cả khi tốt nghiệp 60% - 70% - 80%... thì dư luận vẫn băn khoăn: những con số trên đã là thực chất chưa? Dựa trên cơ sở khoa học nào?

 

Mặt khác, tiêu cực trong ngành GD không chỉ có trong thi cử! Chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ánh của các nhà giáo: các cơ chế xin - cho bất hợp lý còn tồn tại trong cơ chế quản lý hiện nay của ngành GD, chủ yếu để có “phong bì”! Và dư luận râm ran: có những loại xin - cho, phong bì lên tới bạc tỷ! Chính những loại phong bì này đã làm méo mó diện mạo nền giáo dục! Và, dĩ nhiên để chống tệ nạn này, không thể nào các thầy cô giáo và học trò của họ chống được!  

 

ÍT NHẤT CÓ TRÊN 30.000 CUỘC HỌP, KÝ CAM KẾT CHỐNG BỆNH THÀNH TÍCH!? 

 

Cũng nằm trong kế hoạch chống của ngành GD, đó là bệnh thành tích. Và cái cách chống bệnh này xem ra cũng khá ồn ã:

 

Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo với các trường đại học, Đoàn Thanh niên, Hội SV… Bộ cũng đã soạn và ký kết văn bản về “Chương trình phối hợp hoạt động triển khai cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” với Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS, Công đoàn GD, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Đài Truyền hình. Rồi các Sở GD-ĐT thành lập Ban Chỉ đạo. Các trường cũng sẽ tổ chức cho GV và HS thảo luận ký cam kết…

 

Chúng ta thấy gì từ cuộc vận động theo kiểu này: Cả nước có trên 30.000 trường học các cấp, rồi hệ thống quản lý GD các cấp, như vậy sẽ có hàng núi văn kiện cam kết và vài chục ngàn cuộc họp chỉ để ký cam kết! Nhưng, cái cốt lõi của chuyện chống bệnh thành tích là chống cái gì? Bệnh này nằm ngoài hay trong chính cơ chế GD sản sinh ra? Nếu trong, thì cụ thể những loại cơ chế, chính sách nào đã “ươm mầm” cho bệnh này phát sinh?

 

Và, trước hết không ai khác hơn là Bộ GD-ĐT phải sửa đổi những cơ chế, chính sách dẫn đến thực trạng GD trên! Một khi cơ chế, chính sách quản lý của bộ còn lắm vấn đề, thì làm sao nói các thầy cô giáo và học trò “chống” cho được! Và lúc đó, chỉ là hô khẩu hiệu cho… yên tâm! Phải chăng, cái cách “chống” như vậy đã đẩy ngành GD sa vào một bệnh khác: bệnh hình thức!?

 

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được lời gửi gắm tâm tư của nhiều giáo chức: Thành tích, tự nó không bao giờ là bệnh cả. Nó chính là mục tiêu, mà ai cũng muốn đạt tới khi thực hiện công việc của mình. Chỉ có cái cách để đạt được thành tích bằng năng lực thật hay giả dối.

 

Và, nếu để chống căn bệnh tiêu cực, giả dối trong GD bằng cách xóa hết những gì liên quan đến thành tích - tức là đi từ trạng thái cực đoan này sang một trạng thái cực đoan khác - sẽ là một bi kịch mới cho nền GD! Một nền GD không có mục tiêu phấn đấu, sẽ đi về đâu? Thành tích nào là thật sự cần thiết cho sự phát triển đi lên của nền giáo dục? Thành tích nào chỉ mang tính “ảo”? Và các bước đi như thế nào để có được thành tích thật sự? Tất cả sự phân định này cần có một chương trình nghiên cứu nghiêm cẩn của các nhà khoa học GD.

 

...Vì sự phát triển của đất nước và cũng chính vì tương lai của con em chúng ta, chắc chắn không ai là không ủng hộ chủ trương “Nói không với tiêu cực” của ngành giáo dục. Song, cái cách triển khai chống tiêu cực hiện nay rõ ràng đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận xã hội! 

 

MAI LAN (SGGP)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek