Thứ Tư, 02/10/2024 07:20 SA
Việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số
Thứ Năm, 05/10/2006 14:51 CH

Người học thì thiếu, người dạy thì yếu, nên tiếng dân tộc trong chính vùng dân tộc thiểu số vẫn cứ ở tình trạng bỏ lửng. Nếu xét theo quan niệm “cái gì không dùng thường xuyên sẽ mai một đi”, thì tiếng dân tộc hiện nay có lẽ đang ở vào tình trạng này.

 

061005-hoc-sinh.jpg

Ảnh: TTO 

 

Lý do căn bản nhất dẫn tới tình trạng phát triển việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số hiện chưa đồng đều, đó là sự thiếu đồng bộ. Nhu cầu học của người dân ở một số nơi khá cao, nhưng lượng giáo viên không đủ đáp ứng. Trong khi đó ở những địa phương khác, có giáo viên thì lại thiếu người học, vì đa phần lớp trẻ chẳng mấy quan tâm đến việc bảo tồn gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình. Như ở vùng Tương Dương, Nghệ An, cả làng Nga My có 27 hộ thì chỉ còn 3 người nhớ được mặt chữ của dân tộc Ơđu. Chính ông cụ Lò Bún Nhông - người già biết nhiều chữ Ơđu nhất ở làng, đã nói rằng ngay cả các con các cháu cụ cũng không có nhu cầu học. Ông Nguyễn Văn Khai - trưởng phòng định canh định cư, Ban Dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An, người trực tiếp đưa ra dự án bảo tồn dân tộc Ơđu, thừa nhận rất khó để đưa việc học chữ Ơđu vào một phần của dự án: “Việc này rất khó thực hiện vì lượng người dùng tiếng Ơđu hiện nay không còn nhiều, hơn nữa vốn từ vựng của người Ơđu cũng chỉ tính được hàng trăm từ vựng thôi, nên để diễn đạt hết những hoạt động trong đời sống xã hội hiện nay thì không đủ ngôn ngữ để chuyển tải…”.

 

Người học thì thiếu, người dạy thì yếu, nên tiếng dân tộc trong chính vùng dân tộc thiểu số vẫn cứ ở tình trạng bỏ lửng. Nếu xét theo quan niệm “cái gì không dùng thường xuyên sẽ mai một đi”, thì tiếng dân tộc hiện nay có lẽ đang ở vào tình trạng này. Vấn đề đặt ra là phải đồng bộ, hợp nhất việc dạy và học.

 

Theo ông Cư Hòa Vần, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, giờ phải có người dạy mới có người học, và phải nhận thức được học tiếng dân tộc là cần thiết, nếu không họ chỉ sử dụng theo phương ngữ thông thường của từng địa phương. Mặt khác, cách thức đưa tiếng dân tộc vào trường học cũng cần thích hợp: “Có những dân tộc sống tương đối tập trung như Tày, Nùng, Thái, Khmer, Chăm thì việc đưa tiếng dân tộc vào trường học là cần thiết; nhưng cần tìm hình thức như thế nào cho thích hợp vì có những trường dạy cho học sinh không chỉ thuộc một dân tộc mà bốn, năm dân tộc… Tôi cho rằng ở một trường, một vùng mà tiếng dân tộc tương đối phổ biến như Khmer, Chăm, Tày, Nùng, Thái… thì ta nên đưa vào chương trình phổ thông có những kết hợp chính khóa…”.

 

Đưa tiếng dân tộc vào chương trình phổ thông, kết hợp với các môn học chính khóa cũng là những cách thức chung mà nhiều địa phương thấy phù hợp. Việc học tiếng dân tộc chỉ được đảm bảo khi các em được sự đầu tư thích đáng cho chương trình phổ thông, vì tiếng Việt mới là ngôn ngữ chính giúp các em hòa nhập vào đời sống chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, việc học song ngữ là vấn đề được đặt ra, đồng thời cũng cần chú trọng đến đào tạo tiếng dân tộc cho các thầy cô, vì chính họ mới là người hiểu các em, là cầu nối đưa các em song hành tốt việc học hai thứ tiếng. Ông Đỗ Nguyên Phương - Trưởng ban khoa giáo Trung ương nêu ý kiến: “Một là các học sinh là người dân tộc phải học tiếng dân tộc, nếu người dân tộc mà lại không nói được tiếng dân tộc thì không hiểu được văn hóa của mình, thứ hai là phải học song ngữ, các cháu trong quá trình học tập thì chủ yếu là học tiếng phổ thông nhưng mà phải có giờ, phải có giáo trình phải có chương trình, thứ ba là các thầy cô giáo phải biết tiếng dân tộc, thì mới dạy các cháu được, thầy cô phải học những lớp chuyên ngành về tiếng dân tộc, quan niệm học tiếng dân tộc là nhiệm vụ như ở miền xuôi học tiếng Anh, Pháp, những chế độ chính sách như vậy để cán bộ người Kinh vận động đồng bào và biết được nguyện vọng của đồng bào, để dạy cho các em các cháu chắc chắn hiệu quả hơn, tốt hơn.

 

Một trong những lý do ảnh hưởng đến việc dạy và học tiếng dân tộc là cho đến nay, việc này vẫn giao cho các địa phương tự quản lý, tự phát triển là chủ yếu, nên tình trạng manh mún là tất yếu. Nhìn từ thực tế tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh cho rằng muốn thực hiện những dự án lớn về dạy và học thì từ Trung ương đến địa phương phải đồng bộ một chính sách: “Chúng tôi đang tìm lại những nghệ nhân của người Thái, người Mông, người Dao, người Tày dạy chữ cho các em ở khu vực đó, đây là dự án do ngành văn hóa tỉnh chủ trương nên điều kiện hoạt động kinh tế rất hạn chế, nếu như không có sự hỗ trợ của Trung ương đặc biệt là của Bộ Văn hóa Thông tin thì những chương trình dự án lớn những lớp học như thế sẽ rất ít và manh mún, việc khôi phục chữ viết có từ Trung ương đến địa phương và phải đồng bộ một chính sách

 

(VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek