Trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ đào tạo của giáo viên có ý nghĩa then chốt.
Do đó, nỗ lực nâng dần trình độ đào tạo giáo viên tiểu học (GVTH) từ trung học sư phạm (THSP 12+2) lên cao đẳng theo một chuẩn nghề nghiệp mà Dự án phát triển GVTH (Bộ GD – ĐT) đang triển khai thí điểm ở 10 tỉnh, thành phố là cơ sở để các trường sư phạm đào tạo GVTH xây dựng kế hoạch đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, đào tạo để sau khi tốt nghiệp, giáo sinh sẽ đạt chuẩn. Đồng thời đưa vào chuẩn này, mỗi giáo viên có thể xác định mình đang ở mức độ nào, mà tự đề ra kế hoạch học tập rèn luyện bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu, hoặc phấn đấu để đạt mức cao hơn đối với các tiêu chuẩn còn ở mức thấp.
Khối lượng kiến thức chung của chương trình khung đào tạo GVTH trình độ cao đẳng sư phạm (CĐSP) đảm bảo cho giáo sinh có đủ các kiến thức cơ bản, chuyên ngành liên quan tới nội dung giảng dạy đã được quy định trong chương trình tiểu học mới. Tuy nhiên, việc đào tạo GVTH ở trình độ cao đẳng hoặc đại học (CĐ-ĐH) đòi hỏi giáo viên tốt nghiệp phải chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó để có tiềm lực phát triển, không thể dàn trải trên diện chuyên môn rộng như ở trung cấp. Trong khi đó, GVTH tốt nghiệp hệ CĐ, ĐH vẫn phải dạy tốt tất cả các môn trong chương trình tiểu học. Đây là một thách thức so với việc đào tạo giáo viên trung học chỉ dạy một vài môn.
Giáo viên tiểu học khó có thể dạy tốt tất cả các môn học theo yêu cầu chuẩn mới – Ảnh: THÚY HẰNG
Xu hướng của đào tạo GVTH theo chuẩn mới là chuyển từ đào tạo chuyên ngành hẹp sang đảm bảo một nền giáo dục đại cương đủ rộng, trên cơ sở đó đi sâu 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên – Xã hội; tạo điều kiện cho việc tiếp thu các môn học chuyên ngành, chuẩn bị cho giáo sinh có đủ khả năng, thích ứng với việc dạy – học đổi mới. Mặc dù dạy đủ các môn ở bậc TH là mục tiêu đặt ra của chương trình, nhưng phải thấy một thực tế hiển nhiên là một giáo viên không thể dạy giỏi được ở tất cả các nội dung kiến thức, từ tự nhiên cho đến xã hội, đặc biệt là các môn năng khiếu. Theo lời nhiều giáo viên, chương trình trở nên nặng đối với họ.”
Cho đến nay, chương trình THSP 12+2 ban hành năm 1988 vẫn được xem là hệ đào tạo chuẩn đối với GVTH. Trong những năm tới, sẽ nâng dần trình độ đội ngũ này lên CĐ và ĐH, không những đối với giáo viên mới được đào tạo mà đối với giáo viên đang dạy học. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm với 25.000 GVTH của 10 tỉnh, thành phố trong những năm qua, công tác đào tạo GVTH theo chuẩn mới đang được triển khai đại trà tại các trường sư phạm.
Yếu tố đầu tiên quyết định trình độ của giáo viên là học vấn. Đối với những giáo viên đang đứng trên bục giảng, trình độ đào tạo chỉ là một trong nhiều phương diện để họ phấn đấu. Việc nâng cao các kiến thức chuyên môn và kiến thức văn hóa chung và nâng cao nghiệp vụ sư phạm có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với mỗi giáo viên. Và một chính sách thích hợp nhằm khuyến khích họ sớm nâng chuẩn trình độ sẽ giúp cho việc “CĐ hóa” GVTH đem lại hiệu quả cao.
THẢO NGUYÊN