Mục tiêu đào tạo giáo viên tiểu học (GVTH) theo chuẩn mới nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm để giáo viên dạy đủ các môn học và thực hiện các hoạt động giáo dục trong toàn cấp học; có khả năng dạy lớp ghép, dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, dạy trẻ khuyết tật theo hướng hòa nhập ở những địa phương có nhu cầu. Giáo sinh tốt nghiệp hệ đào tạo này sẽ có khả năng trở thành giáo viên cốt cán cấp tiểu học, có tiềm lực phấn đấu sớm đạt ngạch giáo viên chính, giáo viên cao cấp bậc tiểu học… theo chuẩn mới.
Đặc điểm của giáo dục tiểu học là chú trọng giáo dục đạo đức và yêu cầu giáo viên phải có kỹ năng về sư phạm. Vì vậy, nội dung đào tạo GVTH theo chuẩn mới đặc biệt chú trọng năng lực sư phạm, hình thành ở giáo sinh các năng lực cơ bản như: Năng lực chuẩn đoán (phát hiện và nhận biết đầy đủ, chính xác, kịp thời sự phát triển của học sinh, những nhu cầu được giáo dục của từng học sinh. Đối với GVTH, đây là một năng lực đặc biệt quan trọng vì sự phát triển về các mặt của học sinh ở lứa tuổi tiểu học diễn ra rất nhanh, nhưng lại không đồng đều), năng lực đánh giá (nhìn nhận sự thay đổi trong nhận thức, kỹ năng, thái độ và tình cảm của học sinh), năng lực thiết lập mối quan hệ thuận lợi với người khác, nhất là với học sinh; năng lực triển khai chương trình dạy học (tiến hành dạy học và giáo dục căn cứ vào mục đích, nội dung đã được quy định, nhưng lại phù hợp với đặc điểm của đối tượng), năng lực đáp ứng trách nhiệm với xã hội (tạo nên những điều kiện thuận lợi cho giáo dục trong nhà trường và từ cuộc sống bên ngoài nhà trường).
Ngoài kiến thức chuyên môn, với giáo viên tiểu học, kỹ năng sư phạm là rất quan trọng - Ảnh: M.THÚY
Năng lực của giáo viên là khả năng thực hiện các hoạt động giáo dục, dạy học với chất lượng cao. Những năng lực kể trên được hình thành không ngẫu nhiên mà thông qua đào tạo ở trường sư phạm và việc nâng cao không ngừng trình độ nghề nghiệp của người giáo viên trong quá trình thực hành nghề nghiệp. Trước những yêu cầu về năng lực sư phạm này, chương trình khung đào tạo theo chuẩn nghề nghiệp mới đã bổ sung “cách dạy phương pháp học” vào chương trình phương pháp dạy học các bộ môn, nhấn mạnh yêu cầu đổi mới các hoạt động thực hành, tăng cường các bài tập tình huống sư phạm, tổ chức đào tạo theo kiểu mô đun hóa. Trong đó, kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu là 19/168 đơn vị học trình (ĐVHT), kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu: 139/168 ĐVHT (khối kiến thức cơ sở của ngành: 23 ĐVHT, khối kiến thức ngành: 97 ĐVHT, khối kiến thức thực tập nghề nghiệp: 19 ĐVHT).
Đặc biệt, theo chương trình đào tạo GVTH chuẩn nghề nghiệp mới, không có sự tách rời giữa kiến thức khoa học bộ môn và các kỹ năng sư phạm. Do đó, tên gọi các môn học trong chương trình bao giờ cũng là tên ghép: Toán và Phương pháp dạy học Toán, Mĩ thuật và Phương pháp dạy học mỹ thuật… Sự kết hợp chặt chẽ này không chỉ ở tên gọi mà còn thể hiện ngay trong chương trình môn học, trong cách thức tổ chức phân công giáo viên thực hiện chương trình. Đây là nét đặc thù của chương trình đào tạo năng lực sư phạm của giáo viên theo chuẩn mới.
THẢO NGUYÊN