Trong khi chủ trương thực dạy, thực học và thực kết quả đang triển khai kiên quyết thì liệu với tình trạng yếu và thiếu các phương tiện dạy học như hiện nay, ai dám chắc việc đánh giá sẽ đảm bảo tính khách quan, công bằng?
Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục cần đi đôi với các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo - Ảnh: Thúy Hằng |
Năm học 2006 – 2007 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thay sách giáo khoa lớp 5 và lớp 10 theo chương trình phân ban. Đây cũng năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích trong giáo dục”. Để ngành giáo dục Phú Yên cùng với cả nước cụ thể hóa yêu cầu “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, khuyến khích sức sáng tạo của thầy cô giáo, khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng dạy - học và hiệu quả đào tạo đến nay, sau gần một tháng khai giảng năm học mới, các trường đã hoàn tất việc ký cam kết không vi phạm quy chế kiểm tra, thi cử và không chấp nhận bệnh thành tích ở đơn vị mình. Thông qua các cuộc họp đầu năm học, các trường trao đổi với Ban đại diện cha mẹ học sinh về trách nhiệm, các biện pháp và hình thức tham gia thực hiện, trong đó nhấn mạnh đến ý thức trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội về tương lai của các em học sinh.
Nhiều người cho rằng “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” cũng là cách để ngành giáo dục kiểm định lại những gì làm được và chưa làm được. Vì vậy, trong năm học này, ngành giáo dục Phú Yên kiên quyết xem lại các tiêu chí thi đua, tập trung chủ yếu các khâu: tổ chức kiểm tra, thi cử. Ngành tổ chức thi, kiểm tra phù hợp với thực tế của từng trường, từng cơ sở giáo dục; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá học sinh đảm bảo kết quả khách quan, chính xác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, đặc biệt là lắng nghe ý kiến phản ánh từ địa phương để giải quyết nhanh, nghiêm túc, dứt điểm các vụ việc tiêu cực được phát hiện theo thẩm quyền, tránh đùn đẩy, đồng thời bảo vệ, biểu dương các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực vào việc chống tiêu cực, bệnh thành tích.
Với 420 trường thuộc các cấp học, bậc học, có thể nói mạng lưới trường lớp ở Phú Yên đã phủ kín đến tận thôn buôn. Song cho đến nay, điều kiện cần thiết nhất trong quá trình dạy học là phòng học chức năng thì nhiều trường vẫn còn thiếu. Chính hạn chế này đã làm cho quá trình dạy học chương trình sách giáo khoa mới ở một số trường chưa thể đổi mới được. Năm học này, lần đầu tiên học sinh lớp 10 học theo chương trình phân ban, trong đó môn Tin học trở thành môn bắt buộc. Theo quy định, mỗi trường phải đảm bảo tối thiểu một phòng học Tin học với 25 máy vi tính. Thế nhưng, cho đến nay, trong 27 trường THPT mới chỉ có 3 trường hội đủ điều kiện này. Theo nhiều giáo viên, nếu tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị không được khắc phục kịp thời thì việc đổi mới dạy học sẽ chỉ nằm trên giấy. Trong khi chủ trương thực dạy, thực học và thực kết quả đang triển khai kiên quyết thì liệu với tình trạng yếu và thiếu các phương tiện dạy học như hiện nay, ai dám chắc việc đánh giá sẽ đảm bảo tính khách quan, công bằng”?.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên Trần Văn Chương cho biết: “Khó khăn vẫn còn nhiều nên ngành xác định năm học mới này, các trường cần quán triệt toàn diện việc giáo dục tố chất, lấy giáo dục con người làm gốc, giáo dục đạo đức là ưu tiên, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, góp phần có ý nghĩa quyết định vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Chống tiêu cực nhưng phải tìm biện pháp để nâng cao chất lượng dạy – học, đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp tương ứng và thực chất”.
THÚY HẰNG