Gần đây, xã hội nói nhiều về lĩnh vực giáo dục nhưng hầu hết chỉ tập trung về chất lượng học tập và thi cử, lĩnh vực đạo đức học đường chưa được đề cập đến nhiều. Thực trạng đạo đức học sinh các trường phổ thông hiện nay là vấn đề đáng quan tâm. Học sinh có nhiều biểu hiện xấu như chấp hành không tốt nội qui của nhà trường, vi phạm những điều cấm đối với học sinh, vi phạm an toàn giao thông...
Dạy môn thủ công kết hợp giáo dục an toàn giao thông cho học sinh ở trường tiểu học thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) - Ảnh: Dương Thanh Xuân |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: do gia đình buông lỏng sự giáo dục (ngày càng có nhiều gia đình phó mặc cho nhà trường, không quan tâm chăm sóc con cái), tác động của những tồn tại tiêu cực của xã hội (phim ảnh bạo lực, sách báo đồi trụy, mặt trái của cơ chế thị trường), sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ. Song có lẽ nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức trong học sinh là do nhà trường chưa có sự giáo dục tốt nhất để đem lại hiệu quả tối ưu, trong đó có việc bản thân người thầy chưa được đào tạo kỹ về việc giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh, bản thân một số thầy cô giáo chưa thật sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Giáo dục đạo đức không thể một sớm một chiều mà đòi hỏi một quá trình lâu dài và rất gian nan. Để xoá bỏ những biểu hiện xấu nói trên, theo tôi, trước hết cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh ngang tầm với chất lượng giáo dục văn hoá. Những việc cần làm ngay là nhà trường cần chú ý việc nói chuyện với học sinh trước trường về vấn đề đạo đức, cần chuẩn bị kỹ nội dung, tránh sơ sài qua loa, đại khái. Có như vậy, việc nói chuyện của Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng, Tổng phụ trách, hay Bí thư đoàn ... mới có tác dụng cao và đem lại hiệu quả rõ rệt. Hơn ai hết chính các thầy cô là những người gần gũi, theo dõi các em, thấy sự tiến bộ của các em qua tập thể giáo dục cảm hoá là rất tốt .
Cần phải biết giáo dục thế hệ trẻ bằng phương pháp nêu gương, tăng cường cho học sinh học tập, tiếp cận với các cá nhân, tổ chức điển hình và hơn cả là thầy nêu gương cho học trò, bởi chính thầy cô giáo có tác động trực tiếp đến nhân cách học sinh. Nếu các em vi phạm, tuỳ theo khuyết điểm mà phê bình và cần có thời gian cho các em sửa chữa. Tất nhiên, các em này phải thường xuyên được theo dõi, phải thấy sự tiến bộ của các em mà điều chỉnh trong cách giải quyết. Đặc biệt, phải hết sức thương yêu các em, hiểu hoàn cảnh từng cá nhân học sinh. Giáo dục không thể chung chung mà phải áp dụng đối với con người cụ thể. Vì cùng một khuyết điểm như nhau nhưng với em này thì cách giáo dục khác, em kia thì giáo dục khác. Đó chính là nghệ thuật của nhà sư phạm - kỹ sư tâm hồn.
Đi đôi với giáo dục cũng cần chú ý đến việc biểu dương kịp thời những học sinh có đạo đức tốt, nhắc nhở uốn nắn những học sinh chưa ngoan. Đồng thời, đẩy mạnh những hoạt động vui chơi giải trí, xây dựng tốt nề nếp học tập, thu hút các em tham gia những trò chơi bổ ích như câu lạc bộ vui để học, sáng tác thơ văn, đọc sách ở thư viện... Xây dựng mô hình lớp tự quản, đẩy mạnh việc phê bình và tự phê bình của mỗi cá nhân và tập thể lớp… Nếu thực hiện tốt một số biện pháp nêu trên chắc chắn việc giáo dục đạo đức trong nhà trường cho học sinh sẽ có bước chuyển biến cơ bản và đạt hiệu quả tốt hơn.
BÙI VĂN THÀNH
(Trường THCS Trần Rịa – Tuy An)