Đổi mới công tác đào tạo giáo viên tiểu học (GVTH) đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục phổ thông nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng đang là đòi hỏi bức thiết. Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án phát triển GVTH là xây dựng các bộ chương trình đào tạo GVTH nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng đào tạo.
Được trang bị rất kỹ về kỹ năng sư phạm, giáo viên tự tin khi lên lớp – Ảnh: T.HẰNG |
Dưới góc độ của “chuẩn GVTH”, chương trình đào tạo GVTH hệ Cao đẳng sư phạm vẫn được thực hiện trong thời gian 3 năm nhưng với tổng số 180 đơn vị học trình (ĐVHT) theo quy định (chương trình hiện hành có 195 ĐVHT), gồm khối kiến thức giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp.
Cấu trúc chương trình được chia làm 2 phần: Phần đào tạo cơ bản vẫn gồm các nội dung như chương trình năm 1995, nhưng các học phần được xây dựng theo hướng đổi mới cả về mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục TH và của chương trình sách giáo khoa mới ở TH. Riêng học phần Giáo dục sức khỏe không tách riêng mà lồng ghép vào môn tự nhiên và xã hội. Vì thế, phần này đã được bổ sung một số kiến thức giáo dục chuyên nghiệp như: Học phần sinh lý trẻ lứa tuổi TH, làm cơ sở cho việc học các môn khác và tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động phù hợp với đặc điểm sinh lý lứa tuổi TH; học phần giáo dục môi trường, ngoài kiến thức giáo dục môi trường tự nhiên, chương trình đào tạo mới còn đề cập tới kiến thức giáo dục về môi trường xã hội như giáo dục giới tính, quyền trẻ em, phòng chống AIDS, ma túy… Mặt khác, chương trình đào tạo còn bổ sung thêm một số học phần rèn luyện kỹ năng mới cho giáo sinh như: Sử dụng phương tiện kỹ thuật và công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng máy chiếu đa năng, các phần mềm dạy học đã có vào các bài giảng; đổi mới cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và giáo dục của học sinh, giúp giáo sinh nắm được các kỹ năng xây dựng các loại đề kiểm tra đánh giá, phương pháp thực hiện việc đánh giá kết quả học tập, giáo dục; kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường TH…
Phần đào tạo tự chọn đã thay đổi nhiều so với chương trình 1995. Nội dung các học phần tự chọn mở rộng cho tất cả các môn trong chương trình bậc TH và gồm 9 ĐVHT, chuyên sâu một trong các môn: Toán, Tiếng Việt, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Đạo đức, Thủ công và Kĩ thuật, Tự nhiên và Xã hội. Khối kiến thức tự chọn chiếm 4,44% tổng số khối kiến thức trong chương trình nhằm cá thể hóa trình độ và năng lực của giáo sinh. Một mặt, giáo viên được tạo điều kiện rèn luyện năng lực chuyên sâu một số môn học mà họ có nhu cầu nâng cao, có điều kiện phấn đấu trở thành giáo viên nòng cốt về một môn ở TH. Mặt khác, giáo sinh được chuẩn bị năng lực dạy học với các đối tượng đặc biệt như: học sinh dân tộc thiểu số, khuyết tật… Nội dung phần tự chọn sẽ đáp ứng được yêu cầu của chuẩn GVTH về việc xây dựng năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm cho GVTH, có khả năng dạy các đối tượng chuyên biệt, phù hợp với điều kiện giảng dạy theo từng vùng, miền.
Ngoài ra, chương trình còn chú trọng rèn luyện tay nghề cho giáo viên, thể hiện ở việc tăng thời gian thực hành nghề nghiệp và thực hành chuyên môn của giáo sinh trong toàn bộ chương trình đào tạo. Tỷ lệ thời lượng giữa các môn nghiệp vụ sư phạm – tâm lý giáo dục trong toàn bộ chương trình là 79/180 ĐVHT (gần 44%), tỷ lệ thời lượng giữa lý thuyết và thực hành là 50/50.q
QUỲNH ANH