Dấu ấn những năm học tiểu học rất sâu đậm trong đời người, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành phẩm chất đạo đức, nhân cách của mỗi con người. Hình ảnh cô giáo thầy giáo tiểu học có tác động lớn đến tâm tư tình cảm, nhất là đạo lý “tôn sư trọng đạo” của người học sinh sau này. Bởi vậy, phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị của giáo viên được đưa lên hàng đầu trong ba lĩnh vực của “chuẩn nghề nghiệp” là điều tất yếu. “Phẩm chất đạo đức tư tưởng chính trị” không chỉ là yêu cầu của riêng giáo viên cấp tiểu học, mà đối với tất cả giáo viên các cấp học, từ mẫu giáo mầm non đến đại học. Vấn đề cần đặt ra trong “chuẩn nghề nghiệp” là mức độ đánh giá “phẩm chất đạo đức, tư tưởng” sẽ được đặt ra với những yêu cầu nào, mức độ đánh giá như thế nào cho phù hợp với giáo viên tiểu học?
Tài liệu dùng trong đợt thí điểm áp dụng chuẩn để đánh giá 25.000 giáo viên tiểu học do Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành có đưa ra 4 yêu cầu, mỗi yêu cầu lại có 5 mức độ đánh giá. Các yêu cầu này có thể đưa vào áp dụng cho tất cả giáo viên các bậc học chứ không riêng gì tiểu học (chỉ trừ một ý nhỏ trong mức độ 2 của yêu cầu 1.3 “có quan hệ tốt với học sinh và cha mẹ học sinh” là hơi sát với bậc tiểu học. Ở bậc đại học, chắc chắn các giáo sư khó có quan hệ tốt với cha mẹ sinh viên, vì ít có (hoặc không có) điều kiện tiếp xúc với gia đình sinh viên).
Quy định về “chuẩn” giáo viên tiểu học cần phù hợp với thực tế - Ảnh: THÚY HẰNG
Xin nêu ra 4 yêu cầu này để chúng ta cùng xem xét:
Yêu cầu 1.1: Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; chấp hành luật pháp Nhà nước, quy định của ngành; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người giáo viên tiểu học.
Yêu cầu 1.2: Yêu nghề, thương yêu, tôn trọng và đối xử công bằng với học sinh.
Yêu cầu 1.3: Có tinh thần trách nhiệm trong công tác, có ý thức tổ chức kỷ luật; có đạo đức, lối sống lành mạnh; có tinh thần hợp tác.
Yêu cầu 1.4: Có tinh thần tự học, phấn đấu nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
Thiết nghĩ, nhà giáo cũng là công dân, công chức, cũng cần có những phẩm chất đạo đức chung, nhưng đã định ra “chuẩn” cho giáo viên một bậc học cụ thể thì cũng cần có những yêu cầu cụ thể phù hợp với bậc học đó. Các trường sư phạm, các trường tiểu học cần có ý kiến sâu sắc để Bộ GD-ĐT chỉnh sửa bộ “chuẩn” cho thật chuẩn.
Qua 4 yêu cầu trên còn cho thấy “chuẩn nghề nghiệp” do Bộ GD-ĐT đưa ra để đánh giá phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị của giáo viên tiểu học đã thoát ly một thực tế của đất nước, không thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng là “đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng”. Trong tình hình tiêu cực, tham nhũng đang trở thành đại dịch, thì thái độ đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng là thước đo phẩm chất đạo đức của mọi người dân yêu nước. Dự thảo “chuẩn nghề nghiệp” giáo viên tiểu học ban hành tháng 5-2004 là kết quả qua 4 lần chỉnh sửa. Trong khi những tiêu cực trong ngành GD-ĐT đang ở giai đoạn trầm kha, nhưng qua các lần chỉnh sửa này vẫn không có ý kiến bổ sung nội dung đấu tranh chống tiêu cực, đề cao tinh thần phê và tự phê bình, đề cao đạo đức “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, “mình vì mọi người” như Bác Hồ đã dạy, vào chuẩn nghề nghiệp, e rằng Bộ GD-ĐT chưa quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực này.
Lĩnh vực 1: có 4 yêu cầu, mỗi yêu cầu lại được chia ra nhiều mức độ để đánh giá, nhưng không tìm thấy một từ “phê và tự phê”, chưa nói gì đến đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng (cấp độ phê bình cao hơn). Phải chăng môi trường sư phạm của chúng ta đã là trong sạch? Liệu với “chuẩn nghề nghiệp” này, thì những giáo viên cho học sinh không đọc hết chữ cái, không làm nổi bài toán 3+3=? vẫn lên học lớp 4, lớp 5… sẽ được xếp vào mức “phẩm chất đạo đức, chính trị tư tưởng” nào?
Bởi vậy, riêng trong lĩnh vực 1 này, Bộ GD-ĐT cần bổ sung, chỉnh lý lại nhiều nội dung cho phù hợp với đặc thù của giáo viên tiểu học; với thực tế của xã hội, của đất nước, và của ngành mình.
TRẦN HỮU THỌ