Thứ Tư, 27/11/2024 23:31 CH
Để học văn tốt, nên thay đổi cách thi môn Ngữ văn
Thứ Năm, 14/09/2006 08:09 SA

Lâu nay rất nhiều ý kiến của công luận cũng như trong ngành giáo dục cho rằng, ngoại trừ một số học sinh có năng khiếu học giỏi môn Văn, còn đại đa số là yếu, khả năng vận dụng kiến thức vào bài tập làm văn kém. Như đánh giá của Liên hiệp các Hội Khoa học công nghệ trong một cuộc nghiên cứu về đánh giá quy trình, tính khoa học và tính sư phạm của sách giáo khoa mới: “Kết quả kiểm tra của lĩnh vực tập làm văn luôn kém nhất so với các phân môn khác trong môn Ngữ văn – một minh chứng về khả năng diễn đạt về tiếng Việt kém của học sinh” (Vietnamnet). Nguyên nhân mà nhiều người đưa ra thường nhằm vào là do học sinh “ghiền” văn mẫu, do giáo viên chỉ dạy theo những bài văn mẫu làm cho học sinh không phát huy tính sáng tạo v.v…

 

Theo tôi, đó chỉ một phần đúng. Một phần khác là do từ khi cải cách giáo dục, phần “tập làm văn” của chương trình môn văn bị “hạ cấp”. Thể hiện ở chỗ, trong kết cấu bài thi môn văn thường có hai phần: 2 câu Tiếng Việt và 1 câu tập làm văn, với ba rem điểm: mỗi câu Tiếng Việt 2 điểm, câu 3, tập làm văn 6 điểm. Vì vậy, học sinh chỉ làm được 2 câu tiếng Việt là có 4 điểm rồi, tập làm văn qua quýt chỉ cần một điểm, cũng đủ 5 điểm, “chỉ cần thế thôi”(!). Với kỷ luật thi cử không nghiêm túc như hiện nay, để đạt 4 điểm 2 câu Tiếng Việt là không khó (!). Với tâm lý thực dụng “học để lấy điểm” nên học sinh ít chăm chút cho bài tập làm văn.

 

060914-tho.jpg

Tiếp cận với các loại hình nghệ thuật dân gian, một cách giúp học sinh học tốt môn Văn – Ảnh: C.T.V

 

Như vậy với bài tập làm văn 1 điểm, thử hỏi làm sao đánh giá đúng học sinh đó có trình độ môn văn là trung bình (đủ 5 điểm).

 

Chúng ta đều biết, trong một bài tập làm văn đã hội đủ các yếu tố kiến thức về chính tả ngữ pháp, từ vựng, khả năng diễn đạt, sự sáng tạo… Một học sinh trung bình về môn văn, phải có khả năng làm đạt một bài tập làm văn trọn vẹn. Và chỉ qua một bài tập làm văn cũng có thể đánh giá được trình độ Tiếng Việt (ngữ pháp) của học sinh rồi. Còn học sinh giỏi, đòi hỏi khả năng diễn đạt lưu loát, vốn từ vựng phong phú, sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách cảm, cách bố cục ý tứ… Vậy chỉ cần qua một bài tập làm văn, đã có thể đánh giá được trình độ “Tiếng Việt” của học sinh rồi, cần gì phải “đẻ” ra phần Tiếng Việt để học sinh “kiếm điểm” hơn là chăm lo đọc sách báo nâng cao trình độ cảm thụ văn học...

 

Nhân đây cũng đề nghị Bộ GD-ĐT xem lại cấu trúc toàn bộ chương trình Tiếng Việt từ tiểu học đến đại học. Từ lớp 2, học sinh đã học môn Tiếng Việt với các khái niệm, ngữ pháp cơ bản như kết cấu câu đơn, câu phức…, các thành tố trong câu: Chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, tính từ… Càng lên THCS, THPT càng có nhiều khái niệm phức tạp. Lên đại học lại học lại khái niệm về câu, về chủ ngữ, vị ngữ… Tôi nhớ cách đây vài năm, trong một bài viết của mình trên báo Lao Động, giáo sư Dương Thiệu Tống có đề cập vấn đề này, không biết Bộ GD-ĐT tiếp thu đến đâu.

 

Để học sinh học văn tốt, cần có nhiều cải cách, trong đó, theo tôi là nên bỏ phần Tiếng Việt trong bài thi môn văn ở các cấp học.

 

TRẦN HỮU THỌ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek