Thứ Tư, 27/11/2024 23:43 CH
Ngôi trường một trăm tuổi
Thứ Hai, 11/09/2006 08:21 SA

Hôm nay (11-9), Trường tiểu học Sông Cầu 2 (huyện Sông Cầu) kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước tặng. Đây là ngôi trường có lịch sử hình thành lâu đời nhất ở Phú Yên.

 

060911-quang-canh.jpg

Trường tiểu học Sông Cầu 2 trong ngày khai giảng

 

Trong khảo cứu về lịch sử và địa dư của Đà Giang Trần Sĩ có ghi: Năm 1887, Công sứ Pháp đầu tiên đặt tại Vũng Lắm, quan đầu tỉnh Nam triều bỏ An Thổ, dời ra Vũng Lắm cạnh Công sứ Pháp. Năm 1888, tỉnh lỵ  dời ra Sông Cầu, quan Nam triều dời ra lại An Thổ. Đến năm Thành Thái thứ 11 (tức năm 1899) mới dời ra Sông Cầu, cách toà sứ 1 cây số. Và sau đó ít năm, vào năm 1906, mới bắt đầu khởi công xây dựng trường học đầu tiên tại Sông Cầu,  sau gọi là Trường Pháp - Việt Sông Cầu, nay là Trường Tiểu học Sông Cầu 2.

 

NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN CỦA PHÚ YÊN

 

Theo những bô lão từng là học sinh của Trường Pháp -Việt Sông Cầu, trường được xây trên nền cao ráo với 5 phòng, tường gạch, mái lợp ngói và quay mặt về hướng đông, có vườn rộng, sân chơi… Từ 1906 - 1917, trường có các lớp sơ học, chủ yếu là dạy chương trình Hán học và tiếng Pháp (gọi là École élementaires Sông Cầu-Sơ học yếu lược Sông Cầu, tương đương lớp một đến lớp ba hiện nay) do Đốc học Nguyễn Tô Điềm (sinh năm 1892, người Thuận Hoá, nay là Thừa Thiên-Huế) phụ trách. Đến năm 1918, chính quyền Pháp ra lệnh bãi thi Hán học và trường bắt đầu dạy tiếng Pháp là chính, còn Quốc ngữ chỉ học vài giờ mỗi tuần. Lúc bấy giờ, trường mang tên École Primaire Complémentaire Sông Cầu hay còn gọi là Trường Pháp -Việt Sông Cầu, với các lớp  học tương đương từ lớp một đến lớp năm hiện nay.

 

Đến năm 1923, trường có 5 lớp gọi là  École de plein exercice Sông Cầu và là trường tỉnh duy nhất của Phú Yên. Lúc này chưa có chức danh Hiệu trưởng, phụ trách tổ chức, quản lý trường vẫn là Đốc học Nguyễn Tô Điềm. Năm 1931 Đốc học Nguyễn Viết Hiệp (cũng là người Thuận Hoá) lên thay. Đến năm 1937 cải cách giáo dục mới có chức danh Hiệu trưởng và người giữ  cương vị này của trường Pháp -Việt Sông Cầu là thầy Cao Hữu Hoành.

 

Vì là trường tỉnh nên học sinh các nơi ở Phú Yên đều  tập trung về đây để học. Ở giai đoạn đầu, khi học xong cấp học, học sinh phải ra Qui Nhơn để thi Primaire.  Từ năm 1930, trường được phép tổ chức thi Primaire tại trường. Nếu ai muốn học tiếp để lấy bằng Thành Chung (Diplome)  thì phải ra Huế hoặc Qui Nhơn. Một số thầy giáo đã từng dạy học từ khi thành lập trường đến năm 1954 còn lưu lại tên tuổi như: thầy Nguyễn Hoài, thầy Nguyễn Văn Chất, thầy Nguyễn Thuần, thầy Trần Xuân Hoàng, thầy Tôn Thất Dương Thanh, thầy Trần Đình Thuần (đều là người Huế), thầy Huy (người Quảng Nam), thầy Huỳnh Tuyển, thầy Ngô Văn Lương (người Hà Tĩnh), thầy Bân (người Thanh Hoá)…

 

NƠI XUẤT PHÁT CỦA NHỮNG NHÂN TÀI

 

Trường Tiểu học Pháp –Việt Sông Cầu là nơi những nhà yêu nước, nhà cách mạng, nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo nổi tiếng theo học, như ông Võ Học (Chủ tịch tỉnh Phú Yên thời chống Pháp, Phó Giám đốc Y tế liên khu 5, Phó ban Kế hoạch Trung ương), nhà văn Võ Hồng, kỹ sư điện tử Cao Lang, Phó tiến sĩ Vật lý nguyên tử Cao Chi, PGS-TS Trần Đình Bửu, GS-TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thúc Tùng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng -Văn hoá Trung ương Hà Đăng, cố Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Trần Suyền, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Huỳnh Nựu, cố Phó Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Nguyễn Phụng Minh, TS Thái Phụng Nê, cố Thứ trưởng Bộ Thương mại Tạ Cả… Đặc biệt, trong số học sinh của trường có thầy Trần Sĩ (quê Tuy An) học từ 1922 đến 1925. Ông thi đậu Thành Chung năm 1929 (khoá đầu tiên tổ chức tại Huế cho học sinh Trung kỳ) nhưng vì nhà nghèo, cha mất sớm nên xin giảng dạy và được bổ nhiệm về trường từ tháng 9-1929. Năm 1930, ông dự thi khả năng sư phạm tại Huế và đạt ngạch Tư học, sau đó được nha Đốc học tỉnh Phú Yên bổ nhiệm làm giáo sư hướng dẫn lớp sư phạm đào tạo hương sư để về dạy tại các trường trong tỉnh (các lớp hương sư này đều được tổ chức học tại Trường Pháp -Việt Sông Cầu). Về sau thầy Trần Sĩ cùng với ông Tú Suyền (tức cố Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Trần Suyền -NV) và nhà giáo Bùi Xuân Các (là đảng viên thời điểm này) được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Duy Trinh giao nhiệm vụ  thành lập Trường trung học Lương Văn Chánh cuối năm 1946.

 

Thế hệ học sinh của trường sau ngày thống nhất đất nước cũng đã có rất nhiều người thành đạt, có học hàm, học vị cao đang giảng dạy tại nhiều trường đại học hoặc công tác ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong cả nước.

 

PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu 2 hiện nay là thầy Huỳnh Minh Đăng cho biết: Từ năm 1945 đến 1954, với chủ trương tiêu thổ kháng chiến, trường phải phá huỷ và các lớp học phải sơ tán, học tạm ở các nơi. Năm 1955, trường được xây dựng lại trên nền cũ và mang tên Trường Tiểu học Sông Cầu cho đến ngày đất nước thống nhất. Từ 1975 đến 1977 mang tên Trường cấp 1 Sông Cầu. Từ tháng 7-1977 đến tháng 6-1986 mang tên Trường cấp 1, 2 Sông Cầu. Từ tháng 7-1986 đến nay là Trường Tiểu học Sông Cầu 2.

 

Từ chỗ chỉ có 18 giáo viên, trong đó 6 giáo viên chưa qua đào tạo, chưa có giáo viên đạt trình độ cao đẳng, đại học và chỉ có 1 đảng viên, hiện nay Trường Tiểu học Sông Cầu 2 có 100% cán bộ, giáo viên được đào tạo đạt chuẩn trở lên, trong đó cao đẳng sư phạm 15, Đại học sư phạm 8 và có 1 thạc sĩ. Chi bộ trường có 9 đảng viên. Trường  có 1 giáo viên đạt “Giáo viên dạy giỏi” cấp quốc gia, 15 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh qua các năm học và 12 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Thành tích đáng tự hào của trường là đã được công nhận đơn vị hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học-xoá mù chữ theo chuẩn quốc gia từ năm 1991. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của huyện Sông Cầu đạt chuẩn này theo Quyết định 28 của Bộ Giáo dục-Đào tạo.

 

Trong những năm gần đây, học sinh của trường giao động từ 650 đến 750 em. Riêng năm học 2006-2007, trường có 20 lớp với 642 học sinh, trong đó học sinh lớp 1 là 144 em. Hiệu quả chu kỳ đào tạo hàng năm đạt từ 98% trở lên và có 100% học sinh tốt nghiệp, hoàn thành chương trình bậc tiểu học. Đặc biệt, có 3 em trong tổng số 19 em dự thi đạt học sinh giỏi cấp quốc gia; 154 em là học sinh giỏi cấp tỉnh qua các kỳ thi; 1 em đạt giải nhì và 2 em đạt giải ba cuộc thi “Viết chữ đẹp” cấp quốc gia… Với những thành tích đã đạt được, mới đây Trường Tiểu học Sông Cầu 2 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

 

XUÂN HIẾU - ĐỨC THẮNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek