Điểm mới của các đề thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là có thêm phần kiến thức ở lớp 11. Vì vậy, khối lượng kiến thức nhiều hơn so với năm trước.
Cụ thể đề thi tham khảo môn Lịch sử mà Bộ GD-ĐT công bố có 40 câu. Trong số đó có 32 câu ở chương trình lớp 12 và 8 câu chương trình lớp 11. Đề thi minh họa năm nay phủ khắp chương trình lớp 11 và 12 (cả lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam).
Nội dung các câu hỏi trong đề thi đều nằm trong chương trình lớp 11 và 12. Từ câu 1 đến câu 19 ởmức độ nhận biết, thông hiểu. Từ câu 20 trở đi có sự phân hóa theo các mức độ khó khác nhau. Từ đề thi tham khảo, để học và làm tốt bài thi môn Lịch sử, học sinh cần lưu ý:
Thứ nhất, đọc kỹ sách giáo khoa. Do phần lớn kiến thức trong bài thi đều lấy từ sách giáo khoa, do đó học sinh cần chủ động hơn trong việc khai thác và xử lý nội dung kiến thức trong sách. Không chỉ phải đọc và học theo tài liệu, học sinh cần hiểu bản chất của vấn đề.
Khi đọc sách giáo khoa cần đọc những tiêu đề, những nội dung lớn, vấn đề lớn rồi sau đó tới các vấn đề nhỏ. Đặc biệt, khi đọc cần phải hiểu được vì sao sự kiện lịch sử này lại xảy ra, sự kiện đó có ý nghĩa gì, tại sao nhiều người tham gia cuộc khởi nghĩa này khởi nghĩa kia hoặc vai trò của một nhân vật đối với lịch sử…
Thứ hai, hệ thống hóa kiến thức. Kiến thức lịch sử trong sách rất nhiều. Vì vậy, muốn nắm vững kiến thức lịch sử một cách nhanh nhất chỉ có hệ thống hóa kiến thức lịch sử. Trong đó, chú trọng đến việc sử dụng sơ đồ tư duy để ôn tập. Với cách này, học sinh có thể hệ thống hóa kiến thức và quan trọng hơn là học sinh dễ nhìn được tổng quan bài học.
Học sinh có thể lập sơ đồ tư duy theo từng giai đoạn hoặc từng nội dung. Từ một vấn đề lớn, có thể chia ra thành các đơn vị kiến thức nhỏ với phương châm trong cái lớn có cái nhỏ, trong cái nhỏ có cái nhỏ hơn. Thông qua sơ đồ tư duy, học sinh rất dễ nhìn và hệ thống kiến thức một cách mạch lạc.
Thứ ba, học sinh cần làm nhiều đề thi thử. Hiện nay, ởcác trường THPT đều có bộ đề thi do các trường biên soạn để tham khảo hoặc trên các trang mạng đều có đề thi thử. Ngoài việc học trên lớp, về nhà học sinh cần dành thời gian để làm đi làm lại các đề thi này theo kiểu “văn ôn võ luyện, học đi đôi với hành”. Học sinh phải tự mình làm nhiều đề thi thử, đề thi minh họa để vừa tích lũy kinh nghiệm làm bài thi vừa nâng cao kiến thức cho bản thân.
Thứ tư, để làm tốt bài thi môn Lịch sử theo hình thức thi trắc nghiệm, ngoài kiến thức, học sinh cần phải biết suy luận thông qua việc phân tích dữ liệu từ các đáp án. Ngoài những câu đơn giản nằm mức độ nhận biết, thông hiểu, đề còn có những câu vận dụng từ cấp độ thấp đến cấp độ cao, những câu này thường khó, nhiều câu có đáp án na ná nhau theo kiểu 50/50, học sinh rất dễ nhầm lẫn.
Đây là những câu hỏi mà học sinh rất dễ bị mất điểm và là câu hỏi để sàng lọc, phân loại học sinh. Vì vậy, trong quá trình làm bài, học sinh cần phải hiểu cặn kẽ bài, phân tích câu trả lời để chọn ra đáp án. Biết suy luận, phân tích từ các đáp án để đưa ra phương án tối ưu nhất.
Ngoài ra, để làm bài thi môn Lịch sử đạt kết quả cao, học sinh cần đọc kỹ phần nội dung câu hỏi, câu dẫn, từ khóa, những từ thể hiện giới hạn về không gian, thời gian trong câu hỏi… vì đó là những từ mà đáp án của đề thi luôn hướng tới.
NGÔ MÃ THIÊN
(Trường THPT Lê Thành Phương)