Thứ Ba, 26/11/2024 08:37 SA
Đề tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018:
Tăng độ khó ở nhóm câu hỏi vận dụng cao
Chủ Nhật, 04/02/2018 09:57 SA

Dạy và học lịch sử tại Trường THPT Nguyễn Huệ - Ảnh: THÚY HẰNG

Bộ GD-ĐT vừa công bố đề tham khảo các môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Theo nhận xét của các giáo viên, cấu trúc đề thi năm nay vẫn giống như các năm trước. Tuy nhiên, về lượng kiến thức thì đề tham khảo năm nay bao gồm cả kiến thức lớp 11 và 12. Đặc biệt, phần câu hỏi vận dụng cao có nội dung khó hơn các đề thi trước rất nhiều, đảm bảo đánh giá được năng lực người học.

 

Đảm bảo tương đồng về độ khó

 

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo, Sở GD-ĐT Phú Yên đề nghị các trường triển khai bộ đề thi này đến giáo viên và học sinh tham khảo, làm quen với định dạng của các đề thi trong quá trình dạy học, ôn tập phục vụ Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

 

Nhận xét về đề thi tham khảo, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho biết: Đề thi minh họa THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2018 vẫn giữ nguyên cấu trúc của đề thi năm 2017 gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm) ra một văn bản nghị luận và 4 câu hỏi; phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: Nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm).

 

Trong đó câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề đặt ra trong văn bản ở phần đọc hiểu. Điểm khác so với đề thi năm 2017 là câu nghị luận văn học thay vì chỉ ra trong chương trình lớp 12 thì đề thi minh họa năm nay lại có thêm một phần liên hệ với chương trình lớp 11. Điều này đã được Bộ GD-ĐT thông báo từ trước nên giáo viên và học sinh không cảm thấy bất ngờ.

 

Theo thầy Minh, đề thi minh họa môn Ngữ văn năm nay là một đề thi đảm bảo chất lượng, có độ phân hóa cao. Đoạn trích ở phần đọc hiểu “Quên hôm qua sống cho ngày mai” và vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội “Ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống” là những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc. Câu nghị luận văn học bám sát chương trình, bên cạnh yêu cầu ở mức độ cơ bản còn có thêm một phần liên hệ, nhận xét rất phù hợp để phát huy năng lực cho học sinh khá, giỏi.

 

Đối với môn Lịch sử, thầy Ngô Mã Thiên, giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương cho hay: Đề tham khảo môn Lịch sử có 40 câu. Trong đó có 32 câu ở chương trình lớp 12 và 8 câu ở chương trình lớp 11. Đề minh họa năm nay phủ khắp chương trình lớp 11 và 12 (cả lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam), không có câu nào nằm ở phần giảm tải.

 

Từ câu 1-19 ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vì vậy, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể làm được. Từ câu 20 trở đi có sự phân hóa theo các mức độ khó khác nhau. Vì vậy, muốn làm tốt những câu này, học sinh cần phải hiểu và nắm được bản chất của các sự kiện lịch sử, đồng thời phải biết so sánh, liên hệ thì mới làm tốt.

 

Tương tự đối với môn Giáo dục công dân, thầy Thiên chia sẻ, so với năm trước, các câu hỏi của đề tham khảo năm nay có mức độ khó hơn, đáp ứng được yêu cầu phân hóa năng lực của từng đối tượng học sinh. Nội dung các câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 nhưng trọng tâm vẫn là kiến thức lớp 12. Trong đó các câu hỏi, nhất là những câu vận dụng ra đều ở các bài thuộc kiến thức lớp 12. Các câu hỏi ở lớp 11 ít hơn nhưng trải đều ở các bài.

 

Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Những câu hỏi vận dụng và phân hóa luôn gắn với những tình huống giả định trong thực tiễn đời sống. Vì vậy, để đạt kết quả cao trong kỳ thi, ngoài việc ôn tập và luyện tập nhiều hơn, học sinh còn phải nắm chắc nội dung kiến thức và biết vận dụng những kiến thức đó vào giải quyết những tình huống trong thực tiễn cuộc sống.

 

Đối với các môn Khoa học tự nhiên, nhiều giáo viên nhận xét, đề thi minh họa năm nay bao gồm kiến thức sâu và rộng hơn kiến thức năm trước vì đề bao gồm kiến thức cả lớp 11 và 12. Đề không chỉ có bài tập vận dụng, mà còn có rất nhiều câu hỏi lý thuyết và cả ứng dụng thực tế, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức và hiểu biết rộng.

 

Không tạo áp lực cho học sinh

 

Theo ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên), đề tham khảo các bộ môn có tỉ lệ kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20-25%; kiến thức dàn trải ở cả học kỳ 1 và học kỳ 2 với mức độ từ dễ đến khó. Vì vậy, việc ôn tập của các trường phải dựa trên mặt bằng trình độ chung của học sinh để lựa hình thức ôn tập, luyện tập cho phù hợp, chủ yếu tập trung ở mức độ cơ bản vừa phải; không đi vào các nội dung quá phức tạp và quá khó để học sinh không bị mất tinh thần trước kỳ thi. Trên cơ sở ôn tập chung như vậy, học sinh sẽ dựa trên mục tiêu, khả năng, nguyện vọng để có kế hoạch ôn tập, đầu tư phù hợp.

 

Một lưu ý khác của Sở GD-ĐT là các trường không nên quá phụ thuộc vào bộ đề thi tham khảo, vì đó chỉ là gợi ý ban đầu cho việc tổ chức ôn tập. Ngoài ra, các trường cũng cần tránh áp dụng liên tục bộ đề thi tham khảo trong quá trình ôn tập cho học sinh vì giữa đề thi tham khảo và đề thi thực vẫn có sự vênh nhau, nhất là “điểm rơi” về các phần kiến thức. Các trường cần xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh.

 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường có thể kết thúc chương trình dạy học lớp 12 sớm nhất vào khoảng tháng 3 và trễ nhất vào cuối tháng 4/2018, đảm bảo dạy đủ 37 tuần/năm học. Để công tác ôn thi đạt hiệu quả, các trường không được cắt xén chương trình; tổ chức ôn tập trên tinh thần nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh.

 

THÚY HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek