Thứ Ba, 08/10/2024 17:36 CH
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực nhiệm vụ đột phá để Phú Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020
Thứ Năm, 26/01/2012 13:00 CH

Trong điều kiện nước ta nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; và để sớm thực hiện công cuộc CNH-HĐH thì vấn đề xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển là một trong những vấn đề trọng tâm, có tính tiên quyết cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Đây cũng là một trong 3 nhiệm vụ đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra.

Tan-Viet-mau1.jpg
Về thực trạng nguồn nhân lực: Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên cũng được chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ trên cả 3 mặt (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài) và có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà. Đến cuối năm 2010, dân số toàn tỉnh có gần 870.000 người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm 57,1% (496.770 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 38%; trong đó, lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp 15.574 người, cao đẳng 14.114 người, đại học 28.228 người và sau đại học 470 người. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 98,7%. Tỉ lệ cán bộ chuyên trách cấp xã đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chiếm 51,3%, bồi dưỡng lý luận chính trị chiếm 85,8%, quản lý hành chính chiếm 69,4%; công chức cấp xã đã qua đào tạo chuyên môn chiếm 79,8%, bồi dưỡng lý luận chính trị chiếm 58,8%, quản lý hành chính chiếm 26,1%. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện ngày càng được nâng lên cả về trình độ lý luận chính trị, học vấn, chuyên môn nghiệp vụ... Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế so với yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đáng chú ý:

+ Cơ cấu nguồn nhân lực chưa phù hợp, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” chưa được khắc phục. Theo các nhà kinh tế, cơ cấu nguồn nhân lực theo chuyên môn kỹ thuật có tỉ lệ hợp lý là: 1 người có trình độ đại học và sau đại học thì có 4 người có trình độ trung học chuyên nghiệp và 10 công nhân kỹ thuật, trong khi đó cơ cấu nguồn nhân lực ở Phú Yên là: 1-1,66-1,35 rõ ràng là chưa hợp lý và sẽ khó phát huy hiệu quả.

+ Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động còn hạn chế; lao động giản đơn chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ lệ lớn (60%); công nhân kỹ thuật lành nghề còn thấp, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề mới chỉ chiếm 26% trong tổng số 40% lao động đã qua đào tạo.

+ Số lượng cán bộ có trình độ chuyên sâu các ngành, các lĩnh vực mà địa phương đang thiếu, đang cần còn ít, nhất là các ngành kinh tế, kỹ thuật.

+ Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước của không ít cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quy định.

+ Trình độ tin học, ngoại ngữ của lao động rất hạn chế, chưa đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

+ Cơ chế chính sách thu hút nhân tài, lao động có chất lượng cao chưa đạt yêu cầu đề ra. Sử dụng cán bộ sau đại học có lúc, có nơi chưa hợp lý, chưa phát huy được năng lực chuyên môn, dẫn đến tình trạng cán bộ được đào tạo xin chuyển đi tỉnh khác hoặc tự ý bỏ việc.

Từ thực trạng nguồn nhân lực nêu trên, nếu không có những giải pháp tích cực thì khó đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, “...đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức bình quân chung của cả nước, tạo đà để đến năm 2020, Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra. Nhận thức được tầm quan trọng này, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó có nhiệm vụ “đầu tư phát triển nguồn nhân lực”.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải thể hiện quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển nguồn nhân lực tỉnh nhà với những chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp. Đồng thời, thực hiện tốt các nội dung sau:

 

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho toàn xã hội hiểu rõ về các chủ trương, chính sách và quyết tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là ở ngành Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực.

- Nhanh chóng xây dựng và triển khai Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020, đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương trên cơ sở thống kê, đánh giá thực trạng, cơ cấu nhân lực hiện có và định ra lộ trình phát triển nhân lực cho từng giai đoạn với những việc làm cụ thể.

TV-DH-Phu-Yen1.jpg

Sinh viên Trường đại học Phú Yên trong một giờ học tập - Ảnh: M.NGUYỆT

- Hoàn thiện bộ máy, đổi mới phương pháp và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành trong việc theo dõi, dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tăng cường phối hợp trong xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của từng ngành, địa phương, tạo sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất đối với sự phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Trong đó, các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tổ chức cán bộ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Tài chính... cần phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác theo dõi, tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực.

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi nguồn tài chính lớn, vì vậy, cần huy động mọi nguồn lực tài chính trong xã hội để phát triển nhân lực, trong đó vốn ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Việc đầu tư kinh phí phát triển nguồn nhân lực phải thực hiện hàng năm và duy trì liên tục.

- Trên cơ sở cơ chế, chính sách đã có, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo phù hợp với tình hình của tỉnh và mang tính khả thi cao.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính một cách triệt để, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nguồn nhân lực.

- Thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo nhu cầu thị trường lao động, làm cơ sở để người lao động lựa chọn nghề nghiệp phù hợp và các cơ sở đào tạo nghề có kế hoạch đào tạo theo yêu cầu.

- Mở rộng và tăng cường hợp tác để phát triển nhân lực.

Nguồn nhân lực là một trong những trụ cột chính quyết định sự thành công của mỗi quốc gia, cũng như mỗi địa phương trong quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; là nhân tố đóng vai trò quyết định tới sự phát huy các nguồn lực khác. Phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm và công việc của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và của toàn xã hôi. Tin tưởng với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ và chính quyền các cấp, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, tỉnh ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đột phá “đầu tư phát triển nguồn nhân lực”, thúc đẩy Phú Yên phát triển nhanh, bền vững và đạt mục tiêu “cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp” vào năm 2020.

HUỲNH TẤN VIỆT

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek