Thứ Ba, 08/10/2024 12:34 CH
Tiết kiệm để “dân giàu nước mạnh” - những bài học xưa và nay
Thứ Bảy, 28/01/2012 07:00 SA

Ông cha ta coi tiết kiệm là một trong những phẩm chất, đạo đức của con người. Nó không chỉ có ý nghĩa vật chất tức tiết kiệm của cải trong sử dụng, tiền bạc trong chi tiêu, mà còn có ý nghĩa tinh thần là giữ gìn đạo đức, phong độ trong lao động, vệ sinh, sinh hoạt, giao lưu. Vì vậy, chữ “tiết” thường đi đôi với chữ “độ”. Và chữ “kiệm” thường luôn luôn gắn với chữ “cần”.

 

Bac-Ho.jpg

“Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần - kiệm - liêm - chính thì dễ trở thành hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. (Đời sống mới, 20/3/1947 - Hồ Chí Minh toàn tập)

Tôi nhớ khi còn nhỏ, ông cha tôi và các nhà nho đất Hồng Châu, sau khi truyền bá các “Gia huấn ca” còn dạy thêm những bài thơ dễ nhớ về đức “tiết độ” và “kiệm cần”, như:

 

“Mình làm, mình khổ

Trời có buộc đâu?

Tiết độ sống lâu

Kiệm cần nhiều của”

 

Kèm theo đó là phân tích, phê phán những kẻ chây lười lại ăn chơi phóng túng dẫn đến nghèo khổ:

 

Còn những kẻ khổ

Toàn kẻ vụng suy

Ăn ở bất nghì

Thất “thường”, lỗi “đạo”

(Sai “luân thường”, lỗi “đạo lý”)

 

Qua thực tiễn cuộc sống tôi thấy, trong xã hội cũ sự nghèo khổ của nhân dân ta chủ yếu là do bị đế quốc, phong kiến bóc lột, nhưng không phải không có số khá đông là do lười suy nghĩ, biếng lao động lại hay ăn chơi đàng điếm.

 

Cụ thể như sau cải cách ruộng đất, trong số bần cố nông được chia “quả thực” thì một số vốn trước kia siêng năng lao động nhưng bị áp bức bóc lột trở nên nghèo, nay nhờ quả thực làm vốn mà ăn nên làm ra.

 

Còn một số không ít trước là vụng lo, lười làm, nay cũng nhanh chóng bán trác tiêu sài hết, trở lại nghèo thiếu. Một số phú nông, địa chủ từ lao động mà ngoi lên giàu, trước kia làm ăn giỏi, nay tuy khẩu phần được để lại còn kém nông dân nhưng đã mau chóng hồi phục trở nên khá giả. Đó vẫn là nhờ “Chăm lao động, biết kiệm cần”.

 

Trong số họ, có những người đã từng thấy muốn làm giàu thì trước hết phải “tư duy”, suy nghĩ:

 

Một người hay lo bằng một kho người hay làm”

Hay: “Có làm mà chẳng có lo

Làm chi làm lắm, làm cho nhọc mình”

 

Họ đã thấy “tư duy” là loại lao động cần thiết chỉ đạo cho lao động chân tay. Ngày nay chúng ta, trong “đổi mới” trước hết đã coi trọng “Đổi mới tư duy” cũng là theo một lôgích như thế.

 

Ngày nay Đảng ta hô hào tiết kiệm, nhà nước ta ra những đạo luật và các văn bản pháp quy dưới luật vừa nhằm bảo vệ quyền lợi những người lao động, vừa chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chung quy lại cũng nhằm thực hiện những điều mà Bác Hồ đã dạy:

 

“Cần, kiệm, liêm, chính”

 

Duy chỉ có việc thực hiện thì có nơi còn lơi lỏng

 

Kinh nghiệm ở các nước láng giềng mà tôi vừa đi qua cho thấy:

 

“Nhật Bản là nước mà phong cách tiết kiệm có thể coi là “Quốc phong”, “Quốc sách”. Quốc phong là vì người dân nào, từ cụ già đến trẻ em đại đa số đều biết tiết kiệm. Chỉ nói “tiết kiệm thời gian” thôi cũng là ghê gớm. Vì thời gian thì dân tộc nào cũng coi là “vàng ngọc”.

 

Người Nhật ít để thời gian bị lãng phí. Chúng ta, ai sang Nhật hợp tác hay lao động đều thừa nhận là làm việc với bạn phải lao động đến “chóng cả mặt” mới theo kịp được sự tận dụng thời gian của bạn. Còn về sinh hoạt từ ăn no, mặc ấm đến ăn ngon, mặc đẹp… đều có nội dung tiết kiệm của nó.

 

Riêng ở Trung Quốc, tôi chưa có dịp đến các khu kinh tế mở, các khu chế xuất ở bờ biển phía đông nam, nghe nói là giàu sang ghê lắm. Nhưng mới tới được Bắc Kinh, Nam Ninh và hai thị trấn biên giới là Đông Hưng (giáp Móng Cái) và Hà Khẩu (giáp Lào Cai) cũng đã thấy một tinh thần tiết kiệm đáng học tập mà trước khi đến tôi chưa mường tượng được.

 

Chỉ nói về phương tiện đi lại. Tuy ở các đường phố trung tâm như Thiên An Môn, Vương Phủ Tỉnh… ô tô, taxi đi mấy hàng nối đuôi nhau. Nhưng quan sát kỹ, hầu hết đều là xe sản xuất nội địa. Không thấy loại Meccedes, Ford hay Isuzu, Honda… loại xịn của Nhật. Các xe taxi phần lớn là nội địa nhưng rất nhiều, rất dễ gọi và được phục vụ nghiêm túc có kỷ cương. Còn xe gắn máy gần như tuyệt nhiên không có các loại xe ngoại sang trọng như ở Hà Nội. Thỉnh thoảng mới thấy cái Izusu cũ kỹ. Xe đạp cũng còn nhiều, nhất là ở các phố dân cư ven khu trung tâm thì gần ngang với Hà Nội, nhưng tất cả là xe nội địa, không thấy một ni-ni Nhật, hay Peugeout, Mecie… nào.

 

Cán bộ, nhân viên đi làm, đã có xe buýt công cộng phục vụ tốt. Ai ở xa bến xe buýt có thể đi xe đạp tới trạm xe buýt, khóa xe đạp lại để vào một góc đường, nơi được công an quy định, rồi chiều lại đi xe buýt về lấy xe đạp để “hồi gia”.

 

Ở Nam Ninh, Đông Hưng, Hà Khẩu cũng tương tự như vậy. Thị dân ở đây coi trọng “Xanh, sạch, đẹp” nhưng rất tiết kiệm, vì Nam Ninh thủ phủ của Khu tự trị Choang còn nghèo. Cũng như thị trấn Đông Hưng, Hà KHẩu là đô thị của cả một vùng nông lâm nghiệp chưa giàu, chỉ có thể đi lên bằng “cần, kiệm” chứ không thể ngồi chờ ngóng “Đầu tư nước ngoài” – cái mà Trung Quốc đã tận dụng một cách có hiệu quả không kém một nước nào.

 

Đi đôi với tiết kiệm là tăng cường pháp luật. Chúng ta đọc sách báo đã từng thấy Trung Quốc xử tử 3, 4 viên chức đứng đầu một tỉnh về tội tham ô. Thị trưởng Bắc Kinh Trần Hy Đồng vừa qua cũng bị đưa ra tòa án xét xử. Pháp luật của sự nghiệp “cải cách - mở cửa” cần được công minh, không kiêng một ai.

 

Đảng và nhà nước ta đã đưa tiết kiệm lên thành quốc sách. Những kinh nghiệm của các nước láng giềng (mà sự hiểu biết của tôi còn nông cạn như trên) chắc chắn có thể học tập được nhiều cho sự nghiệp “Đổi mới” của chúng ta.

 

Giáo sư VĂN TẠO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek