Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định mục tiêu tổng quát năm 2012: “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…”. Vì thế có thể nói 2012 là năm khởi điểm công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế nhằm củng cố nội lực, vì mục tiêu chấn hưng đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
Nhà máy dược phẩm PYMEPHARCO đang nỗ lực hoàn thiện theo tiêu chuẩn EU-GMP - Ảnh: N.TRƯỜNG
NHẬN RÕ YẾU KÉM, NGĂN CHẶN TỤT HẬU
Kinh tế thế giới và trong nước những năm qua đối đầu với nhiều thách thức, bất trắc: tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ công, lạm phát cao, giá thành vật tư đầu vào biến động mạnh… Trong bối cảnh ấy, nước ta về cơ bản đã ứng phó có kết quả trước những cơn sóng dữ nghịch chiều, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Cả giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7%. Và đến năm 2010, GDP tăng gấp 2 lần so với 10 năm trước, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Việt Nam là một trong số ít các nước đã hoàn thành hầu hết mục tiêu Thiên niên kỷ, uy tín không ngừng nâng cao.
Đó là những thành tựu quan trọng, cần được nhìn nhận đúng mức. Tuy nhiên những tồn tại, yếu kém cũng phát sinh, lộ rõ hơn bao giờ hết: Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đại hội X của Đảng chưa đạt được. Bước sang năm 2011, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, lạm phát cao, giá biến động, lãi suất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp… Tình hình trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan do tác động từ bên ngoài, nhưng nguyên nhân chủ quan cũng có vai trò quan trọng: Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả chậm được khắc phục; khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong việc thực thi các chính sách tiền tệ - tài khóa, quy hoạch - đầu tư, quản lý tài nguyên - đất đai; chưa có cơ chế phù hợp trong việc quản lý thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán… hoạt động minh bạch và hiệu quả.
“Cách hiểu sơ đẳng về kinh tế là với nguồn lực hữu hạn cần phải làm sao để mang lại hiệu quả cao nhất. Điều đó càng đúng với nước ta – một nước còn rất nghèo. Xét trên bình diện tổng thể nền kinh tế những công trình không mang lại hiệu quả sẽ làm cho nguồn lực quốc gia suy kiệt, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của cả nước nói chung và gây ra những tác hại về môi trường, lòng tin của người dân nói riêng”. ÔNG VŨ KHOAN Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ
Dự báo năm 2012, giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu đánh giá sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn. Tình hình khủng hoảng tài chính - nợ công và lạm phát cao ở nhiều nước không chỉ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế thế giới mà còn tiếp tục tác động xấu, thậm chí có nguy cơ đẩy thế giới rơi vào tình trạng bất ổn mới, tiếp tục gây đổ vỡ hệ thống tài chính, rơi vào tình trạng đại suy thoái như những năm 30 của thế kỷ trước! Nước ta với độ hội nhập sâu sau 5 năm gia nhập WTO sẽ không thể thoát ly xu thế đó. Vấn đề đặt ra là có sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước các diễn biến bất lợi, phát huy lợi thế của một nước đi sau đang trong quá trình công nghiệp hóa và có nền nông nghiệp giàu tiềm năng, là nước có hàng xuất khẩu nông sản lớn – cung cấp suất ăn cho thế giới!
Chưa bao giờ thách thức và thời cơ đan xen phức tạp như hiện nay. Tựu trung, các nền kinh tế chia ra 3 thời đoạn phát triển: Có GDP khoảng trên dưới 2.000USD/người (như Việt Nam); GDP từ 3.000 - 9.000USD (Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia); có GDP trên 17.000USD (Nga và các nước khối OECD). Ở giữa các nhóm đó là các nước đang thời kỳ chuyển tiếp. Và Việt Nam thuộc các nước ở giai đoạn đầu, thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Vì vậy chỉ có đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào yếu tố năng suất, chất lượng, tăng cường tính hiệu quả, sáng tạo… mới tạo bước đột phá phát triển trong thời kỳ mới.
ĐỊNH VỊ MÔ THỨC TĂNG TRƯỞNG, HƯỚNG ĐẾN TẦM CAO
Điều đáng mừng là các khiếm khuyết, yếu điểm trong việc phát triển kinh tế - xã hội nước ta thời gian qua đã được mổ xẻ, phân tích đúng mức trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, thể hiện rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). Quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước là thực hiện nhất quán chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu; từ dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động chất lượng thấp sang tiêu chí đánh giá về chất lượng, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiệm vụ năm 2012 và cả thời kỳ 2011-2016 sẽ tập trung tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình tổ chức và quản trị, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế.
Để phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng bền vững trong thời kỳ mới, phải giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Thực tế thời gian qua cho thấy nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao song càng phát triển nền kinh tế càng bị mất cân đối, đời sống một bộ phận người dân chậm cải thiện hoặc khó khăn hơn. Bởi lẽ, trong 5 năm qua chỉ số lạm phát (CPI) đã tăng hơn 60%, trong khi tổng tăng trưởng (GDP) chỉ tăng 35%! Đã đến lúc cần xóa bỏ tình trạng đầu tư phân tán các nguồn lực hữu hạn của nhà nước và xã hội theo kiểu chia cắt, cát cứ thành “63 nền kinh tế” trong cả nước. Điều này đã được nhìn nhận rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) của Đảng: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối”.
Thực tế từ khi triển khai công cuộc đổi mới đến nay, nền kinh tế nước ta đã trải qua nhiều xu thế đầu tư mang tính phong trào, trăm hoa đua nở như việc xây dựng các nhà máy bia, xi măng, mía đường… Sau đó là xây dựng cảng biển, khu công nghiệp, các đặc khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và gần đây rộ lên các dự án thép, thủy điện, sân golf, sân bay… Vì thế, nền kinh tế luôn rơi vào hội chứng “khát dự án” và đói vốn. Là một “người trong cuộc” trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bày tỏ ý kiến khá bức xúc: Đến nay vẫn chưa có công trình tổng kết nào phân tích rõ, xem xét thấu đáo những dự án ấy hiệu quả tới đâu, lãng phí ra sao, đã góp phần làm nền kinh tế bất ổn, kém hiệu quả như thế nào?
Năm 2011 khép lại với nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội nước ta thời kỳ mới. Đầu năm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra, đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, xác định mục tiêu chiến lược và các khâu đột phá. Việc kiện toàn nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã tạo ra sức bật mới để triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra nhằm đưa đất nước vươn lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu thời đại và kỳ vọng của nhân dân.
Mô thức tăng trưởng trong thời kỳ mới đã được định vị, triển khai quyết liệt, đã khơi dậy niềm tin, hào khí của toàn dân và cả hệ thống chính trị về quyết tâm đổi mới và nâng cao năng lực sáng tạo để vượt qua thách thức. Nhiều tín hiệu mới cho thấy nền kinh tế sẽ có cải thiện về chất: Tại hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Ngay trong cuối năm 2011, muộn nhất là quý I/2012, các tập đoàn kinh tế phải trình phương án cơ cấu lại đơn vị để tập trung vào nhiệm vụ chính, ngành nghề chính. Phân rõ những doanh nghiệp nhà nước nào cần giữ vốn 100%, loại nào cần chi phối vốn, số còn lại tiến hành cổ phần hóa. Tiến hành sáp nhập những doanh nghiệp nhỏ, mạnh dạn giải thể doanh nghiệp thua lỗ”. Ngày 15/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ dừng việc thành lập mới các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu sau khi thực hiện việc giám sát cho thấy phần lớn hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí lớn. Việc tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng được triển khai quyết liệt. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, ngay trong năm 2012 sẽ xử lý dứt điểm tất cả các ngân hàng yếu kém; sang năm 2013 sẽ tiếp tục quá trình hợp nhất để tăng quy mô, khả năng cạnh tranh. Đến năm 2014-2015, nước ta sẽ hình thành ít nhất vài ngân hàng mang tầm vóc khu vực.
…Mùa xuân đang đến, cùng với nhận thức mới và nỗ lực cải cách để chấn hưng đất nước tương hợp thời kỳ phát triển mới, ta có cơ sở để tin tưởng và hy vọng nước ta sẽ từng bước vượt qua khó khăn, vươn tầm hội nhập, phát huy vị thế trên trường quốc tế.
LÊ TIỀN TUYẾN