Dịp đầu xuân mới, Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Đình Cự, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.
Chủ tịch UBND tỉnh PhạmĐình Cự gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài đến Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT |
* Để Phú Yên phát triển nhanh, bền vững, bên cạnh việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh, ưu điểm, việc khắc phục nhanh những tồn tại khuyết điểm nhằm giải phóng những lực cản cũng rất cần thiết. Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, những tồn tại, yếu kém chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần khắc phục nhanh là gì?
- Năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của lạm phát, suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh cơ bản ổn định và một số mặt phát triển; có 11/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch:
Nền kinh tế của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng cao đạt 13,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. GDP bình quân đầu người đạt 19,8 triệu đồng/năm, tăng 25,3% so năm trước. Thu ngân sách trên địa bàn tăng 19,3% so với cùng kỳ. Nhiều công trình lớn có ý nghĩa về kinh tế và dân sinh đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế như: cầu Hùng Vương, tuyến đường quốc lộ 1A - Gành Đá Đĩa, khu neo đậu tránh trú bão vịnh Xuân Đài… Các ngành dịch vụ có sự chuyển biến về quy mô và chất lượng. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao đều có nhiều tiến bộ. Đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 400 Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên năm 2011.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, khuyết điểm cần khắc phục nhanh trong thời gian đến, đó là:
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tuy đúng hướng nhưng còn chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn chậm, nhất là công tác lập quy hoạch và đề án triển khai.
Dịch vụ du lịch tuy có mở rộng quy mô, nâng cao hơn chất lượng nhưng sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng Phú Yên. Về đầu tư xây dựng cơ bản nhìn chung đều chậm tiến độ ở tất cả các khâu từ chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, thi công đến giải ngân, quyết toán. Một số dự án quan trọng thực hiện không đạt kế hoạch đề ra, nhất là tuyến giao thông ven biển và một số dự án thủy lợi. Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tuy có nhiều cố gắng nhưng có lúc, có nơi tình trạng khai thác trái phép vẫn còn tái diễn. Một số doanh nghiệp, nhà máy xả thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng sử dụng đất sai mục đích vẫn còn phổ biến nhưng chậm kiểm tra, xử lý.
Các hoạt động văn hóa xã hội tuy có nhiều tiến bộ, nhưng một số lĩnh vực thiếu bền vững. Tỉ lệ hộ tái nghèo vẫn còn cao. Đời sống của nhân dân, nhất là người lao động, người làm công ăn lương, người nghèo, nông dân, ngư dân còn khó khăn. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp.
Cải cách hành chính tuy có nhiều tiến bộ nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ công chức chưa cao; lề lối làm việc chưa được đổi mới. Thái độ ứng xử, phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức một số đơn vị, địa phương còn gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân… cần chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.
* Xin đồng chí Chủ tịch cho biết, những giải pháp chủ yếu khắc phục các khiếm khuyết này?
- Để nhanh chóng khắc phục các tồn tại, khuyết điểm nêu trên, tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho những ngành, lĩnh vực then chốt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015. Tổ chức tổng kết đánh giá dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, triển khai, thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Trong trồng rừng chú ý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, nhất là việc các doanh nghiệp trồng rừng lợi dụng phát dọn thực bì để phá rừng, khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng trồng sắn, mía.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 1792/ CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Đổi mới tư duy về đầu tư, chú ý đến hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư. Tăng cường trách nhiệm của người quyết định đầu tư các dự án mới từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Chú trọng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ. Điều chỉnh quy định phân cấp, ủy quyền và phân giao nhiệm vụ trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án do tỉnh quản lý. Tăng cường kiểm tra năng lực tài chính, năng lực thi công của các nhà thầu để loại ra ngay từ đầu, tránh trường hợp nhà thầu không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc cùng lúc thực hiện nhiều công trình nên dàn trải, kéo dài thời gian, không đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tiếp tục củng cố, kiện toàn các ban quản lý dự án để đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong tình hình mới, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Kiên quyết xử lý các dự án đã đăng ký nhưng chậm triển khai.
Thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, các sở, ngành. Nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nhất là thực hiện hiệu quả mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông hiện đại” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhân dân trong giải quyết công việc. Tăng cường kỷ cương kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
* Năm 2012, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà đồng chí Chủ tịch quan tâm là nhiệm vụ nào và sẽ tổ chức thực hiện như thế nào?
- Theo dự báo, năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều sự biến đổi bất lợi. Chính phủ đã và đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm, giãn tiến độ các dự án đầu tư. Đối với tỉnh Phú Yên, nguy cơ thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, thị trường... sẽ là những thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2012, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm 2012 là triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, tỉnh tiếp tục thắt chặt chi tiêu công, tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, sắp xếp lại danh mục đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường quản lý nhà nước về giá, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, phấn đấu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và người làm công ăn lương.
Bên cạnh đó, chúng ta tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động của Tỉnh ủy nhất là chương trình về đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.
Tôi tin tưởng rằng với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, cùng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Phú Yên sẽ vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2012.
* Xin cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh!
KHÁNH LINH (thực hiện)