Nhiều năm qua, gần như đã thành thói quen, năm nào tôi cũng viết cho báo Phú Yên một bài báo tết. Để bày tỏ nghĩa nặng, tình sâu của một người con đang sống xa quê, ở Hà Nội, tôi ghi cảm nhận của mình về mùa xuân qua những nét chấm phá về thành tựu đổi mới của đất nước và của tỉnh nhà. Năm nay, nhân xuân Nhâm Thìn đến, tôi xin lấy “Chuyện về những năm Rồng” làm chủ đề, qua đó, tìm ra nét tương đồng lớn nhất của những năm Thìn trước đây với năm Thìn 2012 này.
Ảnh: M.V
Nếu kể từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, 67 năm qua, đất nước đã có dịp 6 lần đón năm Thìn. Nếu kể từ Đổi mới thì 3 lần. Mậu Thìn 1988, Canh Thìn 2000. Và năm nay Nhâm Thìn 2012.
Những sự kiện lớn nhất, có tính bước ngoặt của dân tộc ta trong gần 7 thập kỷ qua hầu như không diễn ra vào năm Thìn. Cách mạng Tháng Tám 1945 - năm Ất Dậu. Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - năm Giáp Ngọ. Đại thắng mùa xuân 1975 - năm Ất Mão. Đổi mới 1986 - năm Bính Dần. Tiến vào thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới năm 2001 - năm Tân Tỵ.
Dù là vậy, nói đến Thìn là nói đến những năm chuyển tiếp, với sức chuyển mình mạnh mẽ, chuẩn bị cho những thắng lợi quyết định.
Lấy Nhâm Thìn sáu mươi năm trước, thời chống Pháp làm thí dụ, ta sẽ thấy: Giai đoạn chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công bắt đầu từ chiến dịch Biên giới 1950. Đến năm 1952 (Nhâm Thìn), với hai chiến dịch Hòa Bình và Tây Bắc, ta đã giành thắng lợi lớn và tạo nên một bước chuyển đặc biệt quan trọng để hai năm sau nối tiếp bằng một số chiến dịch lớn khác, đi tới một Điện Biên Phủ lẫy lừng. Năm ấy, Bác Hồ gửi thơ chúc tết đồng bào và chiến sĩ cả nước:
Xuân này xuân năm Thìn
Kháng chiến vừa sáu năm
Trường kỳ và gian khổ
Chắc thắng trăm phần trăm
Đi vào thời kỳ đổi mới, xin thử nhìn lại hai năm Thìn đã qua và nói tới Nhâm Thìn năm nay.
Mậu Thìn 1988 là năm thứ ba của thời kỳ đổi mới. Thật ra, đó là năm thứ hai, bởi đường lối đổi mới được Đại hội VI của Đảng đề ra từ cuối tháng 12/1986. Năm 1987 là đỉnh cao của khủng hoảng kinh tế, với mức lạm phát hơn 700%. Năm ấy, để giải quyết vấn đề cấp bách, Đảng ta tập trung vào mục tiêu ưu tiên bốn giảm: giảm tỉ lệ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân. Bước vào năm 1988, vẫn còn day dứt trong nhiều người rằng liệu nước ta có thể thoát khỏi cái “đường hầm không lối thoát” không. Trước thềm năm Mậu Thìn, Hội nghị Trung ương 4 (khóa VI), khi bàn về nhiệm vụ năm 1988, đã chỉ rõ: Năm 1988 phải “tạo được sự chuyển biến mạnh trên các mặt”. Dưới đầu đề “Sức chuyển năm Rồng”, xã luận báo Nhân Dân tết năm đó viết: “Rồng đẹp ở tư thế bay lên. Rồng cần vận dụng sức mạnh tập trung nhất vào lúc chuyển mình. Năm con rồng phải tạo bằng được tiền đề và điều kiện cho ổn định”. Đến cuối năm, điểm lại những thành tựu đạt được, đã có sự khẳng định dứt khoát rằng không phải đất nước đang trong bế tắc mà đã tìm thấy lối ra và đang trong lối ra! Thật vậy, không có bước chuyển mình mạnh mẽ của hai năm 1988 và 1989 thì làm sao có được sự vươn tới của năm 1990 để đến 1991, Đại hội VII của Đảng đưa ra được “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Canh Thìn 2000 là năm cuối cùng của thế kỷ XX, và là năm thứ 14 của đổi mới. Năm ấy, nền kinh tế nước ta sau mấy năm bị thiên tai liên tiếp và chịu sự tác động nặng nề của khủng hoảng tiền tệ khu vực các năm 1997-1998, đã phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại kéo dài. Phát huy những thành tựu đạt được trong năm 1999, năm con rồng 2000 đã gồng mình lên để thúc đẩy đà chuyển biến, làm tròn nhiệm vụ của một năm chuyển tiếp và bàn giao thế kỷ. Những cố gắng ấy cho phép Đại hội IX của Đảng đưa ra được Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010, mục tiêu trực tiếp là đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển vào cuối thập niên đầu thế kỷ XXI.
Nhâm Thìn năm nay 2012, là năm thứ 2 của thập kỷ mới, cũng là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020, mục tiêu là đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy không có vinh dự là năm mở đầu như Tân Mão 2011, nhưng năm con rồng lại có trọng trách thực hiện một bước chuyển tiếp lớn, có thể kéo đến 2013, tạo điều kiện cho các năm sau tiến lên thực hiện tốt mục tiêu của kế hoạch 2011-2015.
Thay vì mục tiêu của năm Tân Mão “ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, mục tiêu của năm Nhâm Thìn là “ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế,… bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…”.
Đổi mới mô hình tăng trưởng là chuyển đổi mô hình từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững.
Cơ cấu lại nền kinh tế đòi hỏi phải tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước.
Nhiệm vụ rất nặng nề. Thách thức còn rất lớn. Nhưng những gì mà trong thời kỳ đổi mới các năm rồng trước đây đã làm được để tạo nên một bước chuyển biến tình hình thì tin rằng Rồng Nhâm Thìn năm nay cũng sẽ làm được.
“Sức chuyển năm Rồng” là như thế đấy!
Tết Nhâm Thìn 2012
HÀ ĐĂNG