Cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức cách mạng tiêu biểu nhất của Đảng ta. Thật xúc động khi đọc Di chúc của Người viết về việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Phó bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt thăm hỏi một nhà đầu tư nước ngoài đang triển khai dự án đầu tư ở Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT |
Yêu nước, thương dân là phẩm chất cao quý hàng đầu của Hồ Chí Minh. Hơn 100 năm trước, yêu nước thương dân là xuất phát điểm, là động lực thúc dục người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Như bộc bạch của Người lúc ấy: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Vào những năm 20 của thế kỷ 20, khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người trở thành chiến sĩ kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, bảo vệ quyền lợi, phẩm giá con người của các dân tộc thuộc địa. Trở thành người cộng sản, Người sáng lập và xây dựng Đảng ta, dẫn đường cho toàn thể nhân dân Việt
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, được nhân dân tin cậy và ủy thác trách nhiệm xây dựng, phát triển chính quyền của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo rèn luyện cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, ra sức phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh tự mình nêu tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết sức, hết lòng phục vụ nhân dân. Người chịu đựng mọi khó khăn, đồng cam cộng khổ với đồng bào, đứng mũi chịu sào trước thế nước “nghìn cân treo sợi tóc”. Suốt cuộc đời Người chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hành cần kiệm liêm chính, chống chủ nghĩa cá nhân, chống các bệnh quan liêu, nhũng lạm, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. Rất nhiều lần Người tỏ thái độ bất bình và chỉ ra rằng, không ít cán bộ “miệng thì nói dân chủ, nhưng việc làm thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy cán bộ, đảng viên muốn được dân tin, dân quý, dân thương thì tự mình phải yêu dân, kính dân, trọng dân và phải tận tụy phục vụ nhân dân, việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh, việc gì lợi cho dân thì hết sức làm. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì khi Đảng có chính quyền thì cán bộ, đảng viên dễ mắc vào căn bệnh quan liêu mệnh lệnh, mà nguyên nhân là do: xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân và không yêu thương nhân dân. Người nhận xét: Có nơi, bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân!... Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.
Suy ngẫm về những điều Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên và tấm gương đạo đức của Người, chúng ta càng thấm thía và thấm nhuần hơn nữa yêu cầu mà Bộ Chính trị đã chỉ thị cần phải tiếp tục và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước tiên là tự tu dưỡng, phấn đấu của người đảng viên gắn liền với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, nhằm làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, tận tụy phục vụ nhân dân, vươn lên “làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo”. Nhất là trong năm 2012, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, toàn Đảng, các cấp ủy cần quan tâm hơn nữa việc tu dưỡng đạo đức người đảng viên và chống chủ nghĩa cá nhân, chống tự suy thoái, tự diễn biến, coi là công việc thường xuyên, gắn liền với thực hiện chức trách nhiệm vụ, quan hệ gắn bó với với nhân dân, nêu gương trước dân, làm gương cho dân trong thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Hiện tại, khi nước ta hội nhập quốc tế, bên cạnh những cái tốt đẹp thu hái được thì cũng bộc lộ nhiều bất cập, mặt trái của kinh tế thị trường và hậu quả của các nhóm lợi ích, tư duy nhiệm kỳ là những cản trở lớn cho công cuộc đổi mới đất nước và nâng cao đời sống nhân dân. Để nâng cao vai trò lãnh đạo, củng cố, tăng cường mối quan hệ của Đảng với dân thì cần làm tốt lời dạy của Bác là thực hành dân chủ rộng rãi trong sinh hoạt, công tác đảng phải thiết thực góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và sinh hoạt của các cấp ủy, chi bộ. Trong sinh hoạt đảng cần chú trọng hơn nữa việc biểu dương, nêu gương các đảng bộ, chi bộ và đảng viên đã thực hiện tốt và sáng tạo, tăng cường mối quan hệ gắn bó với nhân dân, làm những việc ích nước lợi dân, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức. Hết sức coi trọng kỷ luật của Đảng, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm. Đồng thời, cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định thi hành Điều lệ Đảng và hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, tăng cường công tác quản lý đảng viên, gắn liền với sự giám sát của hệ thống chính trị và của nhân dân.
Hiện nay, không chỉ là một số chính sách chưa thật sát hợp với thực tế, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân mà còn có không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm sai chính sách của Đảng, Nhà nước, còn xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm luật pháp và đạo đức, vi phạm quyền làm chủ và quyền lợi chính đáng của người dân, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ta. Hơn bao giờ, lúc này cả hệ thống chính trị, toàn xã hội phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người đảng viên, công chức “dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”. Một điều mà lúc sinh thời Bác thường nhắc nhở chúng ta: muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước, phải xung phong làm gương mẫu. Vả lại “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc”.
Mọi người đều cảm thấy cốt lõi trong tư tưởng và hành vi đạo đức của Bác Hồ là yêu thương, kính trọng nhân dân vô hạn nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hòa mình với nhân dân, đoàn kết, tổ chức, lãnh đạo nhân dân thực hiện những mục tiêu của cách mạng và đem lại lợi ích cho nhân dân. Chính vì thế bên cạnh những chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh CNH, HĐH thì Đảng ta còn đặc biệt quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên phải hòa mình với nhân dân, làm cầu nối của Đảng, Nhà nước với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng, ra sức vận động nhân dân hăng hái thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời cũng phải biết tiếp thu những ý kiến đóng góp sát đúng của nhân dân để xây dựng Đảng ta ngày càng thật sự trong sạch, vững mạnh là đạo đức là văn minh.
HUỲNH TẤN VIỆT
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh