Thứ Hai, 30/09/2024 16:36 CH
Lãnh đạo Đảng sẽ đối thoại trực tiếp với dân
Chủ Nhật, 29/10/2006 10:47 SA

Người dân sẽ có cơ hội được đối thoại trực tuyến mỗi năm từ 1 đến 2 lần với các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, qua kênh đối thoại vừa được Báo điện tử Đảng cộng sản VN (www.dangcongsan.vn) mở ra.

 

061029-dao_duy_quat2.jpg

Ông Đào Duy Quát cho biết, sau Hội nghị APEC dự kiến tổ chức đối thoại với dân về gia nhập WTO. Ảnh Nguyệt Minh

Ông Đào Duy Quát, Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng cộng sản VN (www.dangcongsan.vn), cho biết như vậy về việc tờ báo điện tử của Đảng mở kênh giao lưu, đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo Đảng với dân.

 

SẼ ĐỐI THOẠI VỀ WTO

 

* Mục đích Báo Điện tử Đảng Cộng sản mở kênh đối thoại trực tiếp với người dân là gì, thưa ông?

 

- Việc mở kênh đối thoại trực tiếp với dân nhằm phát huy dân chủ, tạo mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, với dân tộc. Hơn nữa, một trong những phương hướng đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác tư tưởng của Đảng là thay đổi cách thông tin từ một chiều sang thông tin hai chiều. Nghĩa là bây giờ đổi mới theo hướng tăng cường thông tin đến dân, đến cơ sở trên tinh thần đối thoại.

 

Trên tinh thần ấy, để tiếp tục đổi mới hoạt động của mình, Báo Điện tử Đảng Cộng sản có đề nghị và đã được Thường trực Ban Bí thư đồng ý để tổ chức tốt hình thức đối thoại giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng với nhân dân trên tờ báo.

 

* Tại sao đến bây giờ chúng ta mới nghĩ đến chuyện cần thiết phải tổ chức chương trình giao lưu, đối thoại?

 

- Không, chúng ta đã thực hiện nhiều nhưng có các mức độ, các góc độ khác nhau. Ví dụ các báo thời gian qua cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tuyến. Quan trọng nhất là đã tổ chức được chất vấn của QH đối với Chính phủ, Viện Kiểm sát, Toà án..., kể cả Thủ tướng. Các cuộc đi thăm, tiếp xúc của các đại biểu QH đối với dân thực chất cũng chính là những cuộc đối thoại. 

 

Còn ở đây chỉ là bước phát triển tiếp của chủ trương rất căn bản, là việc thực hiện cụ thể của một tờ báo, chứ không phải cái gì mới hoàn toàn.

 

* Việt Nam sắp gia nhập WTO, sự kiện quan trọng này và những thoả thuận liên quan có nên là chủ đề chính cần đưa ra đối thoại trong chương trình giao lưu hay không, theo ông?

 

- Chủ đề chúng tôi đặt ra là những vấn đề mà nhân dân quan tâm, chứ không phải chỉ là chống tham nhũng hay cải cách hành chính. Chúng ta chuẩn bị vào WTO thì mọi người dân, nhất là những người trực tiếp sản xuất, đều rất quan tâm. 

 

Sau Hội nghị APEC, có lẽ chúng tôi sẽ tổ chức chương trình giao lưu đối thoại về chủ đề này để cho dân hiểu hơn về WTO.

 

DÂN ĐƯỢC ĐỐI THOẠI VỚI TỔNG BÍ THƯ

 

* Khách mời của Chương trình đối thoại sẽ có cả những lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, thưa ông?

 

- Người dân rất mong điều đó và mong muốn này hết sức chính đáng. Nhưng theo tôi, các lãnh đạo tham gia chương trình có thể là Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước, nhưng cũng có thể là các lãnh đạo của từng ngành, lĩnh vực, địa phương cụ thể, trả lời cho dân nghe từng vấn đề cụ thể.

Vào từng thời điểm, nếu thấy người dân quan tâm nhất đến vấn đề gì, chúng tôi sẽ báo cáo lên các lãnh đạo để bố trí thời gian giao lưu.

 

Nếu các lãnh đạo chủ chốt nhận lời, chúng tôi sẽ thông báo trước nửa tháng, chắc chắn sẽ rất nhiều ý kiến gửi về. Nếu các lãnh đạo cấp cao dành 1-2 tiếng trả lời thì cực kỳ có ý nghĩa.

 

Qua câu chuyện Tổng thống Nga - Putin trực tiếp đối thoại với nhân dân, nhận được 2, 3 triệu câu hỏi của nhân dân, tôi cho rất hay.

 

* Theo ông, Chương trình có nên thường xuyên mời các khách mời là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng... không?

 

- Đây là vấn đề chiến lược. Ông Putin một năm đối thoại với dân một lần. Ở ta chưa có tiền lệ ấy. 

 

Bây giờ chúng tôi không đặt ra 4 - 5 đồng chí chủ chốt cùng tham gia giao lưu, mà cố gắng mỗi năm 1-2 đồng chí đối thoại với dân. Mà đây là với trường hợp đặt vấn đề lớn, rộng hơn. Còn nếu đặt những vấn đề cụ thể thì không nhất thiết phải là các đồng chí lãnh đạo cao nhất đó trực tiếp đối thoại.

 

SẼ THEO DÕI THỰC HIỆN “LỜI HỨA” CỦA KHÁCH MỜI

 

* Trong quá trình giao lưu, chắc chắn nhiều câu hỏi gửi đến không chỉ là chỉ để hỏi, mà có thể sẽ có cả những câu chất vấn. Trong trường hợp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đối thoại và hứa sẽ giải quyết thì ai sẽ người giám sát những lời hứa và những cam kết đó?

 

- Nguyên tắc là khi các đồng chí lãnh đạo đã phát biểu, thì phải ghi lại và chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các vấn đề đó. Còn thì Văn phòng của cơ quan các đồng chí ấy sẽ theo dõi (việc các lãnh đạo hứa hay cam kết - PV). Đây là quy chế làm việc bình thường, chứ không phải nói chỉ để mà nói. Các lãnh đạo ở cương vị đó đã nói là nói có trách nhiệm, có trọng trách!

 

* Xin ông cho biết định kỳ  tổ chức hình thức giao lưu, đối thoại này?

 

- Sau APEC sẽ tổ chức một cuộc. Sau đó tiến hành xây dựng chương trình tổng thể một năm chẳng hạn, báo cáo thường trực Ban Bí thư, trong năm 2007 sẽ tiến hành. Chúng tôi sẽ "đặt hàng" các đồng chí lãnh đạo, nếu họ đồng ý thì thông báo. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo thành chế độ định kỳ. Bước đầu có thể một tháng 1-2 lần và tiến tới mỗi tuần 1 lần chẳng hạn.

 

Các đồng chí khách mời mà có trọng trách thì cũng dễ trả lời hơn.

 

* Xin cám ơn ông!

 

Theo VTC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek