Công tác tư tưởng – văn hóa là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng. Ngay từ những năm chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng và từ ngày thành lập Đảng (1930) đến nay, công tác tư tưởng - văn hóa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp lãnh đạo, xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, chính trị, lý tưởng, đạo đức, văn hóa, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tròn nhiệm vụ mà nhân dân đã giao phó.
Trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong những bước ngoặt, công tác tư tưởng đã góp phần làm cho Đảng ta kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Vững mạnh về tư tưởng, chính trị là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Đảng ta đủ bản lĩnh để đứng vững trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua phong ba bão táp, giành và giữ chính quyền, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, đạt được những thành tựu rất quan trọng hôm nay.
Đạt được những thành tựu to lớn đó, trong 76 năm qua công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng đã có sự đóng góp của lớp lớp cán bộ, đảng viên và những nhà văn hóa chưa là đảng viên, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Hàng nghìn cán bộ tuyên huấn, cán bộ tuyên truyền, huấn học, báo chí, thông tấn, văn học nghệ thuật… đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Nối tiếp truyền thống vẻ vang đó, trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng – văn hóa vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, góp phần nâng cao nhận thức, tính tích cực của cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin của nhân dân vào đường lối đổi mới, tạo sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “… Công tác chính trị, tư tưởng còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Tính định hướng, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả chưa cao… Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống còn chung chung, kém hiệu quả. Công tác nghiên cứu lý luận còn yếu, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới. Trong chỉ đạo, quản lý cũng như hoạt động của báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật còn nhiều yếu kém, khuyết điểm chậm được khắc phục…”.
Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề của mình, công tác tư tưởng – văn hóa trong thời gian tới cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện bám sát thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để giải đáp sát thực, kịp thời. Chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch.
Trước mắt là làm tốt việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh, tạo sự thống nhất trong nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, chủ trương, đường lối, mục tiêu nêu trong Nghị quyết. Trên cơ sở đó mỗi đơn vị, địa phương xây dựng được chương trình hành động cụ thể của đơn vị, địa phương mình, đưa Nghị quyết Đảng trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống của ngành Tư tưởng – văn hóa, một lần nữa, chúng ta nhận rõ tầm quan trọng của công tác tư tưởng – văn hóa trong toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, công tác tư tưởng – văn hóa là nhiệm vụ của tất cả các đảng viên của Đảng, của mọi cấp ủy Đảng, trước hết là đồng chí bí thư.
Ôn lại truyền thống của ngành, những người được Đảng giao làm công tác trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa thêm vững niềm tin vào lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, cố gắng góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp lớn của Đảng và dân tộc: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
BẰNG TÍN