Lâu nay, việc học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng được tổ chức thường xuyên cho cán bộ, đảng viên các cấp. Tuy nhiên, việc đưa nội dung của nghị quyết đến với quần chúng nhân dân còn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Để khắc phục thực trạng này, cần có những cách làm uyển chuyển, phù hợp…
Đồng chí Ma Việt, Bí thư Đảng ủy xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) báo cáo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cho nhân dân buôn Phú Đồng - Ảnh: Thạch Bích |
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức mới đây, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Xuân Trương Văn Minh cho rằng một trong các cái khó khi họp dân để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là chọn địa điểm. Ông Minh kể: Có lần một cuộc họp dân ở thị trấn La Hai phải tổ chức ngay tại… bến xe vì không có địa điểm nào khác. Trong khi báo cáo viên truyền đạt nội dung thì thỉnh thoảng một chiếc xe vọt qua, máy nổ ầm ĩ, khói tung mịt mù nên người nghe bị phân tán tư tưởng.
Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Đông Hòa Võ Ngọc Hòa thừa nhận: Lâu nay, tổ chức cho người dân học tập nghị quyết Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tuy có tiến hành nhưng còn gặp nhiều vướng mắc. Lắm nơi, mời bà con đến họp đã khó, giờ giấc lại co dãn theo kiểu “cao su”, báo cáo viên tuy nhiệt tình nhưng chưa có cách truyền đạt vấn đề phù hợp nên kết quả thấp. Vì vậy, huyện Đông Hòa thường kết hợp lồng ghép phổ biến nghị quyết trong các cuộc họp đoàn thể nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh. Nội dung không ôm đồm mà lựa chọn những cái mới nhất, cơ bản nhất, gắn với thực tế phát triển KT – XH , gìn giữ AN – QP ở cơ sở. Về báo cáo viên, lựa chọn các đồng chí có kinh nghiệm giới thiệu vấn đề khái quát, cô đọng mà sinh động, tuyệt đối hạn chế cách đọc nguyên xi nghị quyết. Ông Hòa kết luận: Lồng ghép phổ biến nghị quyết với các sinh hoạt đoàn thể ngay tại tổ, nhóm, phân đoàn, chi đoàn là một biện pháp cần được đẩy mạnh. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, khi mà các báo, đài liên tục cập nhật thời sự, việc học tập, quán triệt nghị quyết cũng phải cải tiến cho sát hợp với thực tế.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Cầu Nguyễn Văn Khôi, ngoài việc kết hợp với các cuộc họp dân chính đảng và đoàn thể, thì các sinh hoạt cộng đồng ngay tại khu phố, thôn, xóm với đông người tham dự cũng là một dịp để đưa chủ trương của Đảng đến với dân. Chẳng hạn, ngay dịp lễ lạt, nếu bà con có thắc mắc, chưa rõ thông tin về các vấn đề chính trị – xã hội thì báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở cần giải đáp ngay và tranh thủ nói thêm về các chủ trương, chính sách liên quan của Đảng, Nhà nước. Nghĩa là, đưa nghị quyết đến với quần chúng phải linh hoạt, mọi nơi, mọi lúc có thể, chứ không phải chỉ đợi đến khi tổ chức cuộc họp hay hội nghị. Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá việc quán triệt nghị quyết cho nhân dân với các hình thức sân khấu hoá qua hoạt động của các đội thông tin lưu động…
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay, việc tổ chức phổ biến nghị quyết của Đảng cho bà con được tiến hành ra sao? Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh Trần Đức Quang cho biết: Bên cạnh hoạt động định kỳ của đội ngũ báo cáo viên, huyện chú trọng phát huy vai trò của các tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số tại xã, thôn, buôn. Các đồng chí này được bồi dưỡng về lý luận chính trị, được cung cấp thông tin, được truyền đạt các nội dung cơ bản, thiết yếu của nghị quyết để đưa đến bà con. Bên cạnh đó, do đài truyền thanh huyện có chương trình tiếng Êđê nên nghị quyết được biên soạn qua hình thức hỏi đáp ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và phổ biến trên sóng. Nhờ vậy, đã góp phần làm cho bà con dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng buôn làng ngày càng phát triển…
THẠCH BÍCH