Qua 20 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xứng đáng tiêu biểu cho bản lĩnh Việt Nam trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Không vì sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà lung lạc quyết tâm, đã tỏ rõ tính độc lập tự chủ trong mọi đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại.
Bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn tồn tại, phát triển, đều phải có tư tưởng của mình hoặc phải chọn lấy tư tưởng thích hợp với mình. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ rõ, sự lựa chọn ấy chỉ được coi là đúng đắn, khi một mặt phải bắt nguồn sâu xa từ thực tế đất nước, từ truyền thống của dân tộc, từ ước vọng tha thiết của nhân dân; và mặt khác, phải phù hợp với quy luật phát triển khách quan của xã hội, với xu thế vận động tất yếu của nhân loại tiến bộ.
Sự lựa chọn mục tiêu phát triển của Việt Nam, không nằm ngoài sự tất yếu ấy. Đây là một tiến trình lựa chọn kép đầy khắc nghiệt của lịch sử: từ những cái đã, đang có và chúng đang vận động trong lòng dân tộc; từ những cái đã, đang có và chúng đang vận động trong đời sống nhân loại tiến bộ.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành hệ giá trị phát triển của Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, trong thời đại ngày nay. Đó cũng chính là cái lô-gíc phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam, 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, làm nên cốt cách Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, giá trị Việt Nam và vị thế Việt Nam, trước thế giới hiện đại.
Nhận thức và hành động theo hệ giá trị đó, Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, một điển hình trong các dân tộc thuộc địa, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến hoàn toàn không cân sức với “hai đế quốc to”, mở ra thời kỳ phi thực dân hoá sau Việt Nam cho cả hệ thống thuộc địa và các nước phụ thuộc trên thế giới.
Qua 20 năm đổi mới, với hệ giá trị đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xứng đáng tiêu biểu cho bản lĩnh Việt Nam trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Không vì sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà lung lạc quyết tâm, đã tỏ rõ tính độc lập tự chủ trong mọi đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại, đưa đời sống nhân dân lên ngày một cao hơn, đưa đất nước và dân tộc lên vị thế mới trong khu vực và trên toàn thế giới. Nói khái quát, đó là bản lĩnh kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc; là quyết tâm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, “dù có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”; là luận điểm nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; là quan điểm “chỉ có đi theo chủ nghĩa xã hội thì dân tộc mới thực sự được giải phóng” trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đó là luận điểm: Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết lãnh đạo toàn dân đấu tranh xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông – Nam Á và thế giới, dù Hồ Chí Minh đã viết cách đây 37 năm, nhưng vẫn hoàn toàn cập nhật, đúng đắn cả về đối nội và đối ngoại. Theo tư tưởng của Người, Đảng ta nhấn mạnh: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó không phải là mục tiêu, là nhu cầu mà còn là cương lĩnh hành động của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Không thể kể hết những kiến giải và ứng xử của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bài học cho mọi quyết sách trong thời đại mới là, phải tiếp tục tìm hiểu hệ giá trị đó để giữ vững “bản lĩnh Việt Nam”; dưới ánh sáng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để tìm ra những kiến giải và ứng xử tối ưu trong mọi tình huống chiến lược của cách mạng trong giai đoạn mới, trước tình thế hiện nay.
Thế kỷ XXI mở đầu thiên niên kỷ thứ III sau Công nguyên của một thế giới đầy biến động, cũng đồng thời mở ra một kỷ nguyên hội nhập, đua tranh gay gắt của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Trong nước, các thế lực chống đối cùng các tệ nạn vẫn chưa thôi ngáng trở bước tiến của toàn dân, toàn Đảng, trong khi trên thế giới, các thế lực đế quốc vẫn tiếp tục khoác cái luật lệ “mạnh được, yếu thua” lên đời sống loài người. Dù thời cuộc biến đổi xoay vần ra sao, dù đối mặt với xu thế toàn cầu hoá kinh tế phức tạp thế nào, dù đi vào kinh tế tri thức đầy thách thức… thì hệ giá trị ấy - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những kiến giải và hành xử vẫn là quốc bảo phù hợp xu thế thời đại, ứng biến với mọi đổi thay của thế giới ngày nay để dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ tiếp tục làm nên những điều tưởng chừng không thể làm nổi, như đã làm dọc thế kỷ XX; để thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ nhân dân ta tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa đất nước sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới.
Đó là quyết tâm, bản lĩnh của dân tộc, là tất yếu, nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, trên con đường xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thời đại ngày nay.