Sáng 12-7, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Phú Yên (nhiệm kỳ 2004 – 2009) khai mạc tại Hội trường Tỉnh uỷ Phú Yên, với sự có mặt của 43/49 đại biểu HĐND tỉnh. Đến dự có các đồng chí Đào Tấn Lộc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Thanh Đồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Chi, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bá Thanh Kia, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành; các đồng chí lão thành cách mạng.
Quang cảnh kỳ họp - Ảnh: Nguyên Lưu
Trong diễn văn khai mạc Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng nhấn mạnh 5 vấn đề trọng tâm để các đại biểu tập trung trí tuệ thảo luận. Đó là: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và đề ra những giải pháp 6 tháng cuối năm 2006; Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2006 – 2010); xem xét và cho ý kiến về các báo cáo, đề án và tờ trình của UBND tỉnh; nghe báo cáo tình hình Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp; nghe báo cáo tình hình giám sát của HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm và thực hiện việc giám sát tại kỳ họp về tình hình thực hiện dự án hạ tầng đô thị Nam TP Tuy Hoà – Vũng Rô.
Trong ngày làm việc thứ nhất của kỳ họp, kỳ họp nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Hà trình bày báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2006; nghe các báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm và biện pháp thực hiện thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm; báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2006 – 2010); báo cáo kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa V. Thường trực HĐND tỉnh, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh tại kỳ họp thứ 7. UBMTTQVN tỉnh thông báo tình hình Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và những ý kiến, kiến nghị của UBMT đối với HĐND, UBND và các đại biểu HĐND tỉnh. Đồng thời nghe báo cáo về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các báo cáo giám sát của HĐND tỉnh; báo cáo thẩm tra của các Ban Kinh tế – Ngân sách, Văn hóa – xã hội, Ban pháp chế HĐND tỉnh. UBND tỉnh trình hai tờ trình về việc thu phí đấu giá quyền sử dụng đất, phí sử dụng cảng cá, phí thư viện; về đề án giảm nghèo, giải quyết việc làm, dạy nghề, xoá nhà ở tạm cho hộ nghèo giai đoạn 2006 – 2010.
Buổi sáng ngày làm việc thứ hai, các đại biểu tập trung thảo luận riêng ở 4 tổ. Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu nghe UBND tỉnh báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án hạ tầng đô thị Nam TP Tuy Hòa – Vũng Rô; nghe báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế ngân sách và thực hiện quyền giám sát tại kỳ họp đối với công trình trọng điểm này.
Trên cơ sở các nội dung qua 2 ngày làm việc, các đại biểu quan tâm thảo luận đóng góp nhiều ý kiến về chương trình phát triển kinh tế – xã hội, an ninh - quốc phòng trong 6 tháng đầu năm, đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2006 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 – 2010.
NỀN KINH TẾ CÒN NHIỀU TỒN TẠI CẦN SỚM GIẢI QUYẾT
Trong thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu đã nêu lên những tồn tại và yếu kém cần khắc phục. Đó là việc quy hoạch sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, chậm phát hiện và phòng chống dịch bệnh trong sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản chậm, công tác thu hút đầu tư vào các KCN có dấu hiệu chững lại… Đa số các đại biểu cho rằng từ nay đến cuối năm cần tiếp tục ưu tiên đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất, kiểm soát và khống chế dịch bệnh gia súc gia cầm, đầu tư phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản; xây dựng chương trình phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản… Các đại biểu bày tỏ bức xúc về tình trạng nhiều dự án trọng điểm rất được quan tâm bố trí vốn thỏa đáng, nhưng việc triển khai thực hiện không đúng tiến độ, như dự án hạ tầng đô thị Nam TP Tuy Hòa – Vũng Rô, hệ thống chống ngập lụt TP Tuy Hòa, bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh… Thủ tục đầu tư quá nhiêu khê, kéo dài, buông lỏng công tác quản lý xây dựng cơ bản tại một số dự án gây thất thoát, lãng phí và không đảm bảo chất lượng, gây nên sự bất bình và làm giảm lòng tin trong cán bộ và nhân dân. Công tác lập và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không kịp thời, thậm chí phát sinh nhiều khiếu kiện của dân vùng dự án bị thu hồi đất, nhưng chậm được giải quyết. Việc miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định và những sai phạm liên quan khác tại hai dự án Khu phố mới Hùng Vương I và khu dân cư phố mới đã gây tổn thất lớn cho ngân sách nhà nước… cần kịp thời được chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ngoài việc tập trung quản lý, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, trong thời gian tới cần công khai các quy trình, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định đầu tư, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của nhà đầu tư. Đặc biệt rà soát, thu hồi giấy phép các dự án đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chưa triển khai mà không có lý do chính đáng.
CẦN KHAI THÁC TRIỆT ĐỂ CÁC NGUỒN THU NGÂN SÁCH
Thu ngân sách của Phú Yên trong 6 tháng đầu năm được 238 tỉ đồng, chỉ đạt 41% dự toán ngân sách HĐND tỉnh giao, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Cục thuế tỉnh, so với các năm 2004, 2005 thì số thu ngân sách đạt được trong 6 tháng đầu năm là khả quan và khả năng thực hiện đạt chỉ tiêu năm 2006. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu HĐND, đến thời điểm 30-6, một số nguồn thu chủ lực đạt rất thấp như tiền sử dụng đất 50/120 tỉ đồng, đạt 41,7%; thu DNNN Trung ương 10/45 tỉ đồng, chỉ đạt 22,2%, thu DNNN địa phương 52/120 tỉ đồng, đạt 43,3%, thuế ngoài quốc doanh 42/98 tỉ đồng, đạt 42,9%. Các đại biểu cho rằng: nếu không có giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác thu thì việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2005 sẽ rất khó khăn.
Theo ý kiến của các ngành liên quan, trên địa bàn Phú Yên hiện nay có một số nguồn thu tương đối lớn, nếu được khai thác triệt để thì khả năng thu ngân sách năm 2006 cũng như các năm tiếp theo là không nhỏ, đó là sản lượng cá ngừ đại dương hàng năm khoảng 5.000 tấn (chưa kể sản lượng tôm hùm), nhưng chưa được thu thuế. Thứ hai là đối với các nhà thầu xây dựng dự án thủy điện sông Ba Hạ, hiện nay lực lượng thi công công trình hầu hết là ngoài tỉnh, mọi thanh toán đều ngoài tầm kiểm soát của tỉnh, do đó rất khó khăn để ngành thuế đơn phương thực hiện việc thu thuế. Hai nguồn thu này có khả năng tăng thu cho ngân sách khoảng hàng chục tỉ đồng.
CÒN NHIỀU BỨC XÚC VỀ XÃ HỘI, DÂN SINH
Trong 6 tháng đầu năm, công tác văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xóa đói giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, an ninh chính trị được giữ vững, quốc phòng được củng cố. Tuy nhiên, các đại biểu triển khai Nghị quyết 05/CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể thục thể thao còn quá chậm, việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học theo quyết định 159 và chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ chưa đảm bảo tiến độ, trong đó có những bất cập về mức huy động
vốn đóng góp của nhân dân nơi thụ hưởng chương trình theo dự án. Lực lượng lao động của tỉnh dồi dào, nhưng thiếu lao động tay nghề kỹ thuật nên chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện xóa đói giảm nghèo có lúc chưa đồng bộ, việc giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Chất lượng y tế một số nơi trong tỉnh còn thấp, chủ yếu ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa tạo điều kiện để phát huy hết năng lực phục vụ của tuyến y tế ở cơ sở…
Theo ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, ngành giáo dục cần triển khai tốt phương án dạy phân ban trong các trường PTTH năm học 2006 – 2007, xử lý những sai sót để đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng bổ sung, cụ thể hóa đề án phát triển giáo dục mầm non của tỉnh giai đoạn 2006 – 2015. Về y tế cần xây dựng mỗi huyện đạt 1 xã chuẩn quốc gia y tế xã trong năm 2006, triển khai thực hiện phương án đấu giá thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với công tác văn hóa thông tin, cần sớm xây dựng đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010 để các địa phương triển khai vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia. Các ngành chức năng cần sớm thành lập trường năng khiếu thể dục thể thao; thanh tra việc thực hiện chính sách đối với người lao động của các doanh nghiệp; mở rộng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…
Hôm nay (14-7), kỳ họp tiếp tục làm việc ngày cuối cùng tại hội trường để nghe trả lời chất vấn và giải trình; đồng thời thông qua 7 Nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh - quốc phòng trong 6 tháng đầu năm và giải pháp tập trung 6 tháng cuối năm 2005, về tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và biện pháp thực hiện thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2005, về điều chỉnh học phí, biên chế giáo viên, biên chế sự nghiệp khác.
DỰ KIẾN MỨC THU PHÍ SỬ DỤNG CẢNG CÁ, PHÍ ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT PHÍ THƯ VIỆN Tại kỳ họp này, UBND tỉnh Phú Yên đã có tờ trình số 1030/TTr-UBND trình HĐND tỉnh xem xét và thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng cảng cá, phí đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, mức thu phí thư viện trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau: Mức thu phí sử dụng cảng cá 1. Đối với các phương tiện: - Tàu thuyền các loại: mức thu tối đa cho một lần ra vào cảng trong ngày đầu tiên là 60.000 đồng/chiếc, ngày thứ hai trở đi là 30.000 đồng/chiếc. - Phương tiện vận tải các loại: mức thu tối đa cho một lần ra vào cảng trong ngày đầu tiên là 40.000 đồng/xe, ngày thứ hai trở đi là 30.000 đồng/xe. - Phương tiện xe thô sơ các loại: mức thu tối đa cho một lần ra vào cảng trong ngày đầu tiên là 2.000 đồng/xe, ngày thứ hai trở đi là 1.000 đồng/xe. 2. Đối với hàng hóa và thuê mặt bằng - Hàng hóa qua cảng: mức thu tối đa là 20.000 đồng/tấn - Thuê mặt bằng: mức thu tối đa là 10.000 đồng/m2/tháng Mức thu phí đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất - Mức thu tối thiểu: 50.000 đồng/1 hồ sơ đấu giá - Mức thu tối đa: 300.000 đồng/1 hồ sơ đấu giá. Mức thu phí thư viện - Phí thẻ đọc tài liệu: + Người lớn: 15.000 đồng/thẻ/năm, bằng 75% mức thu tối đa của Bộ Tài chính quy định, bằng 150% mức thu cũ + Thiếu nhi: 5.000 đồng/thẻ/năm, bằng 50% mức thu tối đa của Bộ Tài chính quy định, bằng mức thu cũ - Phí sử dụng phòng đọc đa phương tiện + Người lớn: 30.000 đồng/thẻ/năm, bằng 75% mức thu tối đa của Bộ Tài chính quy định. + Thiếu nhi: 10.000 đồng/thẻ/năm, bằng 50% mức thu tối đa của Bộ Tài chính quy định.
NGUYÊN LƯU